Văn hóa giao thông: Học mỗi ngày vẫn chưa đủ

Văn hóa giao thông mang lại “quyền lợi sát sườn” cho người tham gia giao thông. Thế nhưng, rất nhiều người tham gia giao thông lại thiếu văn hóa này.
Với việc chọn chủ đề “Văn hóa giao thông” cho Tháng An toàn giao thông năm nay, dường như ngành giao thông vận tải đã tin tưởng hơn vào khả năng “thẩm thấu” của người đi đường với Luật Giao thông, với việc giao thông trên đường, và cao hơn là với văn hóa giao thông - văn hóa đi đường. Nhưng, cũng còn quá nhiều chuyện phải bàn.

Nóng... như giao thông!

Dành một ngày cho đường phố Hà Nội, mới thật sự sốc với tình hình “thiếu văn hóa” của một số người khi tham gia giao thông. Tại ngã tư Hàng Bài-Hai Bà Trưng, hai thanh niên đi xe Dream, mặt mũi sáng sủa, áo trắng, đầu tóc gọn gàng, trông rất ra dáng dân công sở, chắc vừa đi ăn trưa về, phóng xe rất nhanh, lao như bay qua ngã tư dù đèn vẫn đỏ.

Không những thế, cả hai đều để đầu trần, dù từ rất lâu rồi, việc đội mũ bảo hiểm đã là quy định bắt buộc. Rồi ngay sau đó, là một hàng dài những xe cộ, đủ loại, người điều khiển đủ lứa tuổi, già trẻ, trai gái ùn ùn tiến qua ngã tư Lý Thường Kiệt-Hàng Bài, dù đèn báo còn tới 7 giây mới chuyển sang màu xanh. Đơn giản chỉ vì, giờ đó, tầm giữa trưa sang chiều, không có bóng dáng cảnh sát giao thông.

Thế nên mới bảo giao thông luôn rất nóng. Văn hóa giao thông cũng luôn rất nóng là thế! Nóng, không phải chỉ vì thời tiết đầu thu năm nay vẫn còn đầy oi nồng và bức bối; cũng không phải chỉ là cái “nóng” của động cơ ngùn ngụt bốc ra từ hàng trăm, hàng ngàn chiếc xe máy, ôtô trên đường.

Cũng lại không đơn thuần là cái “nóng” của những thời khắc tắc đường, sáng - chiều thành lệ mà dân Hà Nội vẫn đang ngày ngày “sống chung với lũ”… Còn một cái “nóng” nữa, nóng theo nghĩa đen hẳn hoi, trong văn hóa giao thông. Đó là sự nóng nảy của người tham gia giao thông.

Có lẽ, chưa bao giờ, "xung đột" do thiếu văn hóa giao thông lại xảy ra nhiều như hiện nay. Chạm phải đuôi xe nhau, trừng mắt-chửi. Đụng xe, cũng lại đôi co… chửi. Vượt nhau, tạt qua đầu xe- cũng chửi… Và, sau những câu chửi là những cái trừng mắt, đôi khi là cả những nắm đấm, những “trận chiến” máu chảy…

Sự căng thẳng của cuộc sống khiến người ta dễ nổi khùng - đây là cách lý giải của nhiều người khi chứng kiến những cảnh này. Nhưng, tận sâu thẳm của vấn đề, chính là chuyện của văn hóa giao thông.

Đã từ lâu, có lẽ rất lâu rồi, người tham gia giao thông không còn khái niệm nhường nhịn nhau. Ai vượt được là vượt, ai phóng được là phóng, nhanh nhất có thể, vượt trái cũng được, vượt phải cũng được. Miễn là còn chút “kẽ hở” nào đó để có thể nhao xe lên là sẽ nhao để vượt. Chuyện đến mức như là cơm bữa.

Có một “người trong cuộc” đã than rằng, dân mình, chỉ có “không đi được” thì không đi, chứ còn bảo “không được đi” thì tất nhiên là sẽ tìm mọi cách để… đi rồi. Cái “đi rồi” giống như câu chuyện vừa diễn ra ở ngay phố Lê Thạch, con phố nhỏ cũng khá yên tĩnh của Hà Nội.

Ngay chiều 22/9 thôi, khi dòng xe máy đang khá trật tự trên đường, bỗng nhiên xuất hiện một chiếc ôtô lao khá nhanh, vượt lên. Thôi thì, “còi to cho vượt” cũng đành. Nhưng rồi, những người đi xe máy bị một phen hú vía khi người lái xe ôtô, chẳng thèm xi nhan tạt thẳng xe vào bên lề đường… để đỗ. Cũng khá may là những chiếc xe máy đi sau đi rất chậm, nên đã không có va chạm xảy ra.

Ở những ngã tư, ngã ba, những điểm có đèn xanh, đèn đỏ, có lẽ, số lượng người nghiêm túc biết dừng trước vạch chỉ có thể đếm đủ trên 1 bàn tay, trong trường hợp không có “chú công an” cầm gậy chỉ đường đứng ở đó. Còn lại, lao được là lao. Đèn rõ ràng chỉ còn đúng 1 giây để chuyển sang đỏ, nhiều người vẫn sẵn sàng lao qua đường. Đèn rõ ràng còn tới 5 giây mới chuyển sang xanh, cũng lừ lừ từng hàng xe phóng qua, cả hàng, cả lối, rất có tinh thần… tập thể.

Chuyện này xảy ra phổ biến ở mọi ngã tư. “Rất nhiều lần, đèn xanh báo còn tới hơn 10 giây mới chuyển sang vàng, tôi yên tâm là đủ thời gian qua một cái ngã tư bé tẹo. Nhưng khi vừa phóng lên tới 1/3 đường, đã thấy xe ở phần đường kia ào ào lao tới. Đành đứng sững lại ở giữa đường, và chờ tới khi đèn phía mình xanh lại để đi. Lúc ấy, tự nhiên mình lại thành kẻ vi phạm Luật Giao thông, trong khi rõ ràng mình là… nạn nhân!” - Linh Hà, một người tham gia giao thông trên đường Lý Thường Kiệt tâm sự.

Toàn chuyện lặt vặt là thế, kể lại thì thấy cũng nhỏ thôi trong cuộc sống hôm nay, nhưng tích gió thành bão, nó là những chuyện thiếu văn hóa trong tham gia giao thông, để dẫn tới tình trạng giao thông luôn lộn xộn, luôn giống như một cuộn len gỡ mãi không tìm thấy đầu để cuộn lại cho ngăn nắp…

Giao thông… phải nghe!

Chuyện vượt đèn đỏ, chuyện phóng nhanh vượt ẩu, chuyện “quên” và cố tình quên đội mũ bảo hiểm, kẹp ba phóng vèo vèo trên đường của các cô cậu choai choai… đó đương nhiên là những câu chuyện của văn hóa giao thông rồi. Nhưng còn một câu chuyện nữa, chuyện “nghe” của văn hóa giao thông cũng đầy điều… đáng nói.

Đã có điều luật cấm người đang điều khiển phương tiện giao thông nghe điện thoại di động; nhưng có lẽ cái sự “ngày càng bận” của đời sống xã hội đã khiến người ta phải tận dụng từng giây, từng phút.

Đôi khi, là sốt ruột vì việc báo cho chồng không phải đi đón con cuối giờ; đôi khi là việc nhắc nhân viên nhớ hoàn thành nhiệm vụ được giao, đôi khi là phải nghe cú điện thoại hẹn báo địa điểm, thời gian cuộc hẹn… và đôi khi cũng chỉ là nghe một cuộc “buôn chuyện” của cô bạn mải mê nói, chẳng cần biết bạn mình có nghe nổi không giữa ồn ào xe cộ… nên hình ảnh những người một tay đi xe máy, một tay cầm điện thoại áp vào tai trở nên vô cùng… gần gũi trên đường phố Hà Nội.

Sự nguy hiểm của nét “thiếu văn hóa” này ai cũng thấy rõ. Với một tay điều khiển, loạng choạng trong dòng xe đang mải miết lao, chuyện đâm xe, rồi nặng hơn là ngã, là chấn thương… hoàn toàn có thể xảy ra, và thật ra là đã xảy ra khá nhiều.

Anh Tuấn Hà, Công ty Phú Thịnh là một ví dụ, chỉ vì mải kẹp điện thoại vào cằm vì cuộc nói chuyện dở, đã không thể giữ thăng bằng khiến chiếc xe SH loạng choạng.

Với theo giữ xe thì điện thoại rơi, vội vàng túm lấy chiếc điện thoại Blackberry giá mười mấy triệu mới mua, thế là cả người, cả xe, cả điện thoại cùng đổ xuống đường. Xe vỡ luôn “mặt nạ”, điện thoại bị chiếc xe đằng sau chèn vào, cũng vỡ tan. Bản thân anh Hà sứt sát hết cả mặt, gẫy cả chân, nghỉ làm mất 1 tháng trời.

Văn hóa giao thông - điều rất cần, nhưng nhiều người vẫn còn thiếu. Đó là một thực tế. Nhưng văn hóa giao thông sẽ mang lại “quyền lợi sát sườn” cho người tham gia giao thông. Đó là việc đảm bảo an toàn cho mình, cho mọi người tham gia giao thông. Đó là việc đảm bảo cho sự thông thoáng, sự bình yên của giao thông, khiến cho chuyện hết tắc đường không chỉ là chuyện của những giấc mơ…/.

(Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục