Trong những ngày đầu sau thảm họa, người dân tại các địa phương bị thảm họa tưởng chừng như khó gượng dậy được với những nỗi đau mất mát. Song với ý chí, sự đồng lòng và tình cảm ấm áp của người dân cả nước, Otsuchi, Miyako cũng như tất cả các địa phương bị thảm họa từng bước xây dựng lại quê hương mình.
Những nỗ lực không mệt mỏi
Khi chúng tôi đến khu nhà tạm Kozuchi Daihaichi, người dân nơi đây hồ hởi giới thiệu cho chúng tôi các sản phẩm thêu tay của mình. Hoạt động này nằm trong dự án Sashiko, khởi động từ tháng 6/2011, tức là chỉ ba tháng sau thảm họa.
Dự án do tổ chức NPO Terra Renaissance quản lý, đã tuyển dụng anh Kazuya Yoshino, một nhà thiết kế web từ bỏ công việc tại Tokyo đến Otsuchi để hỗ trợ những người dân tại Otsuchi. Việc chọn một công việc đơn giản là thêu tay để thực hiện dự án với mục đích ban đầu là hỗ trợ những nạn nhân sóng thần có việc làm để vơi đi những ký ức đau buồn.
Sau một thời gian hoạt động, từ chỗ hoàn toàn phụ thuộc vào kinh phí do NPO Terra Renaissance và các nhà hảo tâm tài trợ, doanh thu từ các sản phẩm trong dự án đã bù đắp được tới 64% kinh phí hoạt động. Sau năm năm hoạt động, Sashiko đã thực sự trở thành một hoạt động kinh tế hiệu quả, hợp tác với các nhà thiết kế và tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Nhật Bản Ryohin Keikaku. Sashiko hướng đến sự tự chủ với mục tiêu đến năm 2021 sẽ hoàn toàn do địa phương quản lý và điều hành.
Cũng như Sashiko tại Kozuchi Daihachi, câu chuyện của bốn công ty chế biến thủy sản lớn hàng đầu tại Otsuchi cũng thấm đẫm ý chí, sự đoàn kết, lòng nhân ái và tinh thần tự lực tự cường.
Trắng tay sau thảm họa tháng 3/2011,bốn doanh nghiệp chế biến thủy sản lớn tại thị trấn Taro gồm Hara Sengyoten, Urata Shoten, Nakashoku và Shozushima Fishery đã quyết tâm xây dựng lại cơ nghiệp.
Với quan điểm “Otsuchi không thể thiếu ngành thủy sản,” bốn doanh nghiệp đã liên kết với nhau cùng kêu gọi cả nước hỗ trợ họ hồi phục lại ngành kinh tế quan trọng của địa phương này. “Tachiagare -Domannaka” (Đứng lên - Domannaka) là tên gọi của nhóm tình nguyện do bốn người đứng đầu doanh nghiệp trên lập nên vào tháng 8/2011 để kêu gọi sự hỗ trợ và hợp tác từ khắp cả nước.
Từ một bài báo nhỏ đăng trên báo Asahi số ra ngày 13/8/2011, khoảng 8.000 nhà hảo tâm đã tài trợ cho quá trình hồi phục này. Người đứng đầu doanh nghiệp Urata Shoten, ông Katsutoshi Urata cho biết: “Trong hai năm đầu, việc xây dựng lại từ con số không vô cùng vất vả song chúng tôi vẫn cam kết với các nhà tài trợ sẽ tự lực trong thời gian sớm nhất.”
Bắt đầu từ hai năm trở lại đây bốn doanh nghiệp này đã ngừng nhận hỗ trợ. Mặc dù vẫn đang trong quá trình xây dựng lại, song họ quyết tâm đi lên bằng chính sức lực của mình. Bốn doanh nghiệp này đã thành lập Hợp tác xã Domannaka Otsuchi với người đứng đầu là ông Masakazu Haga, 70 tuổi, giám đốc công ty chế biến hải sản Shozushima Fishery. Mục tiêu của hợp tác xã này là mở rộng các kênh bán hàng, tạo ra một thương hiệu hải sản chung cho bốn doanh nghiệp.
Một người dân tại Otsuchi nói với tôi rằng “thảm họa sóng thần đã đẩy cả một vùng rộng lớn ở Đông Bắc Nhật Bản rơi vào màn đen.” Cuộc sống sinh hoạt của trẻ em tại những nơi này cũng bị đảo lộn. Những ngôi trường, ngôi nhà đủ tiện nghi bị phá hủy, các em phải chấp nhận trong những ngôi nhà tạm, những trường học tạm thời chật hẹp. Tổ chức NPO Katariba đã lập hệ thống trường Collaborative School tại các vùng bị sóng thần.
Nhằm hỗ trợ tâm lý và điều kiện học tập cho các em, trường đã tổ chức các khóa học thêm, cung cấp cho các em một địa điểm tự học. Hiện nay, theo học tại trường có 90 học sinh tiểu học, 124 học sinh cấp hai và 55 học sinh cấp ba. Không chỉ hỗ trợ các em học tập, Collaborative School còn hướng các em cách thức để cùng tham gia vào quá trình tái thiết tại các khu vực bị thảm họa.
Những công trường xây dựng
Năm năm sau thảm họa, quá trình tái thiết tại các địa phương bị sóng thần vẫn đang được tiến hành. Tất cả những vùng đất mà chúng tôi đi qua đều như một công trường xây dựng khồng lồ với nhiều công trình đang trong quá trình xây dựng.
Thay thế cho các khu nhà tạm chật hẹp, nhiều khu định cư mới đã và đang xuất hiện tại những vùng bị sóng thần tàn phá. Khu định cư Ogaguchi Icchome với 70 căn nhà đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về môi trường, tiện nghi, an sinh xã hội đã đi vào hoạt động, với tỷ lệ 100% căn nhà có người ở.
Người dân tại đây được chính phủ hỗ trợ tiên thuê nhà, vì vậy phí thuê nhà rất rẻ nếu so với mặt bằng chung, thấp nhất là 1.300 yen/tháng (260.000VND) và mức cao nhất là 54.400 yen/tháng (khoảng gần 11 triệu VND/tháng). Song song với việc cung cấp cho người dân một nơi ở lâu dài khang trang, đầy đủ tiện nghi, khu định cư Ogaguchi Icchome còn quan tâm đến việc xây dựng một cộng đồng tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống.
Nhà sinh hoạt chung của khu định cư là nơi các cư dân có thể hội họp, chia sẻ những câu chuyện vui buồn trong cuộc sống, cùng nhau xây dựng một cộng đồng tương thân, tương ái, đặc biệt đem lại niềm vui cho những người già sống cô đơn.
Thị trấn Taro tại thành phố Miyako vẫn đang trong tiến độ xây dựng hối hả. Cùng với các ngôi nhà dành cho cư dân, các công trình phúc lợi xã hội như công viên, sân bóng chày, bệnh viện, trường học đang được xây mới hoặc nâng cấp tại nhiều nơi ở thành phố Miyako. Đặc biệt, một trong những công trình thu hút sự quan tâm của người dân ở đây là dự án xây dựng đê chắn biển.
Taro vốn được biết đến là “Tsunami Taro” (Taro- vùng đất của sóng thần) vì nơi đây có lịch sử ba lần bị sóng thần trong các năm 1611, 1896 và 1933. Thị trấn có ba đê chắn biển trong đó đồ sộ nhất là đê chắn biển dài 2.433m, cao 10,65m. Công trình này hoàn thành vào năm 1978, được mệnh danh là “Vạn lý trường thành tại Taro.”
Tuy nhiên, trận sóng thần năm 2011 với độ cao 16m đã vượt qua đê thứ nhất và đê thứ ba, phá hủy hoàn toàn đê thứ hai. Sau thảm họa năm 2011, thành phố Miyako quyết định tái thiết lại hệ thống đê của Taro, xây dựng một đê chắn biển mới cao 14,7m, dự kiến hoàn tất vào tháng 3/2017.
Tachiagare
Nhiều cư dân ở vùng bị thảm họa thừa nhận họ đã từng không dám tưởng tượng đến những thành quả mà họ đạt được sau chặng đường hồi phục sau năm năm.
Ông Katsutoshi Urata, chủ cửa hàng Urata Shoten nói với tôi: “Hai năm sau ngày xảy ra thảm họa, hoạt động của doanh nghiệp chúng tôi vẫn vô cùng vất vả, lúc đó chúng tôi cũng không thể biết đến khi nào mới có thể tự đứng lên bằng đôi chân của mình. Giờ đây, sau năm năm nỗ lực, chúng tôi hài lòng với những kết quả mình đã đạt được cho dù không thể phủ nhận doanh nghiệp của chúng tôi vẫn còn thiếu nhiều trang thiết bị.”
Ông Washichi Tanaka, chủ cửa hàng bánh kẹo tại Taro giới thiệu cho chúng tôi ngôi nhà của ông đang được xây dựng tại khu định cư Sanno Danchi. Đây là một trong những khu định cư lớn nhất của tỉnh Iwate, với diện tích 25,5 hecta, có độ cao từ 40-60m so với biển. Đứng trước ngôi nhà hai tầng đang trong quá trình hoàn thiện, ông vui vẻ cho biết kinh phí xây dựng được chính phủ hỗ trợ và chỉ trong một thời gian nữa ông sẽ sở hữu một ngôi nhà tại một trong những khu định cư đẹp nhất Miyako.
Thị trưởng thành phố Miyako, ông Masanori Yamamoto đã khẳng định: “Với sự hợp tác chặt chẽ giữa chính quyền trung ương và địa phương, sự hỗ trợ của các tổ chức cũng như người dân, chúng tôi đã tiến xa trong quá trình tái thiết các khu vực bị thảm họa. Tuy nhiên, công cuộc xây dựng lại những mảnh đất này vẫn đang tiếp tục và chúng tôi sẽ tiếp tục tiến từng bước vững chắc.”
Với những thành quả của quá trình tái thiết sau sóng thần, người dân tại các địa phương Tohoku bị sóng thần đang chứng minh rằng sự đồng lòng, ý chí và tinh thần tự lực đã và sẽ tiếp tục giúp họ vượt qua mọi khó khăn và thử thách để hồi sinh mảnh đất quê hương./.