Tri ân nhà báo Nguyễn Đức Nhân - người con anh dũng của xứ dừa

Nhà báo Nguyễn Ðức Nhân, một người ít nói, nhưng mỗi lần nói là có chuyện cười, công tác tại Thông tấn xã Giải phóng, đã hy sinh đợt hai Mậu Thân (tháng 5/1968).

Liệt sỹ Nguyễn Ðức Nhân, sinh năm 1940, tại ấp Phú Mỹ (nay là Phú Hòa), xã Phú Hòa Ðông, huyện Củ Chi, tỉnh Gia Ðịnh (nay là Thành phố Hồ Chí Minh), trong một gia đình nông dân có truyền thống yêu nước. Anh là con thứ sáu trong một gia đình đông anh em, được cha mẹ và anh chị rất cưng bởi tính ngoan hiền, thông minh, lanh lợi, học giỏi, có nhiều sáng kiến trong mọi công việc.

Sau đợt Ðồng Khởi ở Bến Tre năm 1960, cũng như nhiều thanh niên nam nữ khắp miền Nam, anh thanh niên Nguyễn Ðức Nhân ở tuổi 21 đầy nhiệt huyết đã hăng hái xin cha mẹ tham gia cách mạng. Sau khi tập trung ở Củ Chi, anh được tổ chức đưa về R - Trung ương Cục miền Nam đang cần lực lượng trẻ. Chính ở đây anh quen chị Hoàng Thu Trúc (Huỳnh Kim Tuyến) - người con gái xứ dừa Bến Tre, sau kháng chiến trở thành bạn đời của anh.

Lên R, tổ chức phân công anh Nhân, chị Trúc về cơ quan Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP). Lúc đầu, cũng như mọi người, anh tham gia cắt tranh, đốn cột, cất nhà, đào hầm công sự, tải gạo... Sau thời gian ổn định việc ăn ở, anh được phân công làm nghiệp vụ tin tức, còn chị Trúc làm thư ký đánh máy Bản tin TTXGP.

Tri ân nhà báo Nguyễn Đức Nhân - người con anh dũng của xứ dừa ảnh 1Nhà báo liệt sỹ Nguyễn Ðức Nhân (1940-1968). (Nguồn: TTXVN)

Anh Nhân tuy người nhỏ bé nhưng nhanh nhẹn, xốc vác hăng hái tham gia mọi việc của cơ quan, được đồng đội rất quý và lãnh đạo tin tưởng. Anh ở trong đội du kích của cơ quan, dũng cảm trong chiến đấu, được kết nạp vào Ðảng rất sớm. Tính anh hiền, ít nói, nhưng mỗi lần nói là có chuyện cười.

Ðể chuẩn bị cho chiến dịch Mậu Thân 1968, theo lệnh của Ban tuyên huấn R, Giám đốc Võ Văn Lý dẫn lực lượng tuyển chọn của TTXGP, trong đó có anh Nhân, cùng các đơn vị đài Giải Phóng, báo Giải Phóng, văn nghệ, điện ảnh… xuống đường về Y4 (khu Sài Gòn-Gia Ðịnh).

Chị Hoàng Thu Trúc, vợ anh Nhân kể: "Anh Nhân xuống đường lúc tôi mới sanh bé gái Nguyễn Duy Nhân được ba tháng. Bịn rịn chia tay, anh nói một câu vừa an ủi vừa động viên tôi: 'Mình là đảng viên, Ðảng kêu gọi thì phải lên đường. Em yên tâm công tác và nuôi con, có đồng đội, cơ quan giúp đỡ.' Từ đó tôi bặt tin anh. Khi có giấy báo tử của anh, cơ quan giấu tôi - khi ấy còn đang nuôi con “non ngày non tháng."

Sau đó tôi được biết anh Nhân hy sinh đợt hai Mậu Thân (tháng 5/1968). Tổ chiến đấu của anh bám trụ suốt ba ngày trong một ngôi nhà ba tầng cạnh trường Lê Văn Duyệt (nay là Cách Mạng Tháng Tám) gần khu vực Phú Thọ Hòa. Bị địch bắn hỏa tiễn hủy diệt, tất cả đều hy sinh. Tối đó, người dân đưa thi hài các anh chôn ở đám rau muống gần đó.

Sau giải phóng, mẹ con chị Trúc đi tìm mộ anh Nhân ở nhiều nơi, nhưng cảnh vật đổi thay, nhà cửa chen chúc, không tìm được. Cuối cùng họ mới biết hài cốt anh Nhân đã được đưa về khu mộ “liệt sỹ vô danh” nghĩa trang liệt sỹ Thủ Ðức (Thành phố Hồ Chí Minh).

Vì giấy báo tử không ghi rõ ngày anh Nhân hy sinh, chỉ biết ngày 26/5/1968, cơ quan TTXGP tổ chức lễ truy điệu các liệt sỹ Mậu Thân, nên mẹ con chị chọn ngày 26/5 là ngày giỗ anh hàng năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục