Tình hình COVID-19 ngày 4/5: Hơn 154 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 591.514 ca tử vong trong tổng số 33.229.445 ca nhiễm, tiếp đó là Ấn Độ với 20.275.543 ca nhiễm và 222.383 ca tử vong.
Bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại bệnh viện ở New Delhi, Ấn Độ ngày 9/6/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại bệnh viện ở New Delhi, Ấn Độ ngày 9/6/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ ngày 4/5 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 154.172.596 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 3,22 triệu ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 131,56 triệu người.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 591.514 ca tử vong trong tổng số 33.229.445 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 20.275.543 ca nhiễm và 222.383 ca tử vong. Brazil đứng thứ ba với 14.791.434 ca nhiễm và 408.829 bệnh nhân không qua khỏi. 

Trong 24 giờ qua, toàn thế giới ghi nhận thêm 667.259 ca nhiễm mới, tập trung nhiều nhất tại Ấn Độ (355.828 ca), tiếp đến là Mỹ (38.851 ca), Brazil (36.524 ca), Thổ Nhĩ Kỳ (24.733 ca), Iran (20.732 ca)...

Tình hình dịch bệnh tại châu Âu diễn biến tích cực hơn khi số ca nhiễm mới toàn khu vực đã giảm 19% trong 1 tuần qua.

[Philippines và Malaysia tiếp tục ghi nhận hàng nghìn ca mắc mới]

Ủy ban châu Âu (EC) kêu gọi các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) nới lỏng các biện pháp hạn chế, theo đó cho phép nhập cảnh đối với những người đã tiêm chủng đủ liều vaccine ngừa COVID-19 và người dân ở những nước có tình hình dịch bệnh suy giảm. 

Tuy nhiên EC kêu gọi các nước duy trì cảnh giác trước nguy cơ lây lan các biến thể của SARS-CoV-2, đồng thời đề xuất đưa vào áp dụng "cơ chế dự phòng khẩn cấp" để hạn chế nguy cơ các biến thể mới có thể xâm nhập vào EU. Dự kiện, Hội đồng châu Âu sẽ thảo luận về đề xuất mới trong tuần này.

Tại châu Á, dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng hơn trong 1 tuần qua, với tổng số ca nhiễm tăng tới 7%. Trong 24 giờ qua, Indonesia, Philippines và Nhật Bản ghi nhận số ca nhiễm mới dao động từ 4.700 ca đến 7.200 ca. 

Tại châu Phi, Tunisia vẫn là nước ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất khu vực, với hơn 1.000 ca trong 24 giờ qua. Tổng số ca nhiễm tại châu lục này cũng đã giảm 13% trong tuần qua. Hiện châu Phi ghi nhận tổng cộng 66.164 ca nhiễm.

Trong khi đó, biến thể của SARS-CoV-2 xuất hiện đầu tiên tại Ấn Độ tiếp tục lây lan trên thế giới. Theo thông báo mới nhất của giới chức Algeria và Maroc, biến thể này đã xuất hiện ở 2 nước này.

Đến nay, biến thể phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ đã xuất hiện ở ít nhất 17 quốc gia, làm dấy lên quan ngại trên toàn cầu và nhiều nước đã cấm nhập cảnh đối với những người từ Ấn Độ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục