Âm thanh, ánh sáng mở ra chiều không gian mới cho Tháp nước Hàng Đậu

Các nhà thiết kế đưa âm thanh vang vọng của nước và màu sắc bắt mắt vào công trình để khuyếch đại không gian cao lớn của công trình, tạo ra chiều kích mới về cảm giác cho khách tham quan.

Người dân xếp hàng dài ngoài Tháp nước để được vào tham quan. (Ảnh: Huyền Phương/Vietnam+)
Người dân xếp hàng dài ngoài Tháp nước để được vào tham quan. (Ảnh: Huyền Phương/Vietnam+)
8b5487f4220ef450ad1f.jpg
Một cao niên khám phá không gian bên trong Tháp nước Hàng Đậu. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Sáng ngày 17/11, Tháp nước Hàng Đậu đã chính thức mở cửa đón khách tham quan sau nhiều ngày được mong chờ. Ước tính đã có khoảng 200 khách tham quan bao gồm đại biểu của sự kiện và người dân đã đến trong khung giờ sáng từ 9 giờ tới gần 11 giờ.

Không gian nghệ thuật trong tháp được sắp đặt tương đối đơn giản: Lối đi độc đạo bằng các ván gỗ dẫn một vòng quanh công trình, có hệ thống đèn led để chiếu sáng, vật trang trí được treo từ trên trần, hệ thống mặt nước và hệ thống âm thanh đơn giản.

Dưới đất, nước chảy róc rách xuống các vũng nước đọng và chum nước. Tiếng nước được khuếch đại bằng loa đồng thời được cộng hưởng với tiếng nước giả. Âm thanh của nước vang vọng trong Tháp nước tạo ra một không gian sáng tạo riêng, rộng và sâu hơn.

nước_tháp nước hàng đậu.png
Mic khuyếch đại tiếng nước nhỏ xuống. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
003d0eb99043461d1f52 (1).jpg
Một góc triển lãm được chiếu sáng bằng hệ thống đèn led. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Coi nơi đây giống như “không gian thiêng, đền thờ của nước,” họa sỹ Nguyễn Đức Phương một trong ba nhà thiết kế không gian - đã quyết định hướng đi của mình.

“Tôi đã thử tư duy bằng nhiều phương pháp gồm hình ảnh, tiếng động, âm nhạc… Cuối cùng tôi chọn âm thanh, vì nó có thể đưa người ta tới những chiều không gian lớn và mênh mông,” ông Nguyễn Đức Phương chia sẻ.

Việc dùng âm thanh để khuếch tán không gian thường được áp dụng ở các nhà triển lãm, không gian nghệ thuật khác nhằm tăng cảm giác sâu lắng và đậm đặc. Khách tham quan nên chọn khung giờ vắng để có cảm nhận thính giác trọn vẹn.

Bên trong công trình có 8 khoang lớn phía ngoài và 4 khoang nhỏ bên trong. Từ trên trần, các nhà thiết kế treo loạt vật trang trí được tái chế từ rác thải đô thị. Về mặt thị giác, mỗi vật trang trí có nhiều màu khi được ánh Mặt Trời chiếu qua sẽ tạo hiệu ứng tán sắc đẹp mắt.

9d1e451dd8e70eb957f6 (1).jpg

Theo các nghệ sỹ thiết kế không gian, sắp đặt nghệ thuật được đặt trong 6 khoang chính, đại diện cho “lục thủy” theo quan niệm Á Đông. Lục thủy tượng trưng cho 6 nguồn nước trong tự nhiên: Nước sông, nước trong khe, nước suối, nước mưa, nước ngầm và nước biển. Qua sự kiện, các nhà thiết kế kỳ vọng gửi gắm thông điệp về tầm quan trọng của nước trong đô thị.

Du khách đến với Tháp nước Hàng Đậu phần lớn là người cao niên, trung niên đã quen thuộc với công trình. Họ tò mò với không gian bên trong một tòa tháp lớn, sừng sững, đã tồn tại từ hàng trăm năm.

“Trước hết, Tháp nước gây tò mò vì đã tồn tại nhiều năm nhưng luôn đóng cửa im lìm. Nếu có thêm những công trình cổ, nhà máy cũ được mở cửa tham quan thì rất đáng hoan nghênh vì Hà Nội còn nhiều ‘ngóc ngách’ mà không phải ai cũng biết. Chính chúng làm nên sự hấp dẫn riêng cho Thủ đô chứ không chỉ những gì đã xuất hiện thường xuyên trên đài báo quốc tế” ông Hoàng Văn Tân (phường Chương Dương) nhận xét sau khi vào thăm bên trong.

Do công trình từng nằm đóng cửa quá lâu, quanh Tháp nước thường xuyên bị người dân xả rác, phóng uế. Theo phản ánh của người dân sinh sống gần đây, sáng sớm trước giờ khai mạc vẫn có người tới tiểu bậy và đơn vị tổ chức đã phải xử lý lập tức. Được nhiều người coi như một trong các di sản của Hà Nội, vệ sinh quanh và trong Tháp nước cần đặc biệt được chú ý cả trong lẫn sau sự kiện.

4d436d38c8c21e9c47d3.jpg
Biển tên Tháp nước Hàng Đậu bên ngoài công trình. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)

Mở cửa Tháp nước Hàng Đậu là hoạt động thuộc khuôn khổ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Tạp chí Kiến trúc và nhiều đơn vị khác phối hợp thực hiện. Thời gian mở cửa tháp là 9-17 giờ mỗi ngày, từ 17-26/11.

Do Tháp nước hiện do Tổng Công ty Nước sạch Hà Nội quản lý, thuộc Sở Xây dựng Hà Nội, nên việc tổ chức hoạt động liên quan Tháp nước phải được Sở này đồng ý. Sau ngày 26/11, Tháp nước sẽ lại đóng cửa trước khi có dự án mới (nếu có).

Tháp nước Hàng Đậu vốn được xây dựng năm 1984 trong thời Pháp thuộc. Nằm ở khu vực trung tâm thành phố (giao điểm Hàng Giấy, Phan Đình Phùng, Quán Thánh, Hàng Than), lại là công trình cao lớn, Tháp nước đã trở nên quen thuộc với nhiều thế hệ đặc biệt là bậc cao niên và trung niên.

Đối diện tháp nước là Bốt Hàng Đậu hay “sở cẩm” (đồn trú của binh lính, cảnh sát Pháp khi xưa). Nhiều người hay gọi nhầm Tháp nước Hàng Đậu là Bốt Hàng Đậu. Có ý kiến cho rằng có thể do Tháp nước sở hữu cấu trúc kiên cố, cao lớn như lô cốt đồng thời tương đối gần Bốt mà dẫn đến nhầm lẫn này. Nay Bốt Hàng Đậu là trụ sở Công an quận Hoàn Kiếm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục