AIPA-42: Campuchia chú trọng kế hoạch số hóa nền kinh tế và xã hội

Campuchia kêu gọi các quốc gia thành viên ASEAN và AIPA tăng cường tiến trình số hóa - cơ hội quan trọng và cần thiết để khôi phục kinh tế khu vực và phúc lợi xã hội ở “trạng thái bình thường mới."
AIPA-42: Campuchia chú trọng kế hoạch số hóa nền kinh tế và xã hội ảnh 1Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Akka Moha Ponhea Chakrei Heng Samrin. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, ngày 23/8, tại cuộc họp tại Đại hội đồng lần thứ 42 Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA-42) theo hình thức trực tuyến, Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Akka Moha Ponhea Chakrei Heng Samrin nhấn mạnh trong bối cảnh hiện nay, khoa học và công nghệ số đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy hồi phục kinh tế hậu khủng hoảng COVID-19, hướng tới tăng trưởng bền vững kinh tế theo một cách linh hoạt hơn.

Bài phát biểu trong Phiên toàn thể thứ nhất của Đại hội đồng AIPA-42 của Chủ tịch Heng Samrin nhấn mạnh, Chính phủ Campuchia đã triển khai Kế hoạch khung phát triển kinh tế số và xã hội số giai đoạn 2021-2025 nhằm xây dựng một nền kinh tế-xã hội số mạnh mẽ, thúc đẩy cuộc cách mạng số hóa.

Chiến lược này sẽ góp phần đẩy nhanh quá trình hồi phục kinh tế sau khủng hoảng đại dịch COVID-19.

Chủ tịch Quốc hội Campuchia kêu gọi các quốc gia thành viên ASEAN và AIPA tăng cường tiến trình số hóa, một cơ hội quan trọng và cần thiết để khôi phục kinh tế khu vực, cũng như phúc lợi xã hội dựa trên “trạng thái bình thường mới” của cuộc sống.

[AIPA-42: ASEAN vươn lên thành cộng đồng hội nhập và bền vững]

Đại hội đồng AIPA-42 diễn ra từ ngày 23-25/8 dưới sự chủ trì của Chủ tịch AIPA, Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Brunei Pehin Dato Abdul Rahman Taib với chủ đề “Phát triển quan hệ hợp tác nghị viện trong lĩnh vực kỹ thuật số bao trùm hướng tới Cộng đồng ASEAN năm 2025.”

Chiều 23/8, các đại biểu dự Phiên họp toàn thể thứ nhất đã nghe trưởng đoàn các nước thành viên, quan sát viên, khách mời và Tổng Thư ký AIPA, ASEAN phát biểu.

Nhấn mạnh thế giới và khu vực đang phải đối mặt với thách thức đặt ra do virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi, các trưởng đoàn khẳng định đây là thách thức lớn không quốc gia nào có thể đối phó một mình và cho thấy rõ tầm quan trọng của hợp tác quốc tế để ứng phó với những thách thức toàn cầu; đánh giá cao những biện pháp ứng phó kịp thời với đại dịch của Chính phủ các nước trong khu vực.

Theo các trưởng đoàn, COVID-19 là một phép thử lớn đối với sự vững chắc của các quốc gia thành viên ASEAN và đặt ra câu hỏi liệu các nước có thể vượt qua đại dịch, phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian sau đại dịch hay không.

Để cùng nhau vượt qua đại dịch, các trưởng đoàn kêu gọi thúc đẩy hơn nữa hợp tác chia sẻ thông tin để đối phó với sự lây lan của virus, hợp tác nghiên cứu, cung cấp và tiếp cận công bằng về vaccine, thiết bị y tế, thuốc, đồng thời trao quyền nhiều hơn cho các chính phủ để chủ động, linh hoạt ứng phó hiệu quả với dịch bệnh; sớm phê chuẩn các hiệp định thương mại tư do liên khu vực, trong đó có Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giữa 10 quốc gia ASEAN và 5 nước đối tác cho quá trình phục hồi sau đại dịch.

Để đảm bảo quá trình số hóa có tính bao trùm và hợp tác đa phương, các trưởng đoàn cho rằng các nước trong khu vực phải hướng đến và đẩy mạnh quản trị số và quy tắc số.

Trong tiến trình số hóa, các nghị viện thành viên AIPA phải đảm bảo rằng kỹ thuật số bao trùm sẽ giúp góp phần đạt được tầm nhìn Cộng đồng ASEAN năm 2015 tự cường và sáng tạo.

Cũng tại phiên họp, một số trưởng đoàn đã đề cập giải quyết vấn đề Biển Đông và Myanmar thông qua một quá trình đối thoại toàn diện, hợp tác, xây dựng lòng tin, đề cao tuân thủ luật pháp quốc tế, góp phần gìn giữ hòa bình, an ninh, ổn định bền vững ở khu vực...

Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ, Trưởng đoàn Việt Nam và Chủ tịch Quốc hội Singapore Tan Chuan-Jin, Trưởng đoàn Singapore đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục