6,3 triệu SIM 4G được đổi nhưng mới có 3,5 triệu thuê bao hoạt động

Cho tới thời điểm hiện tại, tại Việt Nam có 6,3 triệu thuê bao đã đổi sang SIM 4G nhưng mới có 3,5 triệu thuê bao sử dụng dịch vụ này.
6,3 triệu SIM 4G được đổi nhưng mới có 3,5 triệu thuê bao hoạt động ảnh 1Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Hồng Hải nhận định, việc triển khai 4G là bước ngoặt quan trọng đối với thị trường viễn thông Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Cho tới thời điểm hiện tại, tại Việt Nam có 6,3 triệu thuê bao đã đổi sang SIM 4G nhưng mới có 3,5 triệu thuê bao sử dụng dịch vụ này.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, 4G sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới và giúp Việt Nam hoàn thành các chương trình quốc gia như Chính phủ điện tử, smart city, nông nghiệp thông minh.

4G phủ tới 95% dân số

Tại Hội thảo Quốc tế 4G LTE 2017 do Hiệp hội Internet Việt Nam phối hợp với Tập đoàn dữ liệu quốc tế IDG Việt Nam tổ chức vào ngày 27/7 tại Hà Nội, ông Trần Tuấn Anh, đại diện Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho hay, hiện có gần 60 triệu thuê bao băng rộng, trong đó có khoảng 48 triệu thuê bao di động băng rộng (gồm cả 3G và 4G).

Hiện nay, theo báo cáo, các doanh nghiệp đã triển khai đươc 43.000 trạm thu phát sóng 4G trên toàn quốc, theo tính toán đã đảm bảo nhu cầu phục vụ khoảng 95% dân số.

[Hành trình 4G đến với người dùng di động Việt Nam]

Theo ông Tuấn Anh, trong thời gian ngắn triển khai 4G thì tỷ lệ phát triển như trên cũng là tương đối nhanh. Tuy vậy, so với một số nước trên thế giới, tốc độ phát triển 4G so với 3G tại Việt Nam lại không phải cao.

Trong khi đó, ông Phan Thảo Nguyên, Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Thông tin và Truyền thông), cho rằng, con số 3,5 triệu người dùng 4G tuy bé nhưng không phải quá nhỏ và thời gian tới số thuê bao 4G sẽ phát triển mạnh mẽ.

Đưa ra cái nhìn chung trên toàn cầu, ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào và Campuchia, nhận định công nghệ 4G LTE sẽ tiếp tục có sự phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu Hiện nay, đã có 581 mạng 4G LTE được triển khai và thương mại hóa ở 186 quốc gia.

"Hiện, các nhà mạng ở 47 quốc gia đang chuẩn bị để đưa ra tốc độ 4G đạt ngưỡng Gigabit và với công nghệ modem X20 của Qualcomm, các thiết bị 4G hiện nay có thể đạt tốc độ trao đổi dữ liệu lên tới 1.2Gbps," ông Nam nói.

6,3 triệu SIM 4G được đổi nhưng mới có 3,5 triệu thuê bao hoạt động ảnh 2Trải nghiệm 4G của Viettel. (Ảnh: Vietnam+)

Thúc đẩy cách mạng 4.0

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ và Việt Nam không phải ngoại lệ, các chuyên gia nhận định, triển khai thành công 4G LTE và tiếp theo là 5G sẽ giúp Việt Nam bắt kịp với cuộc cách mạng này khi vai trò của viễn thông phải bảo đảm việc kết nối mạng, đòi hỏi tốc độ cao và liên tục.

Ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam cho rằng, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì hạ tầng không dây băng rộng vô cùng quan trọng. Chính hạ tầng này sẽ thúc đẩy sự phát triển của mọi loại hình công nghệ, dịch vụ, đặc biệt là IoT (Internet vạn vật) vào đời sống.

[Sẽ đo kiểm, đánh giá chất lượng 4G của các doanh nghiệp viễn thông]

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Hồng Hải nhận định, việc triển khai 4G là bước ngoặt quan trọng đối với thị trường viễn thông Việt Nam.

“ Với việc tốc độ kết nối, truy cập dữ liệu tăng, các dịch vụ Internet truyền thống sẽ nhanh chóng dịch chuyển, đáp ứng nhu cầu người sử dụng mọi lúc, mọi nơi. Bên cạnh đó, hàng loạt các dịch vụ, ứng dụng khác sẽ phát triển như dịch vụ trên nền tảng IoT, các ứng dụng cho smart city… trên nền tảng 4G LTE không chỉ đem lại doanh thu, lợi nhuận cho doanh nghiệp viễn thông mà sẽ kéo theo cả hệ sinh thái các dịch vụ, ứng dụng phát triển trên đó," ông Hải nói.

Ông Thiều Phương Nam thì cho rằng, tại Việt Nam, 4G LTE đã, đang và sẽ giúp Việt Nam hoàn thiện và và nâng cao hạ tầng công nghệ thông tin, truyền thông, đưa Internet băng rộng đến với người dân, doanh nghiệp, giúp Việt Nam hoàn thành các chương trình quốc gia như Chính phủ điện tử, thành phố thông minh, nông nghiệp thông minh…

Theo ông, 4G LTE sẽ đem lại những dịch vụ, cơ hội kinh doanh mới cho các nhà mạng, nhà cung cấp dịch vụ, nội dung, nhà sản xuất thiết bị cũng như toàn bộ hệ sinh thái di động tại Việt Nam. 4G LTE sẽ là nền tảng thiết yếu khi Việt Nam đi vào kỷ nguyên IoT và chuẩn bị, tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

"Chúng tôi đang tích cực hỗ trợ các nhà mạng trong việc phát triển công nghệ, tối ưu hạ tầng mạng lưới và đảm bảo tính tương thích với các thiết bị đầu cuối. Việc đẩy mạnh lộ trình phát triển công nghệ và triển khai các công nghệ mới nhất của LTE là rất quan trọng cho Việt Nam để tạo tiền đề vững chắc và chuẩn bị cho công nghệ 5G," ông Nam chốt lại./.

Thứ trưởng Phạm Hồng Hải phát biểu tại Hội thảo Quốc tế 4G LTE 2017.
Với chủ đề “Phát triển đa dạng hóa dịch vụ 4G LTE nhằm mang lại chất lượng và hiệu quả cho tổ chức và người tiêu dùng,” Hội thảo Quốc tế 4G LTE 2017 thu hút sự quan tâm của các nhà quản lý, doanh nghiệp viễn thông, cung cấp hạ tầng…

Hội thảo đã cập nhật và thảo luận về những cơ hội, thách thức trong lộ trình xây dựng và phát triển mạng 4G LTE tại Việt Nam; đồng thời mang đến những bài học kinh nghiệm quốc tế cũng như giới thiệu các cơ chế quản lý khoa học, các giải pháp công nghệ đột phá nhằm phát triển tối đa tiềm năng của mạng 4G LTE tại Việt Nam.

Thứ trưởng Phạm Hồng Hải tin tưởng, qua hội thảo, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ có những đánh giá, nhận định nhằm đưa ra các chính sách triển khai công nghệ 4G LTE phù hợp với tình hình thực tế tại Việt Nam, từ đó làm nền tảng thúc đẩy phát triển các ứng dụng, dịch vụ trên nền Internet một cách bền vững và dần tiến ra khu vực cũng như trên thế giới.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục