4 nhà khoa học đoạt giải VinFuture: Mỗi tấm pin cần một "cuốn hộ chiếu"

Bốn nhà khoa học vừa đoạt giải thưởng cao nhất của VinFuture khẳng định mỗi một viên pin đều cần phải có một tấm “hộ chiếu" để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang Năng lượng Xanh bền vững.

(Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
(Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Giải thưởng Chính trị giá 3 triệu USD (73 tỷ đồng) của VinFuture 2023 thuộc về kiến tạo nền tảng bền vững cho Năng lượng Xanh thông qua sản xuất pin mặt trời và lưu trữ bằng pin Lithium-ion.

4 nhà khoa học được vinh danh là Giáo sư Martin Andrew Green (Australia); Giáo sư Stanley Whittingham (người Mỹ gốc Anh); Giáo sư Rachid Yazami (Marocco), Giáo sư Akira Yoshino (Nhật Bản).

Đây là công nghệ đã mở ra tiềm năng mới, giúp khai thác năng lượng sạch và vô tận từ bầu trời, mở ra kỷ nguyên mới cho lĩnh vực lưu trữ năng lượng và tái tạo năng lượng, giúp mọi người trên thế giới có thể tiếp cận và sử dụng Năng lượng Xanh, bền vững.

Trả lời phỏng vấn bên lề giải thưởng, 4 nhà khoa học đã có những chia sẻ về tiềm năng của pin Lithium-ion và công nghệ PECR trong cho pin mặt trời để thúc đẩy chuyển dịch Năng lượng Xanh.

Chuyển dịch Năng lượng Xanh đang diễn ra nhanh hơn bao giờ hết

Theo Giáo sư Martin Andrew Green, xu hướng chuyển dịch sang Năng lượng Xanh hay Năng lượng Mặt Trời đang diễn ra hết sức nhanh chóng và sẽ nhanh hơn nữa trong tương lai, đặc biệt tại các quốc gia như Việt Nam.

Giáo sư Martin Andrew Green chia sẻ, Australia là một trong những quốc gia đang dẫn đầu trong lĩnh vực về chuyển đổi năng lượng.

"Chỉ 5 năm trước đây tại Australia, hoạt động về sản xuất điện thì chủ yếu phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt và than. Tuy nhiên ngày nay chi phí cho các tấm pin mặt trời cũng đã rẻ đi nên việc áp dụng năng lượng mặt trời cũng như năng lượng điện gió để sản xuất ra điện đang ngày càng trở nên phổ biến hơn."

vnp-vinfuture-1-7909.jpg
Giáo sư Martin Andrew Green. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Ông Martin Andrew Green cho biết thêm: "Mới gần đây một bài báo của Australia cũng đã dự kiến trong vòng 10 năm tới tại quốc gia này, nguồn sản xuất điện sử dụng khí đốt bằng than gần như sẽ không còn nữa. Điều mà 5 năm trước đây chúng ta không thể nào tưởng tượng ra được."

Còn theo Giáo sư Akira Yoshino, công nghệ về sản xuất pin phải là một động lực chính nhưng đây được coi là một động lực bổ trợ thúc đẩy chuyển dịch sang Năng lượng Xanh.

"Khi mà tấm pin mà lưu trữ điện chi phí ngày càng rẻ đi thì đấy là một nhân tố rất quan trọng để chúng ta có thể thúc đẩy liên quan đến chuyển dịch về Năng lượng Xanh. Tôi cũng tin rằng với các quốc gia việc đầu tư mới vào các hệ thống để lưu trữ năng lượng cũng đóng vai trò rất quan trọng để có thể lưu trữ điện," Giáo sư Akira Yoshino cho hay.

Ông chia sẻ việc châu Phi đã đặt mục tiêu đến năm 2023 có 52% nguồn điện được tạo ra sẽ đến từ năng lượng tái tạo. "Chúng ta có thể đó là một con số thể hiện tham vọng tương đối lớn. Bản thân tôi cũng đang hỗ trợ cho việc giám sát mục tiêu này từ xa và có thể thấy rằng những tiến độ để đạt được mục tiêu này đang khá rõ ràng."

Ông cũng nhận định pin Lithium-ion dự kiến vẫn sẽ tiếp tục được sử dụng trong việc lưu trữ nguồn điện, thậm chí cho đến cuối thế kỷ này vẫn là một xu hướng chính.

vnp-vinfuture-1-4-7888.jpg
Giáo sư Rachid Yazami chia sẻ việc châu Phi đã đặt mục tiêu đến năm 2023 52% nguồn điện được tạo ra sẽ đến từ năng lượng tái tạo. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Về phía mình, Giáo sư Rachid Yazami nhấn mạnh việc cần phải tái chế như thế nào với pin đã qua sử dụng.

"Nhật Bản cũng là một trong những quốc gia đầu tiên đi đầu trong việc tái chế pin, bắt đầu từ những năm 1990. Đến ngày nay các quốc gia trên toàn thế giới cũng đang tìm mọi cách để có thể tái chế và lấy lại được những kim loại quý trong pin đã qua sử dụng như Coban, Phosphat... Mục tiêu đặt ra đến năm 2035 là 30% pin sản xuất mới trên thế giới sẽ lấy nguyên liệu tái chế từ các pin cũ," ông nói.

Giáo sư Rachid Yazami cũng cho rằng việc này đòi hỏi phải có sự vào cuộc của các công tác nghiên cứu và phát triển. "Tôi tin rằng các bạn trẻ đây sẽ là những người mà sẽ chung tay đóng góp vào công cuộc đó."

Đồng tình với quan điểm trên, Giáo sư Stanley Whittingham cho rằng bản thân nội tại các nhà khoa học không thể thực hiện được việc chuyển đổi hay là chuyển dịch sang Năng lượng Xanh. "Điều quan trọng là chúng ta phải có công nghệ, có sự vào cuộc của các doanh nghiệp cũng như các chính trị gia, những người hoạch định chính sách và cộng đồng," ông cho biết.

Mỗi tấm pin cần có một "cuốn hộ chiếu"

Tái chế pin sẽ là động lực lớn cho tương lai bền vững. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trở ngại đối với sự phát triển của ngành này cần phải vượt qua nếu muốn phát huy hết tiềm năng.

Theo Giáo sư Stanley Whittingham, để phát triển việc tái chế pin trên thế giới mỗi một viên pin đều cần phải có một tấm “passport," nói cách khác chúng phải được dán nhãn để biết chính xác rằng trong viên pin đó bao gồm những thành phần gì trong đó như Niken, Coban hay Lithium... Việc dán nhãn nhận biết thành phần bên trong mỗi viên pin sẽ giúp cho quá trình phân tách khi tái chế sau này.

vnp-vinfuture-1-3-3951.jpg
Giáo sư Stanley Whittingham "cha đẻ" của pin Lithium-ion. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Giáo sư Rachid Yazami cũng đồng tình với ý kiến trên. Ông cho rằng cần phải có một tấm hộ chiếu để gán nhãn các thành phần hóa học bên trong pin để trong quá trình khi tái chế, các thành phần này không bị trộn lẫn với nhau.

Ông cho biết với công nghệ hiện tại khi sản xuất pin, người ta trộn lẫn các chất này với nhau. Sau này, khi tách các chất đó ra chúng ta phải nghiền viên pin đó ra, sau đó chiết xuất từng thành phần rất tốn thời gian và tiền bạc.

"Trong tương lai, chúng ta phải có những cách xử lý thông minh hơn, hiệu quả hơn. Điều đó đòi hỏi sự vào cuộc của công tác nghiên cứu, phát triển. Thay vì nghiền, chúng ta đừng nghiền nữa. Ngay từ khi sản xuất chúng ta cần nghĩ ra phương pháp làm sao để các hóa chất trong đó độc lập hoặc tách rời nhau."

Về việc tái chế các tấm pin năng lượng mặt trời, Giáo sư Martin Andrew Green cho biết, phần lớn pin năng lượng mặt trời có chất liệu liên quan tới các tấm kính. "Chúng tôi đặt mục tiêu rằng vòng đời sử dụng của chúng sẽ từ 20 - 40 năm. Khi vòng đời sử dụng càng dài, rác thải ra môi trường sẽ càng ít. Thành phần cấu tạo của pin mặt trời phần lớn là từ thủy tinh. Do vậy, mức độ ảnh hưởng của loại rác thải này cũng hạn chế so với rác thải từ các tòa nhà hay khu công nghiệp."

vnp-vinfuture-1-2-9744.jpg
Giáo sư Akira Yoshino. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Đưa ra lời khuyên cho Việt Nam về những bước đầu tiên trong hành trình tái chế pin, Giáo sư Akira Yoshino nhấn mạnh công nghệ rất quan trọng. Ông cho biết đầu tiên cần phải làm sao để thu gom được các loại chất thải, những viên pin đã qua sử dụng. Vấn đề thứ hai nằm ở quy trình tái chế.

"Chúng ta đều biết rằng khi xử lý càng nhiều thì sẽ càng giảm bớt được vấn đề về chi phí. Nhưng đến một mức độ nào đó, nếu quá lớn chúng ta sẽ không thể xử lý được hết," Giáo sư Akira Yoshino cho biết./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục