3.000 cơ sở nuôi chim yến chuẩn bị xuất khẩu sản phẩm đi Trung Quốc

Tính đến ngày 19/6, cả nước có 35 doanh nghiệp với khoảng gần 3.000 cơ sở nuôi chim yến đang tích cực chuẩn bị để sớm xuất khẩu các sản phẩm tổ yến sang Trung Quốc.
3.000 cơ sở nuôi chim yến chuẩn bị xuất khẩu sản phẩm đi Trung Quốc ảnh 1Nuôi chim yến đem lại giá trị kinh tế rất cao. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá sản lượng yến hiện nay khoảng 200 tấn/năm đem lại giá trị kinh tế rất cao với trị giá khoảng 200 triệu USD/năm, vượt qua nhiều ngành kinh tế tiềm năng. Đây là ngành nghề mới nhưng rất triển vọng và có thế mạnh đối với thị trường xuất khẩu; đặc biệt ngành sản xuất yến có vai trò quan trọng và giúp cho hàng trăm nghìn lao động địa phương có việc làm.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến ngày 19/6, có 35 doanh nghiệp với khoảng gần 3.000 cơ sở nuôi chim yến (trong tổng số gần 24.000 cơ sở nuôi chim yến trên toàn quốc) đang tích cực chuẩn bị để sớm xuất khẩu các sản phẩm tổ yến sang Trung Quốc.

Tuy nhiên, công tác quản lý nuôi chim yến, giám sát, đánh giá, bảo đảm các yêu cầu xuất khẩu còn gặp khó khăn. Hiện nay, trên 90% nhà yến chủ yếu vẫn nằm xen lẫn trong khu dân cư hoặc được xây dựng trên nhà ở của người dân. Một số tỉnh người dân đầu tư xây dựng nhà yến rất kiên cố ngay trong khu vực đông dân cư, chi phí đầu tư từ 1-6 tỷ đồng/nhà yến như ở Kiên Giang, Thành phố Hồ Chí Minh.

[Phát triển nghề nuôi yến tại Việt Nam: Còn nhiều thách thức]

Luật Chăn nuôi và văn bản hướng dẫn luật giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh xin ý kiến của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định vùng nuôi chim yến nhưng đến nay đại đa số các tỉnh chưa có quy định này, người nuôi yến khó khăn trong việc xây mới nhà nuôi chim yến. Đặc biệt cuối năm 2019 việc xây mới nhà nuôi yến, cơi nới trên nhà ở phát triển tràn lan, tự phát, việc xây nhà ở sau đó chuyển thành nhà nuôi yến, chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn không thể kiểm soát làm ảnh hưởng đến kinh tế-xã hội và an ninh, trật tự ở địa phương.

Việc thống kê nhà yến, sản lượng tổ yến nhiều tỉnh chưa cập nhật, các cơ sở nuôi yến còn chưa kê khai thực về diện tích nhà yến, sản lượng tổ yến, nên khó khăn cho các cơ quan quản lý các cấp.

Đáng chú ý, đã xảy ra tình trạng một số tổ chức, cá nhân đi các tỉnh tư vấn xây dựng nhà yến chủ yếu mục đích là thu tiền tư vấn, bán vật tư làm nhà yến, không quan tâm đến hậu xây nhà yến có yến đến ở không, gây thiệt hại rất lớn cho người dân và ảnh hưởng lớn đến quản lý ngành. Rất nhiều trường hợp đầu tư xây nhà hàng tỷ đồng mà không dẫn dụ được đàn chim yến hoặc dẫn dụ được chim yến vào rồi lại bỏ đi.

3.000 cơ sở nuôi chim yến chuẩn bị xuất khẩu sản phẩm đi Trung Quốc ảnh 2Việc thống kê nhà yến, sản lượng tổ yến nhiều tỉnh chưa cập nhật. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Hiện nay chưa có các quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến hoạt động chim yến và sản phẩm từ yến. Trong khi đó, chim yến với đặc thù là chim hoang dã, sống thành đàn lớn, bay lượn trên cao nên rất khó kiểm soát dịch bệnh hơn các loại gia cầm khác khi dịch cúm gia cầm xảy ra.

Đặc biệt, thời gian qua xuất hiện các hiện tượng rất tiêu cực như dẫn dụ săn bắt chim yến theo kiểu tận diệt ở nhiều địa phương, trong thời gian dài, làm giảm đàn chim yến, vừa vi phạm pháp luật, vừa ảnh hưởng nghiêm trọng nguồn gen quý hiếm và hệ sinh thái phát triển chim yến, gây bức xúc cho xã hội.

Đối với tình hình xuất khẩu tổ yến, Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch, kiểm tra và vệ sinh thú y đối với sản phẩm tổ yến xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc đã ký kết ngày 9/11/2022. Đây là cơ hội và động lực quan trọng để ngành yến Việt Nam phát triển, đảm bảo ổn định đầu ra cho sản phẩm, mang lại lợi ích kinh tế rất cao, tạo nhiều việc làm cho người dân các địa phương.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn thuộc (cụ thể là Cục Thú y) đàm phán, thống nhất nội dung và mẫu Giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu. Qua nhiều lần họp và trao đổi trực tuyến, ngày 15/2/2023, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã có thông báo đồng ý mẫu Giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu tổ yến từ Việt Nam sang Trung Quốc.

Đơn vị này cũng vừa có báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành công điện chỉ đạo các địa phương, bộ, ngành liên quan tập trung, ưu tiên các nguồn lực để chủ động chỉ đạo, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp tăng cường quản lý nuôi chim yến và đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm tổ yến sang các nước./.

Hiện nay, cả nước có 42/63 tỉnh có nuôi chim yến.

Theo báo cáo của các địa phương, năm 2017 cả nước có trên 8.300 nhà yến nhưng đến tháng 8/2019 số lượng này là 11.750, năm 2021 là  22.363 và năm 2022 là 23.665 nhà yến. 

Địa phương có số lượng nhà yến tăng nhanh nhất là Kiên Giang, Khánh Hòa và Lâm Đồng. Tỉnh có số lượng nhà yến lớn nhất là Kiên Giang với 2.995 nhà yến, tiếp đến là Bình Định 1.722 nhà yến. 100% các tỉnh thuộc 4 vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ, Nam Trung bộ và Tây Nguyên có nghề nuôi yến.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục