Ấn Độ là nhà cung cấp các sản phẩm dầu mỏ tinh chế lớn thứ hai của EU

Theo hãng tin RIA Novosti, EU đã nhập khẩu 7,9 triệu tấn sản phẩm dầu mỏ tinh chế của Ấn Độ trong giai đoạn từ tháng 1-9/2023, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái và gấp ba lần so với năm 2021.

Ảnh minh họa.(Nguồn: TTXVN)
Ảnh minh họa.(Nguồn: TTXVN)

Theo số liệu chính thức của Cơ quan Thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat), Ấn Độ đã trở thành nhà cung cấp các sản phẩm dầu mỏ tinh chế lớn thứ hai của Liên minh châu Âu (EU) trong năm 2023, sau Saudi Arabia.

Theo hãng tin RIA Novosti, EU đã nhập khẩu 7,9 triệu tấn sản phẩm dầu mỏ tinh chế của Ấn Độ trong giai đoạn từ tháng 1-9/2023, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái và gấp ba lần so với năm 2021. Dự trữ dầu của EU hiện đã đáp ứng tiêu chí đạt tối thiểu 90 ngày nhập ròng, nhưng chủ yếu là dầu thô.

Khối lượng sản phẩm dầu mỏ tinh chế năm nay đã đưa Ấn Độ từ vị trí thứ sáu vào năm 2022 lên vị trí thứ hai vào năm 2023 với Pháp, Hà Lan và Italy ( là ba nước nhập khẩu lớn nhất.

Trước đó, Ủy ban châu Âu (EC) ngày 20/11 thông báo gia hạn thêm sáu tháng đối với kế hoạch cho phép các quốc gia thuộc EU hỗ trợ những doanh nghiệp bị tác động bởi giá năng lượng tăng vọt, sau khi xung đột ở Ukraine xảy ra.

Biện pháp tạm thời trên sẽ được kéo dài đến tháng 6/2024, theo đó cho phép 27 quốc gia thành viên EU cung cấp nhiều hình thức hỗ trợ tài chính để bù đắp cho các công ty bị tác động bởi chi phí cho điện và khí đốt tăng cao.

EC nêu rõ các quốc gia thành viên có thể duy trì các chương trình hỗ trợ của mình cho tới sau giai đoạn mùa Đông sắp tới như một biện pháp bảo vệ an sinh. Tuy nhiên, Brussels quy định rằng trợ cấp chỉ được phép trong trường hợp giá năng lượng vượt quá cao so với mức trước khủng hoảng.

Những điều chỉnh nêu trên sẽ cho phép các quốc gia thành viên EU mở rộng những chương trình hỗ trợ, đồng thời đảm bảo các công ty vẫn chịu ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng sẽ không bị cắt khỏi những biện pháp hỗ trợ cần thiết trong giai đoạn mùa Đông.

Trong khi đó, lượng tồn kho khí đốt cao kỷ lục của châu Âu tiếp tục gia tăng do thời tiết ấm áp đầu mùa Thu làm giảm nhu cầu sưởi ấm, trong khi giá nhiên liệu cao đã hạn chế phần nào nhu cầu sử dụng trong ngành công nghiệp. Tuy nhiên, giá khí đốt kỳ hạn giao vào thời kỳ cao điểm của mùa Đông (tháng 1/2024) đã bắt đầu giảm do lượng tồn kho kỷ lục./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục