Thủy điện “mọc” giữa Khu bảo tồn: Có nên đánh đổi rừng lấy "bom nước"?

Mặc dù Chính phủ đã yêu cầu đóng cửa rừng, nhưng tại Sơn La, một dự án công trình thủy điện nhỏ vẫn đang được địa phương cân nhắc cho doanh nghiệp xây dựng trong khu bảo tồn, khiến người dân lo lắng.
Thủy điện “mọc” giữa Khu bảo tồn: Có nên đánh đổi rừng lấy "bom nước"? ảnh 1Khu vực xây dựng thủy điện Xuân Nha. (Ảnh: HC/Vietnam+)

Mặc dù Chính phủ đã yêu cầu đóng cửa rừng, nhưng tại tỉnh Sơn La, một dự án công trình thủy điện nhỏ (dự án thủy điện Xuân Nha) vẫn đang được chính quyền địa phương “cân nhắc” cho doanh nghiệp xây dựng ngay giữa vùng lõi Khu bảo tồn Xuân Nha.

Theo nhận định của các chuyên gia bảo tồn, dự án thủy điện này khi được xây dựng sẽ khiến hàng chục hécta rừng đặc dụng bị “khai tử,” cùng với khoảng 50 hécta lúa của người dân bị bị ảnh hưởng do sức ép về nguồn nước, bùn đất.

Thủy điện nhỏ, nỗi lo lớn

Theo Quyết định chủ trương đầu tư Dự án thủy điện Xuân Nha số 749/QĐ-UBND tỉnh Sơn La ban hành ngày 30/3/2016, chủ đầu tư xây dựng công trình thủy điện Xuân Nha là Công ty cổ phần xây dựng và dịch vụ kỹ thuật Thăng Long, trụ sở chính đặt tại quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.

Dự án xây dựng thủy điện Xuân Nha có công suất 4MW, nằm trên địa bàn xã Xuân Nha, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Đây là công trình thủy điện nhỏ (với tổng vốn đầu tư hơn 140 tỷ đồng, diện tích mặt đất xây dựng là 28,36ha) nằm trong quy hoạch phát triển thủy điện vừa và nhỏ của Bộ Công Thương.

Ngay từ khi biết thông tin về công trình thủy điện nhỏ sắp được xây dựng trên địa bàn trong thời gian tới, nhiều người dân sinh sống tại xã Xuân Nha đã lên tiếng không hài lòng khi mường tượng một ngày, thủy điện sẽ "nuốt chửng" từng khoảnh rừng, ruộng lúa, nương ngô… của bà con nơi đây.

Khu vực dự kiến xây dựng thủy điện nằm trên con suối Nậm Quanh, thuộc vùng phục hồi sinh thái của Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Nha (giáp ranh với vùng bảo vệ nghiêm ngặt). Phía dưới công trình thủy điện là cả một cánh đồng trồng lúa hai vụ của bà con người Thái-Mường đã canh tác từ lâu với diện tích khoảng 50ha.

Chia sẻ với chúng tôi về nỗi lo thủy điện “mọc” lên trong vùng lõi Khu bảo tồn, ông Bùi Văn Suồi (70 tuổi), một người dân bản Chiềng Nưa, xã Xuân Nha, cho biết sẽ phản đối kịch liệt việc làm thủy điện, bởi không riêng gì gia đình ông mà rất nhiều bà con ở bản này đều rất lo lắng việc xây dựng thủy điện sẽ gây sạt lở đất, đá xuống ruộng lúa, nương ngô, sắn.

“Đó là chưa kể đến việc mùa lũ thủy điện xả nước, mùa khô tích nước thì chúng tôi lấy đâu nước để canh tác?,” ông Suồi lo lắng.

Còn bà Hà Thị Đường, người dân ở Bản Thín (xã Xuân Nha) thì đặt câu hỏi về việc đánh bắt cá ở suối Nâm Quanh là kế sinh nhai của bao người sẽ ra sao khi con suối bị chặn dòng, những loài cá quý hiếm như cá chày, cá dầm xanh, đang sinh sống ở các vũng nước sâu dưới con thác trên suối sẽ biết mất?

Đồng tình với quan điểm của người dân, ông Hà Văn Quang, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Xuân Nha cũng thẳng thắn đưa ra quan điểm: “Nếu thủy điện không mang lại lợi ích gì cho bà con, ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội của địa phương, đặc biệt là ruộng lúa, đất rừng, nguồn nước thì chúng tôi không nhất trí.”

Theo ông Quang, hiện nay cả xã Xuân Nha có 8 bản với 900 hộ (tương đương hơn 4.000 nhân khẩu), chủ yếu là bà con người Thái, Mường, trong đó có hơn 60% hộ nghèo và 100% các hộ đã có điện lưới quốc gia. Vì thế, việc xây dựng thủy điện cần phải cân nhắc kỹ lưỡng.

“Nếu bây giờ xây thủy điện sẽ ảnh hưởng lớn đến hai bản Chiềng Hin và Chiềng Nưa với khoảng 50ha ruộng lúa nước hai vụ. Hiện, bà con rất lo lắng về việc thủy điện tích nước sẽ khiến ruộng hết nước để canh tác, khi xây dựng đất đá trôi xuống ruộng lúa,” ông Quang nói thêm.

Thủy điện “mọc” giữa Khu bảo tồn: Có nên đánh đổi rừng lấy "bom nước"? ảnh 2Ông Vũ Đức Thuận, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sơn La. (Ảnh: HC/Vietnam+)

Ngành lâm nghiệp kiên quyết giữ rừng

Được biết, Ủy ban nhân dân và Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La đã đồng ý về mặt chủ trương xây dựng thủy điện Xuân Nha. Tuy nhiên, chủ trương “làm giàu năng lượng” này vẫn còn gặp nhiều ý kiến trái chiều từ các cơ quan chuyên môn, nhất là các đơn vị làm công tác bảo tồn.

Theo văn bản số 2339/HĐND ngày 29/3/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La về việc cho phép chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án thủy điện Xuân Nha, thì đất lâm nghiệp là 26,86ha. Trong đó, đất rừng đặc dụng chiếm 16,9ha; đất rừng phòng hộ là 2,95ha; còn lại là đất rừng sản xuất 7,01ha.

Gần đây, ngày 9/8/2016 Công ty Thăng Long đã có văn bản chấp thuận thực hiện trồng rừng thay thế bằng phương pháp nộp tiền để gửi Ủy ban nhân dân tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sơn La với diện tích chỉ 8,61ha dựa trên biên bản kiểm tra diện tích, hiện trạng rừng ngày 23/7/2016.

Trên cơ sở đó, ngày 18/8/2016, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La đã có tờ trình chấp thuận phương án nộp tiền của chủ đầu tư thủy điện với số tiền là hơn 551 triệu đồng, hạn cuối nộp vào Quỹ bảo vệ phát triển rừng là ngày 30/12/2016.

Tuy nhiên, khi chia sẻ với chúng tôi, ông Trần Ngọc Tân, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Nha cho rằng: Dự án mới có nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, chứ đơn vị bảo tồn không mặn mà.

“Dự án này nói mất 16,9ha chỉ là vùng lòng hồ, còn các công trình phụ trợ làm ở đâu, không mất rừng chắc, nói là phát triển kinh tế xã hội, chứ theo tôi người dân mới khổ, chặn dòng, lấy nước đâu vào ruộng. Chưa kể, khu vực xây dựng thủy điện nằm trong khu phục hồi sinh thái…,” ông Tân chia sẻ.

Theo lời vị Giám đốc Khu bảo tồn, chúng tôi đã dành nhiều thời gian thực địa khu vực được quy hoạch để xây dựng thủy điện Xuân Nha nằm trọn trong vùng phục hồi sinh thái của Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Nha. Tại đây, hai bên dòng suối Nậm Quanh cuồn cuộn chảy là rừng đang phục hồi rất tốt, với một số cây gỗ lớn, quý như sến, trò, sấu có nguy cơ bị chặt hạ để nhường chỗ cho đường ống dẫn nước và vùng ngập của lòng hồ.

Đem câu chuyện này trao đổi với cấp quản lý nhà nước cao hơn, ông Vũ Đức Thuận, Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh Sơn La cho biết: “Quan điểm của chúng tôi là không đồng ý xây dựng thủy điện. Trước đây việc xây dựng thủy điện Trung Sơn đã làm ảnh hưởng đến Khu bảo tồn Xuân Nha. Đối với rừng tự nhiên nên giữ lại, rừng đang phục hồi tốt nên bảo vệ, không nên chuyển đổi.”

Ông Thuận cũng nhấn mạnh, thời gian tới sẽ có ý kiến để tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, và thực hiện theo quyết định của cấp trên. Đồng thời bám sát việc thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Trường hợp, xây dựng thủy điện nếu chuyển đổi mục đích sử dụng rừng thì cần phải trồng rừng thay thế.

“Việc đánh giá tác động môi trường trong thời gian tới sẽ đánh giá toàn bộ khu vực xây dựng thủy điện, hiện nay chủ đầu tư cho biết sẽ ảnh hưởng đến 16,9ha khu vực phục hồi sinh thái của Khu bảo tồn. Tuy nhiên còn nơi đặt nhà máy, việc thi công ống dẫn nước, các công trình phụ trợ cũng nằm trong khu bảo tồn nhưng chưa thấy đề cập đến?” - ông Thuận trăn trở./.

Thủy điện “mọc” giữa Khu bảo tồn: Có nên đánh đổi rừng lấy "bom nước"? ảnh 3Cánh đồng khoảng 50ha của Bản Thín, Chiềng Nưa có nguy cơ bị ảnh hưởng do thủy điện. (Ảnh: HC/Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục