5 khuyến nghị phòng chống tham nhũng

Nhóm nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Phát triển hỗ trợ cộng đồng thuộc Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam đã đưa ra 5 khuyến nghị cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng.

Nhóm nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Phát triển hỗ trợ cộng đồng thuộc Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam đã đưa ra 5 khuyến nghị cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng.

Tại hội thảo "Phòng chống tham nhũng ở Việt Nam sau 2 năm thi hành luật", ngày 12/12 ở Hà Nội, trưởng nhóm nghiên cứu Đặng Ngọc Dinh cho biết khuyến nghị đầu tiên của nhóm là thành lập tổ chức phòng chống tham nhũng độc lập từ Trung ương đến địa phương.

Trưởng ban phòng chống tham nhũng các cấp không là thủ trưởng chính quyền, mà có thể là một lãnh đạo Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, cấp ủy Đảng hoặc Mặt trận Tổ quốc, với những cơ chế cụ thể, có quyền lực thực sự.

Ba khuyến nghị khác bao gồm xử lý theo pháp luật mọi Đảng viên có hành vi tham nhũng, bất kể ở cấp nào; tiếp tục thúc đẩy cải cách hành chính nhằm loại bỏ dần cơ chế "xin-cho", "cấp phát"; đẩy mạnh thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở bằng cách tiến hành định kỳ lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ lãnh đạo chính quyền các cấp, tiến tới cơ chế dân trực tiếp bầu chức danh lãnh đạo chính quyền các cấp theo nhiệm kỳ.

Khuyến nghị cuối cùng là đặt hòm thư phát hiện tham nhũng tại trụ sở làm việc của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp và cho phép dân được tham dự các buổi tiếp xúc cử tri; tiến hành thường xuyên việc kiểm soát thu nhập của công chức nhà nước. Cán bộ chính quyền có trách nhiệm đối thoại, chia sẻ, lắng nghe ý kiến các tổ chức xã hội dân sự và người dân để phát hiện, xử lý các vụ việc tham nhũng một cách hiệu quả, từng bước xóa bỏ phương thức "kính chuyển cấp trên" vẫn thường diễn ra trong hoạt động tiếp dân hiện nay.

Trưởng nhóm Đặng Ngọc Dinh cho biết kết quả khảo sát của nhóm tại 9 tỉnh thuộc 3 miền Bắc, Trung, Nam cho thấy đại đa số người dân khẳng định tại địa phương mình có tình trạng tham nhũng, nhưng quy mô không lớn.

Mức độ tham nhũng ở phạm vi tỉnh, huyện cao hơn so với xã, phường vì hiện nay cấp tỉnh, huyện có nhiều "quyền lực" hơn, đặc biệt là trong lĩnh vực cấp đất cho các dự án. Nạn tham nhũng có 3 đặc điểm là có tính phổ biến trong mọi lĩnh vực, mọi vùng; có sự liên kết dọc theo ngành và liên kết ngang theo bè, cánh. Hành vi tham nhũng thường xảy ra là lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành nhiệm vụ, nhận hối lộ.

Hội thảo "Phòng chống tham nhũng ở Việt Nam sau 2 năm thi hành luật" do Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức nhằm đánh giá hiện trạng phòng chống tham nhũng và đưa ra những kiến nghị cụ thể./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục