Ai nắm thế thượng phong trong cuộc tranh cử tổng thống Indonesia?

Đa số các học giả cho rằng trong lần tranh luận trên truyền hình, Tổng thống đương nhiệm Jokowi đã giành chiến thắng trước đối thủ Prabowo, một số ít học giả cho rằng không có ai chiến thắng.
Ai nắm thế thượng phong trong cuộc tranh cử tổng thống Indonesia? ảnh 1Ông Joko Widodo (trái) và Prabowo Subianto. (Nguồn: Tribunnews)

Trang mạng The Conversation mới đây đăng tải bài tổng hợp ý kiến của các học giả Indonesia xung quanh nội dung tranh luận lần hai giữa 2 ứng cử viên tổng thống Joko Widodo (Jokowi) và Prabowo Subianto trên truyền hình.

Đa số các học giả cho rằng trong lần tranh luận này, Tổng thống đương nhiệm Jokowi đã giành chiến thắng trước đối thủ Prabowo, một số ít học giả cho rằng không có ai chiến thắng trong cuộc tranh luận lần này. Không có học giả nào đánh giá Prabowo là người chiến thắng.

Theo bài viết, để chuẩn bị cho sự kiện bầu cử tổng thống vào tháng 4/2019, ngày 17/2, Indonesia đã tổ chức cuộc tranh luận lần thứ 2 được phát sóng trên truyền hình quốc gia Indonesia giữa hai ứng cử viên Jokowi và Prabowo.

Nội dung cuộc tranh luận xoay quanh 5 chủ đề lớn, bao gồm: các vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng, năng lượng, lương thực, tài nguyên thiên nhiên và môi trường.

The Conversation đã liên hệ với một số học giả để thu thập các phân tích, đánh giá về nội dung trả lời của các ứng cử viên.

Ông Martin Siyaranamual, nhà nghiên cứu chính trị, giảng viên thuộc Đại học Padjadjaran, Indonesia cho rằng khác với cuộc tranh luận thứ nhất diễn ra vào ngày 17/1 vừa qua, cuộc tranh luận lần này trôi chảy và hấp dẫn hơn rất nhiều mặc dù vẫn còn tồn tại một số vấn đề chưa đáp ứng mong đợi của dư luận vì nhiều câu trả lời của cả hai ứng cử viên không thực chất.

Ví dụ, trong lĩnh vực tài nguyên thiên nhiên, cuộc tranh luận sẽ thiết thực hơn nếu các ứng cử viên cùng đi sâu thảo luận biện pháp ngăn chặn thiệt hại môi trường từ các hoạt động khai thác tài nguyên quốc gia. Trong lĩnh vực này, cả ông Jokowi và Prabowo đều không đề cập đến chi phí môi trường và xã hội mà các khu công nghiệp chế biến dầu cọ gây ra và các vấn đề khác liên quan.

[Indonesia: Tổng thống Widodo sẽ chiến thắng trong cuộc bầu cử tới?]

Tuy nhiên, đối với vấn đề lương thực của Indonesia hiện nay, Martin Siyaranamual cho rằng ông Jokowi đã thể hiện là một nhà lãnh đạo có chiều sâu. Kiến thức của ông Jokowi trong lĩnh vực này rất uyên thâm, vượt trội so với ông Prabowo.

Ông Jokowi không chỉ đưa ra các biện pháp liên quan đến vấn đề bình ổn giá lương thực mà còn đề cập ở mức độ cao hơn đó là vấn đề an ninh lương thực quốc gia. Đây là vấn đề vĩ mô mà bất kỳ quốc gia nào cũng phải quan tâm. Điều đó thể hiện tầm nhìn của nhà lãnh đạo quốc gia, do vậy ông Jokowi là người chiến thắng trong cuộc tranh luận này.

Theo đánh giá của Bisuk Abraham, nhà nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu, điều tra kinh tế và cộng đồng, Đại học Indonesia, ông Jokowi đã giành thế chủ động trong suốt quá trình tranh luận với đối thủ Prabowo. Ông Jokowi hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của hàng hàng hóa nhập khẩu, coi đây như một công cụ để ổn định giá lương thực.

Ông Jokowi cũng hiểu sâu sắc hơn về vai trò của cơ sở hạ tầng trong việc giảm chi phí hậu cần và cả vai trò của công nghệ kỹ thuật số trong việc làm cho chuỗi cung ứng hiệu quả hơn.

Trong khi đó, Prabowo thì hoàn toàn ngược lại, ông ta bị mắc kẹt trong các khái niệm chưa rõ ràng và nhiều lần tỏ ra lúng túng trước một số câu hỏi ngược lại của ông Jokowi. Điều này phần nào phản ánh kiến thức của Prabowo trong lĩnh vực này còn hạn chế hơn rất nhiều so đối thủ Jokowi.

Nhiều chuyên gia đều có chung nhận định quan điểm về tự cung nguồn năng lượng trong những ý kiến sắc sảo của ông Jokowi vượt trội so với những gì ông Prabowo đưa ra.

Ông Prabowo tuy có nhấn mạnh vấn đề tự chủ nguồn năng lượng nhưng không chỉ ra được các biện pháp cụ thể mà Indonesia cần phải thực hiện. Trong khi đó, ông Jokowi ngay từ đầu đã cho thấy tầm quan trọng của năng lượng tái tạo. Ông đề nghị tăng cường sử dụng nhiên liệu diesel sinh học và nhiên liệu xanh từ dầu cọ như một giải pháp để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước hiện nay.

Theo ông Jokowi, tất cả các phương tiện giao thông hiện tại phải sử dụng dầu diesel sinh học 20 (B20, dầu thực vật 20% và dầu mỏ 80%) và B30 thay vì chỉ những phương tiện được trợ cấp mới phải sử dụng những nhiên liệu hỗn hợp này.

Ông Jokowi cho biết ông đang hướng đến mục tiêu áp dụng sử dụng nhiên liệu B100 cho các phương tiện giao thông của Indonesia, điều đó có nghĩa là nhiên liệu sẽ được tinh chế 100% từ dầu cọ.

Mặc dù nhiều ý kiến bày tỏ sự hài lòng với nội dung tranh luận của hai ứng cử viên Tổng thống, song cũng có một số ý kiến cho rằng cuộc tranh luận lần này chưa thực sự tốt, chưa thỏa mãn được lòng mong mỏi của dư luận... do vậy không có ai chiến thắng trong cuộc tranh luận lần này.

Học giả Sonny Mumbunan, thuộc Trung tâm nghiên cứu biến đổi khí hậu (RCCC) Indonesia đồng thời là chuyên gia kinh tế thuộc Viện tài nguyên thế giới Indonesia đánh giá trong suốt quá trình tranh luận, cả hai ứng cử viên không đưa ra được các giải pháp đối phó với thực trạng biến đổi khí hậu hiện nay. Rất khó để giải quyết các vấn đề liên quan đến thực phẩm, năng lượng, môi trường, cơ sở hạ tầng và tài nguyên thiên nhiên ở Indonesia mà không đề cập đến việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Trong cuộc tranh luận lần này, ông Prabowo chỉ đưa ra các giải pháp mang tính chung chung mà không đi sâu vào các biện pháp giải quyết cụ thể. Chẳng hạn như Prabowo có đề cập đến tầm quan trọng của việc tự cung cấp lương thực, năng lượng và hứa hẹn sẽ đề xuất kế hoạch tốt hơn về phát triển cơ sở hạ tầng. Nhưng không có biện pháp cụ thể nào được đưa ra.

Cách trả lời của ông Jokowi có xu hướng cụ thể hơn. Jokowi nhấn mạnh việc đã làm và những thành tựu của ông trong việc loại bỏ các nạn cháy rừng, vấn đề rác thải nhựa... Đúng là các vụ cháy rừng đã giảm, ví dụ về quy mô diện tích cháy rừng hay số lượng các điểm nóng cũng đã giảm nhưng các vụ cháy rừng vẫn đang xảy ra.

Bên cạnh đó, các ứng cử viên đều đề cập đến việc thúc đẩy sử dụng dầu diesel sinh học để tự cung nguồn nhiên liệu nhưng lại không xem xét tác động của nó đến môi trường, không đề cập đến tác động từ hoạt động khai thác, sản xuất dầu cọ... Đúng là để tự đáp ứng nhu cầu sử dụng nhiên liệu trong nước, giảm lượng khí thải carbon dioxide cũng như tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế, nhiên liệu sinh học có thể được sử dụng thay thế cho nhiên liệu hóa thạch nhưng các ứng cử viên đã bỏ qua một điều quan trọng rằng việc sản xuất dầu cọ (thành phần chính của nhiên liệu sinh học) đang có nhiều nguy cơ gây ô nhiễm nghiêm trọng tại Indonesia và đang đe dọa tác động tiêu cực đến môi trường.

Cả hai ứng cử viên đã thể hiện mình không hiểu nguyên nhân gốc rễ của vấn đề tài nguyên và môi trường. Họ nên suy ngẫm nhiều hơn cả về vấn đề khai thác để bảo vệ môi trường và cách giải quyết vấn đề cải tạo môi trường bằng cách biến chúng thành một địa điểm du lịch.

Các ứng cử viên cũng không trả lời câu hỏi về thực trạng xung đột lợi ích của người dân làm ảnh hưởng đến phát triển cơ sở hạ tầng và giải quyết việc này bằng cách bồi thường cho người dân là không đủ mà phải có nhiều biện pháp đem lại lợi ích lâu dài cho người dân.

Cuối cùng, các ứng cử viên cũng đề xuất biện pháp thực thi pháp luật để giải quyết vấn đề môi trường đang rất nhức nhối tại Indonesia hiện nay nhưng việc thực thi pháp luật chỉ là một phần của các chiến lược để bảo vệ và bảo tồn môi trường.

Ngoài ra, một số ý kiến khác cũng cho rằng tại cuộc tranh luận lần này, các ứng cử viên đã không đề cập đến tiềm năng hàng hải của Indonesia. Không ai trong số hai ứng cử viên đề cập đến vấn đề quản lý nghề cá một cách bền vững.

Một vấn đề quan trọng khác nhưng cũng không được hai ứng cử viên đề cập là làm thế nào để cải thiện và nâng cao chất lượng các sản phẩm nông nghiệp, đồn điền, chăn nuôi và thủy sản của Indonesia hiện nay. Vấn đề này nếu không sớm được giải quyết thì sẽ trở thành một trong những rào cản kìm hãm sự phát triển của Indonesia./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục