Ấm lòng những hoạt động hỗ trợ người nghèo dịp Tết Nguyên đán

Nhân dịp Tết Nguyên đán, các tổ chức, cá nhân trong cả nước đã tổ chức nhiều hoạt động từ thiện, quà tặng nhằm giúp đỡ những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn được đón Tết đầy đủ.
Ấm lòng những hoạt động hỗ trợ người nghèo dịp Tết Nguyên đán ảnh 1Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S tặng quà cho người có hoàn cảnh khó khăn trong Hội chợ Tết nhân ái Xuân Quý Mão 2023. (Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN)

Nhân dịp Tết Nguyên đán, các tổ chức, cá nhân trong cả nước đã tổ chức nhiều hoạt động từ thiện, quà tặng nhằm giúp đỡ những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn được đón Tết đầy đủ.

Lâm Đồng tổ chức Hội chợ Tết nhân ái tặng 1.000 suất quà cho người nghèo

Ngày 8/1, tại quảng trường Lâm Viên (thành phố Đà Lạt), Hội Chữ thập đỏ tỉnh Lâm Đồng tổ chức khai mạc Hội chợ Tết Nhân ái Xuân Quý Mão 2023 với quy mô 32 gian hàng 0 đồng.

Hội chợ Tết Nhân ái năm nay có các gian hàng gồm lương thực, thực phẩm, bánh mứt… với tổng số 1.000 suất quà có tổng trị giá 1,2 tỷ đồng.

Các gian hàng phục vụ cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách, nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật, bệnh nhân nghèo, người không nơi nương tựa; các gia đình bị ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh thuộc thành phố Đà Lạt và các huyện Lạc Dương, Đức Trọng, Đơn Dương, Lâm Hà, Đạ Huoai.

Bên cạnh việc tổ chức gian hàng 0 đồng, Hội chợ còn có dịch vụ miễn phí cắt tóc, chụp ảnh, đo huyết áp, chăm sóc răng, trò chơi dân gian, biểu diễn văn nghệ, các gian hàng ẩm thực, tặng lịch và phong bao lì xì năm mới 50.000 đồng/người. 

Lâm Đồng là 1 trong 10 tỉnh được Hội Chữ thập đỏ Việt Nam chọn tổ chức mô hình điểm trong chuỗi hoạt động của phong trào Tết Nhân ái Xuân Quý Mão 2023. Phong trào Tết Nhân ái Xuân Quý Mão 2023 tại Lâm Đồng với mục tiêu hỗ trợ ít nhất cho 15.000 lượt người, tổng trị giá 8,5 tỷ đồng.

Trong đó, Hội chợ Tết Nhân ái Xuân Quý Mão 2023 là mô hình sáng tạo không chỉ giúp người hưởng lợi được thụ hưởng về văn hóa, văn nghệ, các trò chơi dân gian, khám, chăm sóc sức khỏe miễn phí, làm đẹp, ẩm thực… mà còn được tham gia mua sắm các gian hàng miễn phí 0 đồng với 1.000 lượt người được hưởng lợi, trị giá mỗi suất quà 1,2  triệu đồng.

Trao tặng 1.600 phần quà cho người khuyết tật và trẻ mồ côi dịp Tết Quý Mão 2023

Chiều 8/1, Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ em mồ côi Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình “Cây mùa Xuân thắp sáng lòng nhân ái lần thứ 22” - Mừng Xuân Quý Mão 2023, trao tặng 1.600 phần quà cho người khuyết tật và trẻ mồ côi. 

Ấm lòng những hoạt động hỗ trợ người nghèo dịp Tết Nguyên đán ảnh 2Nguyên Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trao quà cho người khuyết tật và trẻ em mồ côi thành phố tại chương trình “Cây mùa Xuân thắp sáng lòng nhân ái lần thứ 22”. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Đây là hoạt động thường niên được nhiều người khuyết tật và trẻ mồ côi ở thành phố mong đợi và cũng là một trong những hoạt động trọng tâm của Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ em mồ côi thành phố mỗi khi Tết đến, Xuân về. 

Theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Chủ tịch Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ em mồ côi Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2022 mặt dù gặp nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19 nhưng Hội đã nỗ lực kết nối những trái tim yêu thương từ các mạnh thường quân, đơn vị tài trợ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng các tổ chức đoàn thể thành phố trong việc chăm lo cho trẻ mồ côi và người khuyết tật, nhất là trong dịp Tết 2023. 

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định, chương trình "Cây mùa Xuân thắp sáng lòng nhân ái lần thứ 22” không chỉ mang đậm chất nhân văn, đầy ắp yêu thương mà còn là tình cảm, sự gửi gắm niềm tin yêu chia sẻ của các tổ chức, cá nhân đồng hành chung tay góp sức hỗ trợ từ vật chất đến tinh thần cho những người yếu thế.

“Tuy giá trị vật chất không lớn nhưng mỗi phần quà được trao đi đều xuất phát từ những tấm lòng nhân ái, sự chắt chiu tình cảm của lãnh đạo các cấp ngành, đội ngũ giáo viên, cán bộ nhân viên, công nhân lao động và cả những cô chú nghỉ hưu. Họ đã trích một phần thu nhập của mình với mong muốn mang đến điều tốt đẹp nhất, cho những mảnh đời kém may mắn được vui Xuân, đón Tết,” bà Nguyễn Thị Bích Ngọc chia sẻ.

Qua 22 năm thực hiện chương trình “Cây mùa Xuân thắp sáng lòng nhân ái,” Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ em mồ côi Thành phố Hồ Chí Minh đã vận động và chăm lo cho hơn 40.000 người kém may mắn; đón nhận, tri ân các tổ chức, cá nhân đồng hành giúp cho chương trình nhiều ý nghĩa được lan tỏa tình cảm yêu thương đến với trẻ mồ côi và người khuyết tật; để mỗi năm, người khuyết tật và trẻ mồ côi có điều kiện vui Xuân, đón Tết. 

“Đây chính là sự quan tâm đặc biệt, sự động viên to lớn giúp người khuyết tật và trẻ mồ côi thêm tự tin, vượt qua mặc cảm, phấn đấu học tập, học nghề, chăm chỉ rèn luyện đạo đức, để trở thành công dân tốt, có ích cho xã hội,” bà Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định.

Đồng hành cùng Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ em mồ côi Thành phố Hồ Chí Minh trong nhiều năm qua, bà Lý Lạc Bích Ngọc, Phó Giám đốc Công nghệ Tập đoàn AIG cho đây là hoạt động thiết thực góp sức trao yêu thương cho các hoàn cảnh đặc biệt tại thành phố. Với tiêu chí “giúp mình-giúp người-giúp đời,” Tập đoàn AIG luôn dành một phần ngân sách cho các hoạt động từ thiện, hỗ trợ Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ em mồ côi Thành phố Hồ Chí Minh nhằm chia sẻ khó khăn và mang niềm vui ấm áp, hạnh phúc để tiếp thêm niềm tin, ý chí, nghị lực cho các em.

Với trẻ em mồ côi và người khuyết tật thành phố, chương trình “Cây mùa Xuân thắp sáng lòng nhân ái” hay các chương trình học bổng, trao tặng xe lắc, xe lăn… của Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ em mồ côi Thành phố Hồ Chí Minh không còn xa lạ bởi những hoạt động này đã và đang loan tỏa khắp trong cộng đồng.

Những món quà do nhiều tấm lòng hảo tâm góp lại tiếp thêm niềm tin, nghị lực để trẻ mồ côi, người khuyết tật nỗ lực vượt qua mọi khó khăn; mỗi phần quà Tết là tấm lòng, là sự quan tâm, chia sẻ ấm áp, thân tình đem đến hương vị ngày Tết cho những người yếu thế.

Đón nhận những phần quà Tết năm nay, em Nguyễn Hoàng Huynh, trẻ khiếm thị bẩm sinh đang sinh sống tại mái ấm Thiên Ân, quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh không giấu được niềm vui, hạnh phúc khi nhận được sự quan tâm của các cô chú, lãnh đạo các cấp ngành, các tổ chức, cá nhân, đơn vị tài trợ dành nhiều tình cảm cho trẻ em mồ côi và người khuyết tật.

Theo Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ em mồ côi Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố hiện có khoảng trên 60.000 người khuyết tật, trẻ mồ côi.

Việc quan tâm và động viên kịp thời sẽ giúp họ thêm tự tin, vượt qua mặc cảm, phấn đấu học tập, làm việc, để trở thành công dân tốt, có ích cho xã hội.

Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ niềm vui đón Tết với người nghèo

Sáng 8/1, tại Chùa Minh Đạo, Thành phố Hồ Chí Minh, Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam quang lâm chứng minh, tặng quà khai mạc chương trình “phiên chợ 0 đồng” hỗ trợ người nghèo, người gặp khó khăn trong cuộc sống đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Ấm lòng những hoạt động hỗ trợ người nghèo dịp Tết Nguyên đán ảnh 3Đại đức Thích Minh Ân, trụ trì chùa Minh Đạo tặng quà Tết cho người bán vé số. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết thực hành bố thí, cứu khổ cứu nạn; hoạt động từ thiện, trao tặng và chia sẻ với người khác là một hoạt động Phật sự quan trọng, truyền thống của Phật giáo Việt Nam luôn “đồng hành cùng dân tộc,” luôn phụng sự nhân sinh, tốt đời đẹp đạo.

Đón Tết là tập tục cổ truyền của dân tộc và Phật giáo trao tặng vật phẩm đón Tết vừa là thực hành Phật pháp theo lời dạy của Đức Phật, vừa thể hiện truyền thống nhân ái của dân tộc chia sẻ và mang niềm vui đến với người tàn tật, người nghèo khó trong xã hội.

Vì vậy, không chỉ tăng ni, phật tử tại Thành phố Hồ Chí Minh mà tăng ni, phật tử cả nước luôn đồng tâm thực hiện nhiều chương trình, hoạt động từ thiện xã hội, hỗ trợ người nghèo khó đón Tết cổ truyền để thể hiện trái tim nhân ái của những người con Phật và thể hiện vai trò tốt đẹp của Phật giáo với cuộc sống. 

Theo Đại đức Thích Minh Ân, trụ trì Chùa Minh Đạo, “phiên chợ 0 đồng” với thiết kế không gian gợi nhớ lại phiên chợ quê khi xưa, gồm các gian hàng lều tre, mái lá, trang trí mai, đào đón Tết với các mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu như mì tôm, gạo, rau, củ quả, gia vị, nước mắm, dầu ăn, bánh kẹo, đồ uống, các loại chậu hoa Tết…

“Phiên chợ không đồng” vừa mang lại không khí đón Tết cổ truyền vừa cung cấp, hỗ trợ hàng hóa, nhu yếu phẩm đón Tết cho những người nghèo, người gặp khó khăn trong cuộc sống tại Quận 3 và lân cận. 

Từ nay đến ngày 25 tháng Chạp (ngày 8-16/1), “Phiên chợ 0 đồng” sẽ phục vụ các hộ gia đình nghèo 2-3 đợt mỗi ngày với khoảng 100-150 người/ngày.

Bên cạnh hàng hóa, nhu yếu phẩm, người nghèo, người gặp khó khăn trong cuộc sống khi đến với “phiên chợ 0 đồng” sẽ được nhận một phong bao “lì xì” đón Tết trị giá 200.000 đồng. 

Đại đức Thích Minh Ân cũng chia sẻ bên cạnh việc triển khai Phiên chợ không đồng, Chùa Minh Đạo sẽ phối hợp cùng các chùa, cơ sở tự viện Phật giáo khác trong toàn thành phố tiếp tục tham gia các chương trình từ thiện-xã hội trong dịp đón Tết do Mặt trận Tổ quốc phát động như thăm, tặng quà đối tượng chính sách trên địa bàn; triển khai tổ chức các hoạt động đón Tết truyền thống tại chùa, cơ sở tự viện. 

Đã thành truyền thống, trong các dịp đón Tết cổ truyền, các cơ sở tự viện trên toàn thành phố đồng loạt triển khai các hoạt động từ thiện nhân đạo như trao tặng quà Tết, tổ chức “siêu thị 0 đồng,” “phiên chợ 0 đồng”… cho các hộ gia đình nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. 

Ngày 5/1 vừa qua,  Ban Trị sự-Ban Từ thiện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố đã triển khai chương trình “Xuân yêu thương - 2023,” trao tặng 1.200 phần quà Tết cho người nghèo khó hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Quận 10.  

Tại các chùa, cơ sở tự viện ở các quận, huyện, thành phố Thủ Đức cũng đã và đang tiếp tục có nhiều hoạt động từ thiện nhân đạo nhân dịp đón Tết Nguyên đán Quý Mùi, như các tăng ni tại các tự viện Quận 6 như tịnh xá Lộc Uyển, tịnh xá Trung Tâm, tịnh xá Ngọc Lâm, chùa Bồ Đề Lan Nhã đã trao tặng 1.200 phần quà (mỗi phần trị giá 300.000-400.000 đồng/phần) cho người nghèo đón Tết; chùa Huê Nghiêm, thành phố Thủ Đức tặng 200 phần quà Tết cho bà còn có hoàn cảnh khó khăn.

Mới đây nhất, ngày 7/1, Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Củ Chi tổ chức chương trình “hạt gạo từ bi” tặng quà chăm lo Tết cho 4.600 người nghèo trên địa bàn.

Chăm lo Tết cho người dân có hoàn cảnh khó khăn ở Đắk Lắk

Nhằm triển khai các hoạt động an sinh xã hội, giúp người dân có hoàn cảnh khó khăn vui Xuân, đón Tết, những ngày này, các sở, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hội đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều hoạt động chăm lo Tết cho người nghèo.

Ấm lòng những hoạt động hỗ trợ người nghèo dịp Tết Nguyên đán ảnh 4Sinh viên, người dân Đắk Lắk có hoàn cảnh khó khăn mua sắm tại Siêu thị mini Tết 0 đồng. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

Trong hai ngày 7- 8/1, Tỉnh đoàn Đắk Lắk phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ tỉnh và đơn vị tài trợ tổ chức chương trình "Siêu thị mini Tết 0 đồng."

Chương trình diễn ra tại thành phố Buôn Ma Thuột và thị xã Buôn Hồ. Đến chương trình, mỗi hộ dân nghèo, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được nhận một tấm phiếu mua hàng trị giá 500.000 đồng để mua các mặt hàng nhu yếu phẩm như đường, sữa, gạo, mì tôm, nước ngọt, bánh kẹo tết…

Ngoài ra, tại siêu thị mini Tết 0 đồng còn diễn ra các hoạt động như vui Tết dân gian, hái lộc đầu Xuân.

Chị Trần Thảo Vy, đại diện Ban Tổ chức chương trình cho biết siêu thị mini Tết 0 đồng tại tỉnh Đắk Lắk dành 800 phiếu mua hàng miễn phí tặng người dân nghèo, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Trong đó, tại thành phố Buôn Ma Thuột, người dân tự mua sắm các mặt hàng thiết yếu dùng cho gia đình dịp Tết; còn tại thị xã Buôn Hồ, Ban Tổ chức phát trực tiếp cho người dân.

Danh sách người dân, học sinh, sinh viên do Tỉnh đoàn Đắk Lắk liên hệ các xã, phường, thị trấn, trường học để rà soát, lập danh sách nhằm đảm bảo đúng ý nghĩa chương trình, đúng đối tượng, phát huy tính nhân văn cao cả của "siêu thị Tết mini 0 đồng."

Cũng trong hai ngày 7-8/1, Hội Doanh nhân thành phố Buôn Ma Thuột tổ chức khai mạc “Phiên chợ Xuân hạnh phúc” năm 2023 và lễ khai trương khu trưng bày sản phẩm.

Phiên chợ có sự tham gia của 20 gian hàng trưng bày, giới thiệu ý tưởng, dự án, sản phẩm khởi nghiệp, sản phẩm OCOP. Theo yêu cầu của ban tổ chức, các sản phẩm tham gia phiên chợ phải có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, sử dụng nguyên liệu thân thiện môi trường.

“Phiên chợ Xuân hạnh phúc” năm 2023 nhằm tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm hàng hóa đặc trưng, nông sản chủ lực của tỉnh Đắk Lắk, tiếp tục tạo động lực và lan tỏa tinh thần khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân; tạo cơ hội để hội viên hội doanh nhân thành phố Buôn Ma Thuột giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, kết nối giao thương. 

Phiên chợ Xuân hạnh phúc năm 2023 và Khu trưng bày sản phẩm được kỳ vọng là địa chỉ giúp nhân dân mua sắm những mặt hàng an toàn, chất lượng, giá ưu đãi để sử dụng trong dịp Tết, về lâu dài sẽ trở thành điểm phục vụ nhu cầu mua sắm của khách du lịch khi đến thành phố Buôn Ma Thuột.

Trước đó, ngày 6-7/1, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Lắk phối hợp với đơn vị tài trợ tổ chức các đoàn đi thăm, trao tặng 2.000 suất quà (trị giá 600 ngàn đồng/suất) cho hộ nghèo, người dân có hoàn cảnh khó khăn ở các huyện Lắk, Krông Bông, Buôn Đôn, Ea Súp. 

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Lắk Y Giang Gry Niê Knơng cho biết, thông qua hoạt động đi thăm, tặng quà nhằm phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các thành viên, đặc biệt là nhà hảo tâm trong việc chung tay chăm lo Tết cho người dân có hoàn cảnh khó khăn; qua đó thể hiện sự quan tâm, sẻ chia và giúp người dân có hoàn cảnh khó khăn thêm động lực, thêm niềm vui để vui Xuân, đón Tết; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, động viên nhân dân tích cực giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội trước, trong và sau Tết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục