Vẻ vang truyền thống thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu

Trong những ngày tháng Tám lịch sử của dân tộc, thế hệ trẻ Thủ đô thường tự hào nhắc đến truyền thống vẻ vang của lớp cha anh đi trước - đó là những đoàn viên Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu.

Trong những ngày tháng Tám lịch sử của dân tộc, thế hệ trẻ Thủ đô thường tự hào nhắc đến truyền thống vẻ vang của lớp cha anh đi trước đã góp phần làm nên thành công của Cách mạng tháng Tám - đó là những đoàn viên Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu.

Bảy mươi năm đã trôi qua, các đoàn viên thanh niên thuở ấy nay đã vào độ tuổi "xưa nay hiếm" nhưng ngọn lửa nhiệt huyết, khí thế hừng hực và tinh thần thanh niên cống hiến hết mình cho Tổ quốc của mùa Thu cách mạng năm nào vẫn còn vẹn nguyên trong họ.

Kể chuyện với giọng hào hứng, phấn khởi, ông Nguyễn Tiến Hà (88 tuổi) cho biết ông là người trực tiếp tham gia công tác chuẩn bị và chứng kiến những ngày Hà Nội hào hùng khí thế trong Tổng khởi nghĩa ngày 19/8/1945 đến ngày Quốc khánh 2/9. Với ông, những ngày tháng sôi sục ấy là những kỷ niệm không bao giờ quên, luôn in đậm trong tâm trí.

Ngày ấy ông Hà mới 18 tuổi, tham gia vào công việc của Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu. Ông hồi tưởng: ''Không khí Hà Nội rạo rực suốt từ ngày Tổng khởi nghĩa 19/8 thành công đến ngày 2/9 khi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập trên Quảng trường Ba Đình lịch sử." Nổi bật nhất là tinh thần xung kích, hăng hái đi đầu được thể hiện rất rõ trong thanh niên Hà Nội.

Trước ngày 2/9, thanh niên Thủ đô chia nhau từng tốp đi vận động các nhà may cờ Tổ quốc, đồng thời thông báo rộng rãi cho mọi người dân về sự kiện míttinh đọc bản Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hình ảnh với cái loa thủ công to kềnh càng trong tay của thanh niên từng địa bàn đi tuyên truyền, loan tin cho người dân biết luôn in đậm trong tâm trí của ông Hà cũng như nhiều thanh niên Hà Nội thời bấy giờ. Thanh niên còn đi dán khẩu hiệu, treo cờ, khất thực (để cứu đói cho người dân) và tham gia dạy truyền bá quốc ngữ cho những công nhân không có điều kiện đi học.

Thanh niên Thủ đô ngày ấy còn đảm nhận nhiệm vụ cắt chữ, dán khẩu hiệu: ''Việt Nam độc lập!," ''Việt Minh muôn năm," ''Hồ Chí Minh muôn năm!''… Sau đó phân công nhau dán, kẻ vẽ những khẩu hiệu đó lên các bức tường ở những nơi công cộng.

''Thanh niên chúng tôi lúc đó tham gia vào hai tổ chức. Một là lực lượng tự vệ sao tròn là những thanh niên được trang bị súng, bảo vệ các mục tiêu như cơ quan Trung ương. Lực lượng kia là tự vệ sao vuông, tập hợp các thanh niên từng khu phố để canh gác cho các trụ sở tại khu phố mình, đề phòng các đảng phái phản động chống phá cách mạng. Tôi tham gia vào tự vệ sao vuông, bảo vệ khu Bạch Mai-Ô Cầu Dền," ông Hà nhớ lại.

Những thanh niên tự vệ như ông Hà được giao nhiệm vụ giữ an ninh cho cuộc míttinh Quốc khánh 2/9/1945. Đúng 5 giờ sáng 2/9/1945, ông Hà cùng anh em trong đội tự vệ đã có mặt, nhận nhiệm vụ tại Quảng trường Ba Đình. Buổi sáng 2/9 lịch sử ấy, các đường phố Hà Nội tràn ngập cờ đỏ sao vàng. Hàng triệu người dân đã xuống đường, xếp thành hàng dài để tiến về Quảng trường Ba Đình. Phụ nữ đi trước, nam giới đi sau, vừa đi vừa hô: ''Ủng hộ Việt Minh!'', ''Hồ Chủ tịch muôn năm!'' suốt dọc đường từ Bưởi xuống tận Quảng trường Ba Đình. Thỉnh thoảng có người bước tách ra khỏi hàng hô một câu, cả hàng lại đồng thanh giơ tay hô theo. Ai cũng muốn đi sớm để mong được chứng kiến giờ phút lịch sử của dân tộc.

Khi Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn Độc lập, mọi người chăm chú nghe. Lúc Bác hỏi: ''Tôi nói thế này đồng bào nghe có rõ không?'' thì cả rừng người hô vang: ''Có ạ! Có ạ'' nhưng cũng có người thì vỗ tay rần rần. Ông Hà rưng rưng: ''Chúng tôi xúc động lắm! Nhất là khi Bác nói: ''Không đi lính cho Pháp!'', ''Không có gì quý hơn độc lập tự do!'' thì mọi người nghe rõ lắm!"

Cách mạng tháng Tám là mốc son lịch sử, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nối tiếp tới ngày hôm nay, ông Hà cho rằng, nước nhà có phát triển không thì phải nhờ vào những lớp thế hệ thanh niên kế tiếp, nhất là thanh niên hiện nay, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói ‘Thanh niên là giường cột của nước nhà.'' Vì thế ông luôn tin rằng các thế hệ trẻ hiện nay sẽ tiếp nối truyền thống cách mạng của những thế hệ cha anh viết tiếp nên những trang sử hào hùng của dân tộc, tập trung thực hiện các phong trào hành động, đổi mới, xung kích đi đầu vì cuộc sống cộng đồng, đưa đất nước phát triển ngày một giàu đẹp.

Chung hồi tưởng về cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám tại Hà Nội, ông Lê Đức Vân - Trưởng ban liên lạc Đoàn thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu nhớ lại: Ngày 17/8/1945, Tổng hội Công chức của chính quyền bù nhìn Trần Trọng Kim tổ chức cuộc míttinh lớn tại quảng trường Nhà hát lớn. Hàng vạn người dân kéo đến xem cuộc míttính. Trong khi đó, ngay từ đầu ta có chủ trương phá cuộc míttinh đó nên đã huy động tất cả hội viên trong Mặt trận Cứu quốc đi dự. Thành viên nào cũng phải mang theo cờ đỏ sao vàng đứng xen lẫn với nhân dân.

''Khi mới tuyên bố khai mạc buổi lễ, một số thanh niên nhảy lên khán đài cướp micro và hô hào nhân dân đi theo Việt Minh đứng lên khởi nghĩa. Cùng lúc đó có khoảng 500 anh em ở dưới phất lá cờ đỏ sao vàng lên, đồng thời một lá cờ rất to buông từ tầng hai Nhà hát Lớn xuống…'' - người cựu thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu hào hứng kể lại.

70 năm sau, rất nhiều bạn trẻ thời nay đặt câu hỏi thắc mắc với ông Vân rằng tại sao lớp thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu non trẻ như thế mà lại đạt được nhiều chiến công lớn như vậy.

Ông Vân trầm ngâm: ''Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu đa số là học sinh, sinh viên và hoạt động trong thời kỳ tiền khởi nghĩa phải đối mặt với những sự tàn bạo của địch nhưng vì độc lập của dân tộc, những thanh niên vẫn luôn sẵn sàng chấp nhận cái chết. Thế cho nên, tuy chỉ là những chàng trai mười tám, đôi mươi nhưng họ đều là những cán bộ, nhất là cán bộ đoàn thanh niên, hoạt động rất hiệu quả, sáng tạo. Khi thấy có cơ hội cống hiến cho đất nước, giải phóng đất nước thì sẵn sàng cống hiến với khí thế sục sôi.''

Cùng sống và cống hiến trong những ngày tháng Tám lịch sử hào hùng ấy, ông Nguyễn Hải Hùng (Nguyên Đội trưởng đội tự vệ xung phong ngoại thành Hà Nội) kể thanh niên của Hà Nội tham gia vào cuộc Cách mạng Tháng Tám không chỉ là những người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội mà là thanh niên ở khắp mọi miền đất nước về học tập tại Hà Nội. Trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền thời đó, thì thanh niên luôn xung phong đi đầu đến những nơi khó khăn.

Nói về truyền thống của các thế hệ thanh niên qua các thời kỳ, ánh mắt của ông Hùng tràn đầy niềm tin và phấn khởi: ''Cách mạng Tháng Tám đã góp phần rèn luyện lớp thanh niên Hà Nội luôn sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ý chí quật cường này được lưu giữ cho nhiều thế hệ trẻ Thủ đô về sau, trải qua các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, xây dựng các vùng kinh tế mới sau khi thống nhất đất nước. Mặc dù bây giờ có người nói thanh niên không thích học lịch sử, thanh niên có nhiều thói hư tật xấu… Nhưng tôi tin rằng thế hệ trẻ thanh niên ngày nay vẫn không hề mai một ý chí chiến đấu, ý chí xây dựng và bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc."/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục