Thống đốc NHNN: 50% thành công là nhờ truyền thông!

Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã kiên định thực hiện mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ đó là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Thống đốc NHNN: 50% thành công là nhờ truyền thông! ảnh 1Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN).

Trong giai đoạn khó khăn nhất, trên giá sách tại phòng làm việc của ông Bình có một cuốn sách mà tựa đề được in đậm, nổi bật: “Chỉ một con đường.”

Đây cũng chính là "kim chỉ nam" cho mọi quyết sách của Thống đốc-vị Tổng tư lệnh ngành vốn được coi là huyết mạch của nền kinh tế-ngành ngân hàng.

Thị trường như “ngọn đèn trước gió”

Khi được bổ nhiệm làm Thống đốc (ngày 3/8/2011), Thống đốc Nguyễn Văn Bình tiếp quản một “di sản” khá hoành tráng-một hệ thống các tổ chức tín dụng với tổng tài sản có 4.209 nghìn tỷ đồng, nguồn vốn chủ sở hữu 376,1 nghìn tỷ đồng, nguồn vốn huy động 2.600 nghìn tỷ đồng, dư nợ đối với nền kinh tế 2.306 tỷ đồng.

Nhưng vào thời điểm đó, hệ thống ngân hàng đang rất tiềm ẩn rất nhiều vấn đề như: Trình độ quản trị tài sản nợ, tài cản có của hầu hết các ngân hàng thương mại yếu kém, bất hợp lý nên mức độ rủi ro thanh khoản, rủi ro lãi suất tiềm ẩn rất lớn; đa số các ngân hàng thương mại có tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn, tỷ lệ sử dụng vốn huy động từ nền kinh tế cho vay trên thị trường liên ngân hàng lớn; 12 ngân hàng thương mại trong diện thiếu thanh khoản, trong đó có 5 ngân hàng thương mại thiếu thanh khoản khá trầm trọng; hệ thống kiểm soát nội bộ tại nhiều ngân hàng thương mại không có hiệu lực.

Ngoài ra, nợ xấu của hệ thống vào cuối năm 2010 theo thống kê của cơ quan thanh tra, giám sát mới chiếm 2,16% so tổng dư nợ, nhưng thực tế tỷ lệ này ở một số ngân hàng thương mại đã cao hơn rất nhiều.

Một điển hình về nợ xấu tiềm ẩn là Ngân hàng Thương mại cổ phần Nhà Hà Nội (HBB). Đến lúc “lâm chung” thì HBB chịu khoản lỗ lũy kế là 4.066 tỷ đồng. Khách hàng lớn nhất mà HBB đã cho vay là Vinashin với số vốn lên tới 2.745 tỷ đồng, thêm 600 tỷ đồng trái phiếu do tập đoàn phát hành mà ngân hàng mua, tổng cộng 3.345 tỷ đồng, bằng 83% vốn điều lệ của ngân hàng này.

Nhiều chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước trước tháng 8/2011 trên thực tế không có hiệu lực vì các ngân hàng thương mại đã “nhờn” với công cụ thanh tra. Các tổ chức tín dụng chạy theo lợi nhuận, tìm mọi cách để “lách” các quy định, chính sách nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn bất lực. Hoạt động của hệ thống ngân hàng lúc đó “giống như một cái chợ”.

TS.Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương nhận xét: “Ông Nguyễn Văn Bình nhậm chức Thống đốc trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam và hệ thống ngân hàng còn rất nhiều khó khăn, có quá nhiều vấn đề tiêu cực, phức tạp, đan xen cả về mặt thể chế, lẫn chính sách tiền tệ và hệ thống ngân hàng được tích tụ từ trước đó.”

Kiên trì thực thi chính sách

Tại Hội nghị triển khai các nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2011 của ngành Ngân hàng diễn ra ngày 7/9/2011 (lần đầu tiên do Thống đốc chủ trì), tân Thống đốc đã công khai tuyên bố: “Tình hình hoạt động của hệ thống Ngân hàng của chúng ta hiện nay như là một cái chợ, thiếu sự quản lý thống nhất và điều đó đã làm ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh và gây sự bất an trong xã hội…”.

Tại Hội nghị này, một loạt các chỉ đạo quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước đã được nêu ra như: Hạ nhiệt ngay lãi suất đang cao bất thường; tuyên bố Ngân hàng Nhà nước điều hành tỷ giá theo hướng ổn định chứ không phải là cố định.

Nếu cần thì chỉ điều chỉnh theo diễn biến tỷ giá thực của đồng Việt Nam nhưng không quá 1% và Ngân hàng Nhà nước sẽ ra tay can thiệp khi thấy cần thiết; yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục kiểm soát tăng trưởng tín dụng dưới 20%.

Ngân hàng Nhà nước xây dựng và trình Chính phủ phương án bình ổn thị trường vàng ngắn hạn và phương án huy động vàng trong nền kinh tế nhằm tăng lượng vàng dự trữ ngoại hối, đảm bảo quyền lợi của người dân có vàng…

Các quyết định cấp bách, quyết liệt được đưa ra ngay sau hơn 1 tháng “cầm quyền” cho thấy Thống đốc đã phải trăn trở suy nghĩ cách thức xử lý về những vấn đề nhức nhối trên thị trường tiền tệ Việt Nam từ rất lâu trước đó.

Những vấn đề Thống đốc Nguyễn Văn Bình tuyên bố từ ngày 7/9/2011 đã được triển khai quyết liệt cho đến bây giờ và đã, đang thể hiện sự đúng đắn, tầm nhìn dài hạn, đi vào bản chất nội tại hệ thống của vị tư lệnh ngành.

Không dễ để nhận thấy, từ khi nhậm chức đến nay, Thống đốc đã kiên định thực hiện mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ đó là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Điều hành tỷ giá là một minh chứng, thông điệp được Thống đốc khẳng định ngay từ khi mới nhậm chức; thực hiện kiên định chống đôla hóa của nền kinh tế theo đề án đã được Chính phủ phê duyệt; giảm nhanh mặt bằng lãi suất VND đồng thời được kết hợp nhuần nhuyễn với điều chỉnh lãi suất tiền gửi USD nhằm củng cố tạo lập vị thế, sức hấp dẫn của VND với khoảng chênh lệch lãi suất của VND so với USD là khá hấp dẫn (4,5-5%/năm).

“50% thành công của chính sách là nhờ truyền thông”

Có lẽ trong thời gian đầu làm Thống đốc, Thống đốc Bình chưa quan tâm lắm đến báo chí. Nhưng rồi, những chính sách của ông đưa ra lại chưa đạt kỳ vọng của nhân dân và đụng chạm đến nhóm lợi ích, một số chính sách bắt buộc phải trả giá... đã khiến Thống đốc trở thành “ghế nóng” nhất trong Chính phủ, gương mặt “hot” nhất trên media trong năm 2012 và nửa đầu năm 2013.

Có lúc Thống đốc phải thốt lên: “Bấm chuyển kênh truyền hình nào cũng thấy mặt tôi, báo nào cũng nói về tôi.”

Trước tình hình có những chính sách đúng dù đưa ra đã khá lâu nhưng lại ít được người dân hiểu, chưa nhận được sự ủng hộ của xã hội, Thống đốc mới thấy rõ truyền thông có vai trò thế nào đối với thành bại chính sách. Nhiều lần Thống đốc nói: “Chính sách đúng mới thành công 50%, còn 50% còn lại phải nhờ đến truyền thông”.

Chính vì vậy, dưới thời Thống đốc Bình, thông tin từ Ngân hàng Nhà nước ra công chúng khá cởi mở, công khai, rõ ràng. Cấp trưởng phòng, cấp vụ đều có thể được ủy quyền để trả lời báo chí. Ông Bình luôn thúc giục các vụ trưởng phải giải thích chính sách để xã hội hiểu và ủng hộ.

TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia tài chính-ngân hàng nhận định: Trong hơn hai năm, kể từ khi nhậm chức Thống đốc vào tháng 8/2011 đến nay, điều mà Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã làm được là đã có những bước đi quan trọng trong điều hành chính sách tiền tệ để giúp người dân hiểu hơn về hoạt động tiền tệ-ngân hàng và từ chỗ hiểu hơn, người dân đã đánh giá đúng hơn (cả về vĩ mô và vi mô) về vai trò quan trọng của Ngân hàng Nhà nước, của chính sách tiền tệ đối với nền kinh tế.

Ngân hàng Nhà nước có một bộ phận chuyên làm công tác điểm tin, tổng hợp và đánh giá các thông tin trên báo chí trong và ngoài nước cung cấp cho Ban Lãnh đạo và các vụ chuyên môn.

Những thông tin này được Thống đốc Bình rất quan tâm và không ít chỉ đạo của ông đối với các đơn vị trong Ngân hàng trung ương là từ các vấn đề dư luận đặt ra./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục