"90% trẻ em muốn bày tỏ quan điểm, nguyện vọng"

Ở Việt Nam, trẻ em được công nhận đến 16 tuổi, nhưng 18 tuổi mới được coi là công dân, vậy trẻ từ 16-18 tuổi thuộc thành phần nào?

Ngày 9/5 Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đã tổ chức hội thảo thông tin kết quả thăm dò ý kiến trẻ em vào bổ sung, sửa đổi Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Cục Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) và các tổ chức quốc tế đã thực hiện thăm dò ý kiến trẻ em về Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em qua 3 kênh chính là phát phiếu thăm dò trực tiếp tại 10 tỉnh, thành phố; thăm dò qua tổng đài 18001567 và qua chuyên trang trên Internet.

Cuộc thăm dò đem lại kết quả bất ngờ khi nó đã thu hút sự quan tâm vượt mức mà ban tổ chức mong đợi, có tới hơn 34.000 ý kiến của trẻ em được thu thập. Đặc biệt, những ý kiến này không giống như suy nghĩ mà người lớn vẫn thường áp đặt lên trẻ em trước đó.

16 tuổi - không còn là trẻ em, chưa là công dân

Một trong những vấn đề được đưa ra để thăm dò ý kiến đó là giữ nguyên độ tuổi trẻ em là dưới 16 hay tăng lên 18 tuổi. Theo kết quả khảo sát, đa số trẻ em cho rằng cần điều chỉnh tăng độ tuổi này lên đến dưới 18 tuổi.

Em Đồng Nguyệt Minh (học sinh lớp 7A9 trường THCS Giảng Võ, Hà Nội) cho rằng công ước quốc tế về quyền trẻ em đã công nhận trẻ em là những người dưới 18 tuổi, vì vậy Việt Nam cũng nên sửa luật để hội nhập quốc tế, để trẻ em Việt Nam được đối xử công bằng như nhiều bạn nhỏ trên thế giới,

Em Đoàn Nguyệt Minh cũng thắc mắc rằng, ở Việt Nam hiện nay, trẻ em được công nhận đến 16 tuổi, nhưng đến 18 tuổi mới được coi là công dân, vậy thì những bạn trẻ từ 16-18 tuổi sẽ thuộc thành phần nào trong xã hội?

“Trẻ em ở độ tuổi này vẫn cần được bảo vệ quyền lợi cho bản thân mình, vì vậy, việc nâng độ tuổi  lên 18 tuổi là bước tiến rất hợp lý,” em Đoàn Nguyệt Minh nói

Trước những ý kiến cần điều chỉnh độ tuổi trẻ em, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Doãn Mậu Diệp cũng thừa nhận đang có sự khác biệt giữa định nghĩa trẻ em trong công ước và trong luật ở Việt Nam, nên trong thực tiễn còn phát sinh một vài khó khăn và bỏ qua một số lượng lớn trẻ cần chăm sóc, bảo vệ

Một ví dụ cụ thể, ở Việt Nam khi trẻ 17 tuổi thì không còn là trẻ em nhưng ra nước ngoài lại vẫn nhận được những biện pháp chăm sóc, bảo vệ như trẻ em. Ngược lại, trẻ em nước ngoài từ 16-18 tuổi vào Việt Nam thì lại không còn được coi là trẻ em nữa và không được hưởng quyền lợi như trẻ em.

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cũng cho biết, những ý kiến của cuộc thăm dò sẽ là một trong những căn cứ thuyết phục để điều chỉnh lại luật trong thời gian tới và nếu được thông qua, Việt Nam sẽ có thêm khoảng 2 triệu trẻ em, nâng tổng số trẻ em lên 25 triệu trẻ.

Càng lớn càng khao khát được lắng nghe

Tổ chức diễn đàn trẻ em là nội dung thu hút được nhiều ý kiến của trẻ em nhất trong cuộc thăm dò. 90% trẻ em  mong muốn tham gia diễn đàn để bày tỏ quan điểm, nguyện vọng của mình và hy vọng mỗi năm sẽ tổ chức diễn đàn trẻ em một lần.

Bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho rằng việc tổ chức những diễn đàn thăm dò ý kiến trẻ em là hết sức cần thiết. Theo bà Minh thì ở nước ngoài, ngay cả việc cha mẹ sử dụng ảnh con cái cũng đều phải xin ý kiến con, mọi hành vi, cử chỉ, quyết định họ đều lắng nghe ý kiến của trẻ em. Ở Na Uy, ý kiến của trẻ em dưới 7 tuổi được phổ biến dưới hình thức thông tin tham khảo nhưng trên 7 tuổi thì được coi là những góp ý chính thống.

“Việc thực hiện thăm dò ý kiến trẻ em nghiêm túc ở Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy những đóng góp tham gia của trẻ em mà khiến chúng ta phải giật mình vì những suy nghĩ của trẻ em rất người lớn, đã đến lúc chúng ta cần thay đổi cách nghĩ về trẻ em,“ Bà Ngô Thị Minh nói.

Đồng tình với quan điểm của bà Ngô Thị Minh, ông Đặng Hoa Nam, Phó Cục trưởng Cục bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cho rằng: “Người lớn chúng ta cần phải thay đổi. Thông thường người lớn hay nghĩ là trẻ em ham chơi, nhưng theo kết quả thăm dò về lý do lợi ích diễn đàn mang lại thì lợi ích được vui chơi không được trẻ em đồng tình nhiều. Hai lợi ích nổi bật nhất lại là được lắng nghe và được chia sẻ, bày tỏ ý kiến.

“Nhận thức của trẻ thay đổi theo từng lứa tuổi, các em ở nhóm tuổi trên 15 thì chú trọng đến lợi ích được người lớn lắng nghe hơn là các em nhỏ,” ông Đặng Hoa Nam nói.

Trong 4 quyền của trẻ em: Quyền được sinh tồn, quyền được phát triển, quyền được bảo vệ và quyền được tham gia thì khó nhất là thúc đẩy làm sao để trẻ em có thể thực hiện được quyền tham gia của mình. Diễn đàn sẽ là một hình thức để trẻ em đóng gớp ý kiến vào các quyết định có liên quan đến trẻ em. Vì vậy, theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, Việt Nam sẽ tổ chức diễn đàn trẻ em đầu tiên vào tháng 6/2013.

Bà Ngô Thị Minh cũng góp ý rằng: “Không nên chỉ có diễn đàn ở cấp trung ương, cấp tỉnh mà nên để trẻ em tham gia ngay tại nhà trường, ngay trong gia đình, thể hiện sự tôn trọng ngay từ môi trường xung quanh trẻ.”/.

Hồng Kiều (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục