Vai trò hiệp hội mờ nhạt, chủ tàu nước ngoài lộng hành ép cước phí

Chánh Văn phòng Công tác Hiệp hội doanh nghiệp của VCCI cho biết, năng lực của nhiều hiệp hội Việt Nam rất thấp, có hiệp hội (chủ yếu ở cấp tỉnh) chỉ gặp nhau vào cuối năm mà không bàn chuyên môn.
Vai trò hiệp hội mờ nhạt, chủ tàu nước ngoài lộng hành ép cước phí ảnh 1Hội nghị Nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua liên kết giữa doanh nghiệp xuất nhập khẩu với chủ hàng (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Theo bà Đặng Phương Dung, đại diện Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas), đa số doanh nghiệp Việt Nam là nhỏ và vừa nên nhận thức còn hạn chế và họ đang chịu nhiều thua thiệt ​do chủ tàu nước ngoài ​"bắt tay" nâng phí.

T​rong khi đó, vai trò của Hiệp hội chủ hàng ​​lại mờ nhạt, chưa ​bảo vệ được ​các hội viên ​nhằm lấy lại sự ​công bằng trong hoạt động ​vận chuyển hàng hóa.

Thông tin trên được bà Đặng Phương Dung nêu ra tại "Hội nghị nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua liên kết doanh nghiệp xuất nhập khẩu và hiệp hội chủ hàng Việt Nam," do Bộ Công Thương tổ chức chiều 14/1, tại Hà Nội.

Theo báo cáo của Hiệp hội chủ hàng Việt Nam, hiện đang có sự bất hợp lý giữa người gửi hàng và các chủ tàu nước ngoài trong việc vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu.

Chỉ với 30 hãng tàu lớn của nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam nhưng các chủ tàu này đã chiếm tới 90% năng lực vận tải biển của Việt Nam (trong nước chỉ chiếm 10%) và thời gian qua nhiều hãng đã "bắt tay" nhau để tăng giá cước vận chuyển thậm chí là cả phụ phí gây bức xúc cho người gửi hàng.

Đơn cử, ​phản ánh của một doanh nghiệp trong lĩnh vĩnh thủy sản, để xuất khẩu 200 container thì phải trả thêm 4 tỷ đồng/tháng, chưa kể ​hàng chục kiểu phí do chủ tàu tự ý đặt ra.

Thừa nhận những yếu kém trong việc bảo vệ các hội viên, theo lý giải của ông Ngô Thanh Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội chủ hàng Việt Nam, nhiệm kỳ 1 của hiệp hội này mới chỉ làm được "một số việc" liên quan đến công việc của Bộ Công Thương và Bộ Giao Thông.

Ông Minh khẳng định, trong phương hướng nhiệm kỳ 2 (Đại hội tiến hành vào cuối tháng 2/2016), Hiệp hội chủ hàng chắc chắn sẽ phải làm tất cả những gì mà nhiệm kỳ 1 chưa làm được để thể hiện vai trò của mình cũng như bảo vệ tốt hơn các thành viên tham gia.

"Để nâng cao năng lực cạnh tranh, nhiệm kỳ 2 hiệp hội chủ hàng đã đưa ra nhiều hành động cụ thể để góp tiếng nói phản biện lại giúp các chính sách đi vào thực tế hơn, bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp tốt hơn như làm việc với chủ tàu và đạo tạo...," ông Minh nói.

Hiện cả nước có khoảng 450 hiệp hội, nhưng theo một khảo sát trực tiếp 78 hiệp hội do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện cho thấy, năng lực của hiệp hội Việt Nam rất thấp, có hiệp hội yếu kém toàn diện (chủ yếu ở cấp tỉnh)​.

Thêm vào đó, nguồn nhân lực của nhiều hiệp hội rất yếu, đa phần là công chức nhà nước chuyển sang do vậy nhiều cán bộ chưa qua môi trường doanh nghiệp nên tư duy hành chính còn nặng nề. ​

Ông Phạm Đình Vũ, Chánh Văn phòng Công tác Hiệp hội doanh nghiệp của VCCI ​​nêu rõ, chỉ có 30% hiệp hội có bảo vệ pháp lý nên khi gặp các vấn đề pháp lý thì rất lúng tung và chỉ có 53% số hiệp hội có bộ phận chuyên môn về Xúc tiến đầu tư, trong khi 83% thành viên mong muốn những thông tin này.

Trước thực tế trên, để nâng cao hiệu quả hoạt động của hiệp hội cũng như bảo vệ được hội viên tốt hơn, ông Vũ kiến nghị cần nêu cao trách nhiệm của hội viên, theo đó hội viên không chỉ ​hoàn thành ​việc đóng đầy đủ phí mà quan trọng hơn là ​nêu cao trách nhiệm trong việc tham vấn chính sách, giúp bộ ngành có thể tổng hợp đánh giá ý kiến liên quan đến ngành hàng của mình.

Về phía nhà nước, ông cho rằng Chính phủ phải có chính sách quan tâm nhiều hơn tới hiệp hội, giao các nhiệm vụ công cho hiệp hội như Xúc tiến đầu tư...

"Những gì hiệp hội làm tốt và hiệu quả thì nhà nước cần giao cho hiệp hội làm để đỡ tốn biên chế và kinh phí cho nhà nước cũng như trúng cho doanh nghiệp," ông Vũ nêu ý kiến./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục