Ấn Độ nghĩ gì nếu Nga và Trung Quốc bắt tay hợp tác?

New Delhi từ lâu đã duy trì quan điểm, nước này cần một mối quan hệ gần gũi với Moskva để kiểm soát mối quan hệ Nga-Trung, nhưng cách tiếp cận này dường như không có nhiều hiệu quả.
Ấn Độ nghĩ gì nếu Nga và Trung Quốc bắt tay hợp tác? ảnh 1(Nguồn: BRICS Journal)

Trang mạng Daily O mới đây đăng bài viết "Ấn Độ lo sợ gì nếu Nga-Trung Quốc hợp tác?" của học giả Harsh V Pant - Giám đốc Quỹ nghiên cứu các nhà quan sát ORF của Ấn Độ.

Nội dung bài viết như sau:

Ngày 11/9, Nga và Trung Quốc đã tổ chức cuộc tập trận quân sự chung lớn nhất kể từ thời Xô Viết mang tên “Vostok-2018."

Vào ngày hôm đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã đến Nga để tham dự Diễn đàn Kinh tế Phương Đông (EEF) ở Vladivostok và cùng Tổng thống Nga Vladimir Putin thưởng thức bánh kẹp với trứng cá muối và các loại rượu vodka. Hai nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc muốn gửi thông điệp tới Mỹ và phương Tây rằng họ đã chính thức bắt tay với nhau.

Chiến lược quốc phòng

Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố rằng khoảng 300.000 binh sỹ đã tham gia tất cả các giai đoạn của cuộc tập trận kéo dài 5 ngày cùng với máy bay trực thăng và nhảy dù của bộ binh Nga.

Mặc dù trước đó các lực lượng Nga và Trung Quốc đã tổ chức nhiều cuộc tập trận đa quốc gia, chủ yếu dưới sự bảo trợ của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), nhưng việc Trung Quốc cử 3.200 quân cùng với 30 máy bay tham gia cuộc tập trận tại Nga lần này có một ý nghĩa chiến lược hoàn toàn mới.

Trong khi cuộc tập trận năm ngoái mang tên Zapad 2017 tập trung vào biên giới phía Tây của Nga giáp NATO thì cuộc tập trận năm nay đã chứng kiến Nga và Trung Quốc cùng phối hợp tại một khu vực không xa địa điểm mà Trung Quốc và Liên Xô đã có cuộc chiến tranh biên giới năm 1969.

[Mega Story] Quan hệ Nga-Ấn Độ và thước đo lòng tin chiến lược

Tất nhiên, Mỹ có lẽ đã theo dõi sát sao động thái của cuộc tập trận Nga-Trung lần này vì nó diễn ra chỉ vài tháng sau khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chiến lược quốc phòng mới, trong đó nhấn mạnh “cạnh tranh chiến lược” với Nga và Trung Quốc trong bối cảnh quan hệ của Mỹ với cả hai nước này đã xấu đi theo các biện pháp trừng phạt xoắn ốc.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis đã chỉ trích cuộc tập trận Nga-Trung lần này, song ông cho rằng về lâu dài có rất ít tín hiệu hai nước sẽ đồng hành cùng nhau.

Về phần mình, biện minh cho cuộc tập trận, Tổng thống Putin nhấn mạnh rằng Nga là “một đất nước yêu chuộng hòa bình” và sẵn sàng bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích quốc gia. Đồng thời, ông còn cam kết hỗ trợ cho các đồng minh của Nga.

Trung Quốc ngày nay đã nổi lên là một đối tác quan trọng của Nga mặc dù hai nước vẫn có những khác biệt ở một số khía cạnh nhất định. Khi quan hệ với phương Tây xấu đi, Nga đã xích lại gần hơn với Trung Quốc trong hợp tác thương mại và quân sự, điều ít ai có thể nghĩ tới chỉ vài năm trước đây.

Đầu tư của Trung Quốc vào Nga tăng mạnh. Nga là nhà cung cấp dầu lớn nhất cho Trung Quốc và có khả năng là nguồn cung cấp tài nguyên thiên nhiên lớn nhất trong năm tới. Vào thời điểm mối quan hệ thương mại của Nga với hầu hết các quốc gia đang có dấu hiệu xấu đi, Trung Quốc là một điểm sáng hiếm có.

Kinh nghiệm hạn chế

Đối với Trung Quốc, có nhiều điều để học hỏi từ kinh nghiệm hoạt động của Nga trong chiến tranh. Mặc dù hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc đã đưa Nga tụt lại xa phía sau nhưng kinh nghiệm thực chiến của Trung Quốc là khá hạn chế. Kinh nghiệm của Nga trong cuộc xung đột Syria, nơi Nga đã định hình chiến tranh thông tin và kết hợp các kỹ thuật chiến tranh vũ trang là điều mà các tướng lĩnh quân đội Trung Quốc đặc biệt chú ý.

Tại cuộc tập trận “Vostok-2018,” Thiếu tướng Shao Yuanming - Phó Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu liên hợp Quân ủy Trung ương Trung Quốc đã khẳng định quân đội Nga có rất nhiều kinh nghiệm trong thực chiến và việc học hỏi kinh nghiệm từ quân đội Nga là rất hữu ích đối với Trung Quốc.

Với việc Trung Quốc tham gia cuộc tập trận tại khu vực Viễn Đông này, Nga rõ ràng không coi Bắc Kinh là mối đe dọa khu vực trong ngắn hạn và trung hạn, khác hẳn với quan điểm của Moskva trước đó. Nga và Trung Quốc không phải là đồng minh nhưng mối quan hệ của họ phát triển đến mức có thể tổ chức cuộc tập trận chung quy mô xuất phát từ mối đe dọa của Mỹ và phương Tây.

Thách thức thực sự

Tuy nhiên, hai nước có những giới hạn trong quan hệ đối tác này. Cả Nga và Trung Quốc đều độc lập trong cách đối phó với chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trung Quốc quan tâm đến việc ổn định quan hệ kinh tế với Mỹ trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đối mặt những ảnh hưởng bất lợi sau các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Trung Quốc không quan tâm nhiều đến việc mở rộng phạm vi tranh chấp với Mỹ bằng cách ủng hộ Nga trong cuộc đối đầu với NATO.

 

Nhưng nếu chỉ nhìn vào quan hệ Nga-Trung chủ yếu thông qua lăng kính của những hạn chế là một thiếu sót và bỏ qua điểm chính. Việc hai nước phát triển mối quan hệ đến mức cùng tham gia vào các cuộc tập trận chung là một thực tế nhấn mạnh bản chất phát triển nhanh chóng của mối quan hệ này.

Đối với Ấn Độ, điều này đặt ra một thách thức thực sự. New Delhi từ lâu đã duy trì quan điểm rằng nước này cần một mối quan hệ gần gũi với Moskva để kiểm soát mối quan hệ Nga-Trung. Nhưng cho đến nay cách tiếp cận Nga của Ấn Độ dường như không có tác động đáng kể nào lên mối quan hệ năng động Nga-Trung Quốc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục