45% số doanh nghiệp đang bị thiếu hụt nguồn vốn kinh doanh

Trong thời gian tới, nguy cơ và thách thức đối với các doanh nghiệp trong nước là rất lớn khi chuỗi cung ứng đứt gãy cũng như nguy cơ nhiều doanh nghiệp tiềm năng sẽ bị thâu tóm từ hoạt động M&A.
45% số doanh nghiệp đang bị thiếu hụt nguồn vốn kinh doanh ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

“Một trong những khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp hiện nay là thiếu vốn, đặc biệt là vốn lưu động. Có trên 45% số doanh nghiệp đang bị thiếu hụt nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh. Khó khăn về thị trường, nguồn thu, dòng tiền đã khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải sử dụng các biện pháp cắt giảm tiền lương và lao động.”

Nội dung trên được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thông tin tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp doanh nghiệp “Cùng nỗ lực-Vượt thách thức-Đón thời cơ-Phục hồi nền kinh tế,” ngày 9/5.

Đứt gãy chuỗi cung ứng

Cuối tháng Tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiến hành khảo sát nhanh gần 130.000 doanh nghiệp. Theo đó, khoảng 86% doanh nghiệp cho biết bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19 khiến doanh thu dự kiến 4 tháng đầu năm giảm mạnh xuống còn khoảng 70% so cùng kỳ năm 2019.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, cộng đồng doanh nghiệp đã và đang nêu cao tinh thần vượt khó, tự lực, tự cường, nỗ lực thích ứng với tình hình mới, duy trì sản xuất kinh doanh và việc làm cho người lao động. Theo đó, nhiều sáng kiến đã được triển khai để khắc phục tác động tiêu cực của dịch bệnh, như như áp dụng giờ làm linh hoạt, cắt giảm chi phí sản xuất, tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên vật liệu thay thế, thị trường tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là tập trung khai thác thị trường nội địa, nhanh nhạy nắm bắt cơ hội kinh doanh mới, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh.

45% số doanh nghiệp đang bị thiếu hụt nguồn vốn kinh doanh ảnh 2Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp doanh nghiệp “Cùng nỗ lực-Vượt thách thức-Đón thời cơ-Phục hồi nền kinh tế,” ngày 9/5. (Ảnh: Vietnam+)

Thời điểm hiện tại, tình hình dịch bệnh trong nước đã được đẩy lùi và kiểm soát thành công song trên thế giới vẫn còn đang diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt ở các nước là đối tác thị trường quan trọng của Việt Nam.

Vì vậy, Bộ trưởng chỉ ra phía trước vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và thách thức, như tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng khiến chuỗi giá trị vẫn chưa thể khắc phục ngay trong thời gian tới và điều này sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, hiện tượng mua bán, sáp nhập doanh nghiệp dự báo diễn ra mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, do đó các doanh nghiệp tiềm năng của Việt Nam có thể sẽ bị thâu tóm với giá rẻ. Thêm vào đó, các quốc gia trên thế giới cũng đang tìm cách giảm thiểu phụ thuộc vào một thị trường, dẫn đến xu hướng các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài lớn thực hiện cấu trúc lại hệ thống cung cấp nguyên vật liệu, lựa chọn địa điểm đầu tư mới thỏa mãn những điều kiện về khoa học công nghệ, môi trường sinh thái và dịch vụ y tế an toàn.

Đề xuất giảm thuế VAT cho các sản phẩm, dịch vụ

Trong thực trạng đó, người đứng đầu ngành kế hoạch và đầu tư đề xuất một số định hướng, đầu tiên là phục hồi chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị đứt gẫy, xây dựng và phát triển chuỗi giá trị mới nhằm bảo đảm cho các doanh nghiệp tự chủ nguồn nguyên vật liệu trong nước, thay thế một phần nguồn nhập khẩu.

Bên cạch đó, các giải pháp kích cầu thị trường nội địa thực hiện tăng tổng cầu trong nước thông qua kích thích tiêu dùng và hỗ trợ các doanh nghiệp phân phối các mặt hàng thiết yếu, du lịch, lưu trú, bán lẻ, thương mại điện tử….

Theo Bộ trưởng, chính sách cần xem xét hỗ trợ cho các doanh nghiệp tung ra các gói dịch vụ hàng hóa khuyến mại cho người tiêu dùng, người dân với những chính sách tài khóa, như miễn, giảm thuế VAT cho các sản phẩm, dịch vụ để giúp doanh nghiệp giảm giá thành sản phẩm, kích cầu tiêu dùng trong nước.

Về đầu tư công, Chính phủ cần tiếp tục rà soát các quy định về ngân sách, đầu tư, xây dựng, tháo gỡ kịp thời các rào cản khó khăn, vướng mắc, chú trọng tháo gỡ nút thắt trong lĩnh vực bất động sản đồng thời phát triển thị trường nhà ở xã hội như một đòn bẩy để kích cầu nội địa.

Điểm mấu chốt tại kiến nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, các cấp quản lý từ trung ương đến địa phương hơn lúc nào hết cần thực hiện nhất quán và triệt để cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung giải quyết các điểm nghẽn, bất cập làm cản trở doanh nghiệp phát triển.

“Theo đó, các bộ, ngành, địa phương bên cạnh ưu tiên giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp cũng cần kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các trường hợp gây nhũng nhiễu, thao túng, chi phối khi thực thi công vụ, vi phạm quy định của pháp luật, làm chậm thời gian, tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, các cấp quản lý thực hiện quyết liệt việc thay thế những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trình độ, không đáp ứng được yêu cầu,” Bộ trưởng nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục