Việt Nam tiếp tục là điểm nóng về buôn bán động vật hoang dã

Từ năm 2010 đến nay, cơ quan chức năng đã bắt giữ hàng loạt vụ buôn bán trái phép động vật hoang dã xuyên biên giới, với trên 30 tấn ngà voi và hàng ngàn kg sừng tê giác từ châu Phi về Việt Nam.
Việt Nam tiếp tục là điểm nóng về buôn bán động vật hoang dã ảnh 1(Ảnh minh họa: Phạm Hậu/TTXVN)

Từ năm 2010 đến nay, các cơ quan chức năng đã phát hiện hàng loạt vụ buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã xuyên biên giới, qua đó bắt giữ trên 30 tấn ngà voi và hàng ngàn kilôgam sừng tê giác, vẩy tê tê từ các nước Châu Phi về Việt Nam thông qua đường hàng không và đường biển.

Trong thời gian này, tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật hoang dã xuyên biên giới diễn biến rất phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Trong đó, thành phố Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh là những địa bàn phát hiện nhiều nhất.

​Thông tin trên vừa được đại diện Cơ quan Quản lý CITES (Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp) Việt Nam thuộc Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) công bố tại cuộc “Đối thoại đa phương về hợp tác phòng chống tội phạm động vật hoang dã xuyên biên giới” giữa Việt Nam, Kenya, Mozambique và Tanzania, do Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam tổ chức ngày 3/11, tại Hà Nội.

Theo ông Nguyễn Hùng Anh, Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống Buôn lậu (Tổng cục Hải quan), chỉ tính riêng năm 2014, cơ quan này đã phát hiện và bắt giữ 53 vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật hoang dã xuyên biên giới, với trọng lượng 8.976,2kg.

Trong đó, Cục Điều tra chống Buôn lậu đã bắt giữ 36 vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép 178,155kg sừng tê giác; 117 vòng mỹ nghệ làm từ ngà voi; bắt giữ 5 vụ vận chuyển trái phép tê tê, qua đó thu giữ 1.579 tấn vẩy tê tê, 158 cá thể tê tê sống….”

Kể ra một số vụ điển hình, ông Nguyễn Hùng Anh cho biết, ​hôm 14/8/2015, Cục Điều tra chống Buôn lậu phối hợp với một số phòng của Bộ Công an đã phát hiện, tịch thu 593 kg ngà voi và 142 kg sừng tê giác tại cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) do Công ty trách nhiệm hữu hạn Vạn An nhập lậu.

Cũng trong ngày 14/8, tại cảng Tiên Sa, lực lượng hải quan tiếp tục phát hiện 2.181kg ngà voi do Công ty trách nhiệm hữu hạn Hùng Huy Bảo nhập lậu. Ngoài ngà voi và sừng tê giác, vào ngày 25/8 và 13/9/2015, lực lượng hải quan còn phát hiện và tịch thu hơn 4.000kg vẩy tê tê có nguồn gốc từ Nigeria (châu Phi) và Malaysia về Đà Nẵng, do Công ty trách nhiệm hữu hạn Hùng Huy Bảo nhập lậu...

Việt Nam tiếp tục là điểm nóng về buôn bán động vật hoang dã ảnh 2Đại diện Việt Nam và các nước châu Phi tại cuộc đối thoại đa phương về hợp tác phòng chống tội phạm động vật hoang dã xuyên biên giới. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Trong khi đó, ông Nguyễn Duy Giảng, Vụ trưởng Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế (Viện Kiểm sát nhân dân tối cao) cũng khẳng định, tình trạng vận chuyển trái phép động vật hoang dã thời gian qua diễn ra rất tinh vi, trong khi phần lớn chủ hàng đều ở nước ngoài, nên có nhiều vụ phát hiện nhưng không tìm được chủ.

Theo thống kê của ông Giảng, ngoài các vụ vận chuyển trái phép động vật hoang dã bị bắt giữ không rõ chủ, từ năm 2010 đến nay, cơ quan chức năng đã phát hiện, khởi tố, điều tra 36 vụ án hình sự đối với 26 bị can. Trong đó, số vụ bị bắt giữ nhiều nhất là ở cảng biển Hải Phòng, Quảng Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh.

Trước thực tế nêu trên, ông Giảng kiến nghị Việt Nam và một số nước châu Phi cần sớm ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp; tăng cường cơ chế hợp tác, trao đổi thông tin để có cơ sở xác minh và xử lý “đúng người, đúng tội” đối với các đối tượng buôn bán động vật hoang dã xuyên biên giới.

Vụ trưởng Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế cũng khuyến nghị mở rộng phạm vi bảo vệ của Bộ Luật Hình sự đối với nhóm IB (động vật nguy cấp, quý, hiếm) và Phụ lục I Công ước CITES, cụ thể hóa về định lượng ngà voi, sừng tê giác để thống nhất mức án, thuận tiện cho việc xử lý. Bởi, hiện nay mức xử lý hình sự còn thấp, cũng như chưa thống nhất được án phạt.

Đồng tình với các ý kiến trên, bà Hà Thị Tuyết Nga, Giám đốc Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam cho rằng, trong 5 năm tới, Việt Nam vẫn tiếp tục là điểm nóng về buôn bán trái phép động vật hoang dã. Vì vậy, việc sửa đổi văn bản pháp lý nhằm tăng cường xử lý hình sự tội phạm buôn bán trái phép động vật hoang dã là cấp thiết trong việc thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã, nguy cấp (CITES)./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục