Ai Cập ghi nhận thêm hai ca tử vong do cúm gia cầm H5N1

Ngày 8/3, giới chức Ai Cập xác nhận hai trường hợp tử vong do nhiễm cúm gia cầm H5N1, nâng tổng số ca tử vong lên 13 người kể từ đầu năm tới nay.
Ai Cập ghi nhận thêm hai ca tử vong do cúm gia cầm H5N1 ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: AFP)

Ngày 8/3, giới chức Ai Cập xác nhận hai trường hợp tử vong do nhiễm cúm gia cầm H5N1, nâng tổng số ca tử vong lên 13 người kể từ đầu năm tới nay.

Trong cả năm 2014 tại Ai Cập có 11 trường hợp tử vong do chủng cúm này.

Trong một thông cáo, Bộ Y tế Ai Cập cho biết hai phụ nữ sinh sống tại các tỉnh Menoufia và Sharqia thuộc khu vực đồng bằng châu thổ sông Nile đã tử vong hôm 7/3 do nhiễm cúm gia cầm H5N1.

Ngoài ra, ba bệnh nhân khác, trong đó có một bé trai 2 tuổi tại Cairo và hai người đàn ông 40 tuổi tại khu vực đồng bằng châu thổ sông Nile, có kết quả xét nghiệm dương tính với virus cúm gia cầm.

Kể từ đầu năm đến nay, Ai Cập đã phát hiện tổng cộng 38 trường hợp nhiễm cúm gia cầm, trong đó có 10 người đã bình phục và 15 người đang được điều trị tại bệnh viện. Hầu hết các trường hợp nhiễm cúm gia cầm được phát hiện tại các khu vực nông thôn.

Truyền thông Ai Cập ngày 8/3 cho biết các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO), Tổ chức Thú y Thế giới (OIE), Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC), Phòng thí nghiệm CDC và Phòng thí nghiệm Hải quân Mỹ sẽ tới Ai Cập vào ngày 9/3 để đánh giá tình hình lây nhiễm cúm gia cầm ở người.

Theo kế hoạch, phái đoàn này sẽ có các cuộc gặp với Thủ tướng Ibrahim Mahlab cùng các quan chức Bộ Nông nghiệp và Bộ Y tế Ai Cập, cũng như tới thăm các trang trại chăn nuôi gia cầm tại khu vực nông thôn.

Trước đó, Bộ Y tế Ai Cập ngày 5/3 đã công bố "kế hoạch đặc biệt chống cúm gia cầm," đồng thời kêu gọi người dân thận trọng và thực hiện các biện pháp phòng ngừa khi tiếp xúc với gia cầm và các sản phẩm chế biến từ gia cầm.

Cơ quan này cũng khuyến cáo những người có các triệu chứng nhiễm cúm tới khám tại bệnh viện gần nhất trong vòng 24 giờ nhằm tăng cơ hội chữa trị.

Các ca nhiễm cúm A/H5N1 ở gia cầm và người được phát hiện lần đầu tiên ở Ai Cập vào đầu năm 2006. Chủng virus này đã làm bùng phát đại dịch vào năm 2008, buộc chính quyền phải thực hiện các biện pháp khẩn cấp như tiêu hủy gia cầm hàng loạt và tiến hành tiêm vắcxin cho đàn gia cầm.

Theo một thống kê hồi cuối tháng 6/2014 của WHO, Ai Cập là quốc gia đứng thứ hai thế giới sau Indonesia về số ca nhiễm virus cúm A/H5N1 ở người. Hiện ước tính có khoảng 2 triệu lao động đang làm việc trong ngành chăn nuôi gia cầm ở nước này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục