Cách thủ đô Hà Nội hơn 10.000km, tại kinh đô ánh sáng Paris, tâm điểm của ngày Tết cổ truyền là khu chợ người châu Á ở quận 13. Đây là nơi mà bất cứ người Việt Nam nào khi đặt chân đến Paris cũng đều muốn tìm đến để thưởng thức hương vị phở, bún quê nhà.
Ngày giáp Tết, khu chợ được trang trí rực rỡ hơn, dòng người mua sắm đông đúc với hàng dài xe nối đuôi nhau vào bãi đỗ. Ở đây có đủ hương vị của ngày Tết, từ lá dong gói bánh chưng đến bánh mứt, hoa quả bày cho mâm ngũ quả.
Ngày cuối năm, bà con Việt kiều đi mua sắm Tết với dáng vẻ tất bật, vội vàng, song vẫn phải kiên trì đứng xếp hàng dài chờ thanh toán.
Nằm không xa khu chợ ở quận 13 là chợ Thanh Bình Jeune, khu chợ thuần Việt từ lâu đã nức tiếng Paris với các sản phẩm Việt truyền thống nhập từ trong nước sang. Một không gian chợ quê thuần Việt đã được dựng lên trong khuôn viên chợ để đón bà con đến vui chơi và mua sắm trong dịp Tết.
Ngoài những sản phẩm truyền thống ngày Tết như bánh chưng, bánh tét, củ kiệu, dưa hành, cây nêu, nổi bật trong không gian chợ là khu trưng bày và bán các loại báo Tết được đưa từ trong nước sang. Những tờ báo Tết còn thơm mùi mực in được nhiều Việt kiều lật xem với tâm trạng xốn xang đến lạ. Ở phương trời xa, giờ đây nhờ sự thuận tiện của giao thông, đặc biệt là đường không, các ấn phẩm văn hóa Việt Nam, kể cả băng đĩa nhạc trữ tình trong nước sản xuất, đã xuất hiện ngày một nhiều trong các khu chợ Việt, được đông đảo kiều bào đón nhận.
Trong dòng người tranh thủ mua sắm Tết ngày cuối năm, chúng tôi tình cờ gặp anh Minh, một người bạn ở Courdimanche, ngoại ô Paris. Anh khoe năm nay, có lá dong và lạt từ Việt Nam gửi sang, anh quyết định cùng một số gia đình bạn bè người Việt gói bánh chưng.
Anh Minh cho biết xa quê đã 30 năm rồi, song đây là lần đầu tiên anh và gia đình mới có cảm giác đón Tết với không khí gói, luộc bánh chưng như thời còn ở quê nhà.
Đêm xuống, ngồi canh thùng bánh chưng trong khu vườn nhà rộng đến gần 3.000m2, bên ánh lửa đượm nồng của gỗ thông, những người con xa quê hương càng thấy bồi hồi...
Khi ánh bình minh ló rạng, cũng là lúc lửa đun bánh gần tàn. 40 chiếc bánh chưng cả mặn và ngọt, được vớt ra, ép chặt và được phân phối cho các gia đình. Cầm từng cặp bánh nóng hổi trên tay đem ra xe, ai nấy dù mệt sau một đêm vui chơi, trò chuyện, trông bánh, vẫn cảm thấy háo hức.
Anh Minh tâm sự: "Ở quê nhà mọi thứ có thể đủ đầy, song ở đây, chỉ với việc được cùng nhau gói và trông bánh chưng bên ánh lửa bập bùng cũng khiến lòng những người con xa quê hương được sưởi ấm trong tình yêu thương cộng đồng và bè bạn"./.
Ngày giáp Tết, khu chợ được trang trí rực rỡ hơn, dòng người mua sắm đông đúc với hàng dài xe nối đuôi nhau vào bãi đỗ. Ở đây có đủ hương vị của ngày Tết, từ lá dong gói bánh chưng đến bánh mứt, hoa quả bày cho mâm ngũ quả.
Ngày cuối năm, bà con Việt kiều đi mua sắm Tết với dáng vẻ tất bật, vội vàng, song vẫn phải kiên trì đứng xếp hàng dài chờ thanh toán.
Nằm không xa khu chợ ở quận 13 là chợ Thanh Bình Jeune, khu chợ thuần Việt từ lâu đã nức tiếng Paris với các sản phẩm Việt truyền thống nhập từ trong nước sang. Một không gian chợ quê thuần Việt đã được dựng lên trong khuôn viên chợ để đón bà con đến vui chơi và mua sắm trong dịp Tết.
Ngoài những sản phẩm truyền thống ngày Tết như bánh chưng, bánh tét, củ kiệu, dưa hành, cây nêu, nổi bật trong không gian chợ là khu trưng bày và bán các loại báo Tết được đưa từ trong nước sang. Những tờ báo Tết còn thơm mùi mực in được nhiều Việt kiều lật xem với tâm trạng xốn xang đến lạ. Ở phương trời xa, giờ đây nhờ sự thuận tiện của giao thông, đặc biệt là đường không, các ấn phẩm văn hóa Việt Nam, kể cả băng đĩa nhạc trữ tình trong nước sản xuất, đã xuất hiện ngày một nhiều trong các khu chợ Việt, được đông đảo kiều bào đón nhận.
Trong dòng người tranh thủ mua sắm Tết ngày cuối năm, chúng tôi tình cờ gặp anh Minh, một người bạn ở Courdimanche, ngoại ô Paris. Anh khoe năm nay, có lá dong và lạt từ Việt Nam gửi sang, anh quyết định cùng một số gia đình bạn bè người Việt gói bánh chưng.
Anh Minh cho biết xa quê đã 30 năm rồi, song đây là lần đầu tiên anh và gia đình mới có cảm giác đón Tết với không khí gói, luộc bánh chưng như thời còn ở quê nhà.
Đêm xuống, ngồi canh thùng bánh chưng trong khu vườn nhà rộng đến gần 3.000m2, bên ánh lửa đượm nồng của gỗ thông, những người con xa quê hương càng thấy bồi hồi...
Khi ánh bình minh ló rạng, cũng là lúc lửa đun bánh gần tàn. 40 chiếc bánh chưng cả mặn và ngọt, được vớt ra, ép chặt và được phân phối cho các gia đình. Cầm từng cặp bánh nóng hổi trên tay đem ra xe, ai nấy dù mệt sau một đêm vui chơi, trò chuyện, trông bánh, vẫn cảm thấy háo hức.
Anh Minh tâm sự: "Ở quê nhà mọi thứ có thể đủ đầy, song ở đây, chỉ với việc được cùng nhau gói và trông bánh chưng bên ánh lửa bập bùng cũng khiến lòng những người con xa quê hương được sưởi ấm trong tình yêu thương cộng đồng và bè bạn"./.
Trung Dũng (Vietnam+)