Ấn Độ thông báo nội dung đàm phán với Trung Quốc về vấn đề biên giới

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết hai bên đã trao đổi quan điểm về việc rút lui khỏi tất cả các điểm xung đột dọc theo LAC ở phía Tây của khu vực biên giới.
Ấn Độ thông báo nội dung đàm phán với Trung Quốc về vấn đề biên giới ảnh 1Xe quân sự di chuyển tới khu vực ở Ladakh, nơi có Đường kiểm soát thực tế (LAC) phân giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ, ngày 15/9. (Ảnh: Reuters/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Anurag Srivastava ngày 12/11 cho biết Ấn Độ và Trung Quốc đã có các cuộc đàm phán "thẳng thắn, sâu sắc và mang tính xây dựng" để giải quyết căng thẳng biên giới kéo dài 7 tháng qua tại Đường kiểm soát thực tế (LAC).

Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ, ông Srivastava cho biết hai bên đã trao đổi quan điểm về việc rút lui khỏi tất cả các điểm xung đột dọc theo LAC ở phía Tây của khu vực biên giới.

Ông Srivastava cũng cho biết hai bên đồng ý duy trì đối thoại và liên lạc thông qua các kênh quân sự và ngoại giao để thúc đẩy giải quyết các vấn đề tồn đọng khác, cũng như nhất trí sớm có một cuộc họp tiếp theo.

[Ấn Độ-Trung Quốc tiến hành vòng đàm phán quân sự cấp cao tiếp theo]

Theo kế hoạch được các chỉ huy quân sự của hai nước đưa ra thảo luận, hai bên sẽ rút quân khỏi khu vực hồ Pangong Tso tranh chấp và thành lập một vùng đệm.

Ngoài ra, quân đội Trung Quốc cũng sẽ dở bỏ các cấu trúc quân sự được xây dựng trên một số mỏm đồi quay ra hồ Pangong Tso, cũng như rút quân khỏi đây.

Trước đó hôm 31/10, Ngoại trưởng Ấn Độ S Jaishankar phát biểu quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc đang ở trong tình trạng “căng thẳng nghiêm trọng” và các thỏa thuận mà hai bên đã đạt được trong những năm qua phải được tôn trọng để khôi phục lại tình trạng bình thường.

Căng thẳng biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã leo thang trở lại hồi đầu tháng 5 vừa qua trong bối cảnh cảnh hai bên đã tăng cường thêm hàng nghìn binh sỹ và nhiều vũ khí hạng nặng tại biên giới.

Suốt hơn 80 năm qua, hai nước vẫn luôn mâu thuẫn về tuyến biên giới dài gần 3.500km dọc dãy Himalaya, và đụng độ vẫn thường xảy ra do các tuyên bố chồng lấn.

Hơn 20 vòng đàm phán vẫn chưa thể đưa hai quốc gia đông dân nhất thế giới này đến đồng thuận về vấn đề biên giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục