Thị trường thép bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt

Theo ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch VSA, nguồn cung thép vẫn rất dồi dào so với nhu cầu. Hiện năng lực sản xuất thép trong nước khoảng 7,8 triệu tấn, chưa kể thép nhập khẩu, trong khi nhu cầu chưa đến 5 triệu tấn.

Với diễn biến thị trường trong thời gian qua, ông Nguyễn Tiến Nghi nhận định, các đại lý không thể găm hàng mãi, đến một lúc nào đó sẽ phải bán ra. Lượng thép tồn kho cuối tháng 3 vẫn còn khoảng 200.000 tấn. Và ngay từ giữa tháng 4 này, một số đại lý đã bắt đầu “xả” hàng, thậm chí có khi phải bán thấp hơn giá thị trường.
Khác với những tháng đầu năm ngoái, 4 tháng đầu năm nay, giá thép và mức tiêu thụ thép trên thị trường tăng lên chóng mặt. Chỉ trong 5 tuần gần đây, giá thép đã tăng tới gần 5 triệu đồng/tấn.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), ngay trong tháng 4 này, khi diễn biến thị trường thép vẫn sôi động thì đã “le lói” dấu hiệu giảm nhiệt.

Theo VSA, thời gian qua, giá thép tăng là do giá nguyên liệu đầu vào tăng. Cụ thể, giá quặng đã tăng 50%, giá than mỡ tăng tới 80% so với năm 2009.

Đầu năm, giá phôi chỉ ở mức 400.000 đồng/tấn thì giữa tháng 4 lên 630.000 đồng/tấn; giá thép phế liệu cũng tăng từ 280.000 lên mức 500.000 đồng/tấn. Trong khi đó, nguồn nguyên liệu để sản xuất thép trong nước phụ thuộc chủ yếu vào nước ngoài nên khi giá thế giới lên, thép trong nước không thể không lên giá.

Mới đây, các nhà cung cấp quặng sắt lớn trên thế giới chỉ bán theo quý chứ không ký hợp đồng dài hạn cho các nhà sản xuất thép nữa nhằm tiếp tục tăng giá trong thời gian tới.

Ở trong nước, thép phải “cõng” thêm giá điện, dầu, lãi suất, lạm phát, tỷ giá và sự biến động của đồng USD. Thêm vào đó, trong quý 1/2010, kinh tế phục hồi, các công trình xây dựng khởi động trở lại nên nhu cầu sử dụng thép cũng tăng mạnh.

Tuy nhiên, diễn biến thị trường thép trong nước thời gian qua cho thấy giá thép tăng còn do bị đầu cơ, làm giá.

Giá tăng do đầu cơ

Có một thực tế là khi giá thép càng tăng thì mức tiêu thụ lại càng lớn. Chỉ riêng trong quý 1, tiêu thụ thép đã ở mức gần 1 triệu tấn, tăng 155% so với cùng kỳ năm ngoái. Và không phải tất cả số thép này đều được đưa tới công trình xây dựng.

Nắm bắt được xu hướng tăng giá, nhiều doanh nghiệp thương mại đã “ôm” thép vào với số lượng lớn chờ cơ hội bán ra ở mức giá cao.

Bên cạnh đó, các đại lý cũng lợi dụng diễn biến thị trường để “té nước theo mưa”, nâng giá kiếm lời. Một đơn vị sản xuất thép thừa nhận, thực tế giá thép xuất xưởng tại kho của các nhà máy chỉ trên dưới 14 triệu đồng/tấn nhưng ra đến thị trường đã bị đẩy lên tới trên 16 triệu đồng/tấn.

Tại sao các đại lý lại có thể “ôm” nhiều hàng để đầu cơ như vậy? Chính cách thức mua bán lòng vòng của nhà sản xuất và khách hàng hiện nay một phần đã tạo cơ hội cho tình trạng này nảy sinh.

Có một thực tế là nhà sản xuất thép không muốn bán trực tiếp sản phẩm cho chủ đầu tư hoặc nhà thầu xây dựng, còn nhà thầu cũng không muốn mua trực tiếp của nhà sản xuất.

Tâm lý của người bán chỉ muốn bán hàng cho đại lý cấp 1 để được thanh toán tiền nhanh, còn chủ các công trình thì cũng chỉ muốn mua của các đại lý để có thể trả chậm, hay vì những lý do “tế nhị” khác, ví dụ như “gửi giá”... Do vậy, trong cuộc mua bán này, nhà sản xuất và khách hàng không gặp nhau, nên không ai có thể quản lý và giám sát được khâu làm giá trung gian này.

Ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch VSA, cho rằng: “Chỉ khi nào thị trường thép được công khai minh bạch, người bán và người mua gặp nhau thì mới lành mạnh hóa được thị trường.”

Sẽ giảm nhiệt khi giới đầu cơ xả hàng

Với diễn biến thị trường trong thời gian qua, ông Nguyễn Tiến Nghi nhận định, các đại lý không thể găm hàng mãi, đến một lúc nào đó sẽ phải bán ra. Lượng thép tồn kho cuối tháng 3 vẫn còn khoảng 200.000 tấn. Và ngay từ giữa tháng 4 này, một số đại lý đã bắt đầu “xả” hàng, thậm chí có khi phải bán thấp hơn giá thị trường.

Cũng theo ông Nghi, nguồn cung thép vẫn rất dồi dào so với nhu cầu. Hiện năng lực sản xuất thép trong nước khoảng 7,8 triệu tấn, chưa kể thép nhập khẩu, trong khi nhu cầu chưa đến 5 triệu tấn.

Trên thế giới, hợp đồng mua quặng đã được ký hết quý 2, nên trong quý 2, giá nguyên liệu sẽ ổn định. Nếu có tăng thì sẽ tăng từ quý 3. Khi giá nguyên liệu ổn định, mức tiêu thụ chững lại thì giá thép khó có thể tăng “phi mã” được nữa.

Thêm vào đó, thị trường thép trong nước đang phải cạnh tranh rất khốc liệt. Các doanh nghiệp thuộc Tổng công ty thép Việt Nam (VNSteel) chiếm chưa đến 30% thị phần thép trong nước, 22,9% thị phần là của các doanh nghiệp liên doanh với VNSteel, còn lại 47,4% thị phần thuộc về các doanh nghiệp thép ngoài VNSteel. Do vậy, các doanh nghiệp thép khó có thể “lái” được thị trường theo ý mình.

Chưa kể, thép ngoại có giá rẻ hơn luôn rình rập tràn vào thị trường Việt Nam. Nếu giá thép trong nước tăng bất hợp lý, lập tức thép ngoại sẽ tràn vào.

Thực tế năm 2009 đã cho thấy, có thời điểm thép ASEAN chiếm lĩnh tới 64% thị trường Việt Nam. Năm nay, mặc dù thị phần thép ngoại có giảm, song riêng thép cuộn ngoại vẫn chiếm khoảng 20%./.

(Báo Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục