Afghanistan trước bầu cử tổng thống: Tương lai còn mờ mịt

Vấn đề an ninh, nguy cơ về gian lận và sự can thiệp của các thế lực khác đe dọa phá hỏng cuộc bầu cử tổng thống sắp tới tại Afghanistan. 
Afghanistan trước bầu cử tổng thống: Tương lai còn mờ mịt ảnh 1Binh sỹ thuộc lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế (ISAF) và cảnh sát Afghanistan đứng bảo vệ bên ngoài một văn phòng của Ủy ban bầu cử Afghanistan. (Ảnh: AFP)

Afghanistan - quốc gia chìm đắm triền miên trong chiến tranh sẽ tiến hành cuộc cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 5/4 tới với sự ganh đua của tám ứng cử viên.

Quá mệt mỏi với những cuộc xung đột, các cử tri đang mong chờ được tham gia sự kiện này với hy vọng vị tổng thống mới có thể đem lại một nền hòa bình lâu dài cho Afghanistan.

Đây là cuộc bầu cử tổng thống thứ hai tại nước này kể từ khi chính quyền Taliban sụp đổ năm 2001. Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh các cuộc tấn công do Taliban tiến hành diễn ra hàng ngày nhằm phá hoại cuộc bầu cử.

Bên cạnh đó, sự hoài nghi về một cuộc bầu cử trong sạch và việc lực lượng liên quân do Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) dẫn đầu sẽ rút hết khỏi nước này vào cuối năm nay đang tạo ra một tương lai hết sức bấp bênh cho quốc gia Trung Á này.

Cuộc bầu cử được cảnh báo sẽ đối mặt với nhiều khó khăn vì nhóm phiến quân Taliban dọa sẽ làm mọi cách để phá hoại, thậm chí còn "gây ra những hậu quả nặng nề" đối với những ai đi bỏ phiếu.

Thủ đô Kabul và nhiều thành phố lớn khác đã phải chứng kiến hàng loạt vụ tấn công liều chết và ám sát sau khi các thủ lĩnh Taliban tuyên bố sẽ sử dụng "mọi tiềm lực" có thể để làm gián đoạn cuộc bầu cử.

Nhiều người không loại trừ khả năng Taliban sẽ lợi dụng cơ hội hỗn loạn vào ngày bầu cử để chiếm quyền. Lo ngại đó phần nào có cơ sở bởi các lực lượng an ninh Afghanistan được trang bị vô cùng thiếu thốn, đơn giản, lại lỏng lẻo về tổ chức, khó có thể đương đầu với nhóm tàn quân ngày càng mạnh lên này.

Ngoài vấn đề an ninh, nguy cơ về gian lận cũng như sự can thiệp của các thế lực khác vào tiến trình bầu cử cũng đang là “bóng đen” đe dọa phá hỏng sự kiện này. Nhiều người tỏ ra hoài nghi về mức độ trung lập, độc lập cũng như năng lực của các ủy ban bầu cử trong việc theo dõi, giám sát và điều tra những bất thường diễn ra trong quá trình bầu cử.

Các cuộc thăm dò dư luận mới nhất cho thấy có ba ứng cử viên dẫn đầu trong cuộc bầu cử sắp tới là Abdullah Abdullah, Ashraf Ghani Ahmadzai và Zalmai Rassoul. Các ứng cử viên này đều lên tiếng khuyến cáo nguy cơ gian lận bầu cử và lo ngại sự phản ứng gay gắt về kết quả bầu cử.

Bầu cử chưa diễn ra, song một số ứng viên đã cáo buộc các quan chức cấp cao của chính phủ không minh bạch về tài chính, thiên vị và có những hành vi ủng hộ các ứng viên ưa thích của mình. Trong khi đó, từng thất vọng về cuộc bầu cử năm 2009, nhiều người dân Afghanistan không còn tin tưởng vào việc cộng đồng quốc tế đóng vai trò trung lập trong việc giám sát bầu cử để đảm bảo một kết quả đáng tin cậy.

Làm thế nào mà Afghanistan - một đất nước với ngân sách hàng năm không vượt quá 7 tỷ USD, cùng lực lượng an ninh còn non trẻ - có thể đương đầu với những thách thức về kinh tế, xã hội và an ninh, trong khi năm 2013 Mỹ đã phải chi hơn 6 tỷ USD để hỗ trợ Kabul giải quyết những khó khăn trên.

Việc Tổng thống đương nhiệm Hamid Karzai một mực “nói không” với Hiệp ước An ninh Song phương (BSA) cho phép sự có mặt có giới hạn của lính Mỹ tại Afghanistan sau năm 2014 và để quyền quyết định cho người kế nhiệm cũng khiến cuộc bầu cử có tầm quan trọng đặc biệt này thêm phần phức tạp.

Dù đến nay tất cả các ứng cử viên đều tuyên bố sẽ ký BSA với Mỹ, song ai cũng hiểu vị tổng thống sắp mãn nhiệm Kazai, vốn không thể ra ứng cử nhiệm kỳ ba, muốn duy trì ảnh hưởng thông qua người kế nhiệm. Cái giá cho một chiến thắng của ứng cử viên có bàn tay ủng hộ của ông Karzai có thể sẽ vẫn là một Afghanistan không có BSA sau năm 2014.

Hai thách thức về an ninh và khả năng gian lận khiến dư luận không chắc chắn về sự minh bạch của cuộc bầu cử. Tuy nhiên, theo một số cuộc khảo sát gần đây, mặc dù không coi cuộc bầu cử sắp tới là một giải pháp hoàn hảo, nhưng người dân Afghanistan coi đó là cơ hội tốt nhất để thể hiện ý chí tự do trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều thách thức.

Hầu hết người dân Afghanistan mong muốn bảo vệ những thành quả trong một thập kỷ qua và đang tìm kiếm một nhà lãnh đạo mới hội tụ đủ các yếu tố: có học vấn, có kinh nghiệm, trung thực và công bằng.

Với một Afghanistan rối ren như hiện nay, không chỉ các nhà quan sát ở bên ngoài mà các chính trị gia và đại đa số 30 triệu dân nước này đều có chung nhận định rằng trong trường hợp bầu cử diễn ra "thuận buồm xuôi gió" thì dù ai chiến thắng cũng sẽ phải đối mặt với những nhiệm vụ cực kỳ khó khăn và nan giải, nhất là trong bối cảnh Taliban đang ngày càng mạnh lên, trong khi binh sỹ Mỹ và NATO chuẩn bị rút khỏi quốc gia này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục