Tương đồng trong chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông và Himalaya

Có ý kiến cho rằng "bằng việc tuyên bố Biển Đông là lợi ích quốc gia cốt lõi, đặt nó lên ngang hàng với Tây Tạng và Đài Loan, Bắc Kinh đã khơi mào một yêu sách lãnh thổ khác.
Tàu cảnh sát biển Việt Nam giám sát một tàu hải cảnh cảu Trung Quốc hoạt động trái phép tại Biển Đông. (Nguồn: Reuters)
Tàu cảnh sát biển Việt Nam giám sát một tàu hải cảnh cảu Trung Quốc hoạt động trái phép tại Biển Đông. (Nguồn: Reuters)

Dường như Trung Quốc đã rút một lá từ ván bài Biển Đông và quyết định sử dụng con bài này tại dãy Himalaya để đối đầu với Ấn Độ. Tương tự, Trung Quốc cũng có những dự định, hành động gây hấn với Ấn Độ mà một số dự định đó đang được thực hiện trên Biển Đông.

Đây là nhận định của Tiến sỹ Vijay Sakhuja, đăng trên trang mạng của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách công (CPPR), VietnamPlus xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Trước tiên phải nói đến căng thẳng hiện nay giữa Ấn Độ và Trung Quốc tại dãy Himalaya. Căng thẳng bắt đầu từ tháng 5 vừa qua, sau khi Quân đội Nhân dân Trung Quốc (PLA) vượt qua Đường kiểm soát thực tế (LAC) tại một số điểm theo dọc biên giới thực tế dài 3.500km giữa hai quốc gia.

Sau đó, tại đây đã nổ ra một cuộc giao tranh không sử dụng vũ khí nóng, khiến 20 binh sỹ Ấn Độ và 1 binh sỹ Trung Quốc chưa rõ danh tính thiệt mạng. Trước đây, Ấn Độ đã chiến đấu chống lại Trung Quốc trong cuộc chiến tại dãy Himalaya hồi năm 1962.

[Thời báo Hoàn cầu: Ấn Độ lợi bất cập hại khi mâu thuẫn với Trung Quốc]

Nhiều cuộc xâm nhập đã thường xuyên diễn ra tại các điểm dọc biên giới chưa phân định để thể hiện các tuyên bố chủ quyền gây tranh cãi. Ấn Độ và Trung Quốc cũng có nhiều cuộc đụng độ quân sự, lần cuối cùng là vụ việc tại cao nguyên Doklam vào năm 2017 kéo dài hơn 70 ngày.

Điều này đã thúc đẩy Ấn Độ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nhằm nâng cao năng lực quân sự dọc LAC cũng như tại một số điểm giao cắt.

Thách thức đối với nguyên trạng

Có nhiều bằng chứng cho thấy Trung Quốc không ngừng theo đuổi chiến lược nhằm thay đổi nguyên trạng trên dãy Himalaya và tại Biển Đông. Trung Quốc đã sử dụng nhiều biện pháp, bao gồm cưỡng chế quân sự một cách không do dự, kết quả dẫn tới việc đánh mất niềm tin của các nước láng giềng.

Sách Trắng Quốc phòng Nhật Bản khẳng định "Trung Quốc đang tiến tới quân sự hoá, cũng như mở rộng và tăng cường các hoạt động trên lĩnh vực hàng hải, hàng không, theo đó tiếp tục các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng bằng cách ép buộc để tạo ra tình thế việc đã rồi."

Tương tự, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ấn Độ bày tỏ quan ngại rằng cuộc xâm nhập vào thung lũng Galwan là "một nỗ lực của Trung Quốc nhằm đơn phương thay đổi nguyên trạng." Quân đội Ấn Độ cũng đã cảnh báo rằng những vụ việc tương tự Doklam (2017) và Galwan (2020) có khả năng "gia tăng" trong tương lai.

Lợi ích cốt lõi

Việc Trung Quốc nêu rõ "lợi ích cốt lõi," bao gồm vấn đề Đài Loan, Biển Đông, Tây Tạng đã gửi những tín hiệu tiêu cực tới Ấn Độ và các nước thành viên ASEAN. Ví dụ, có ý kiến cho rằng: "Bằng việc tuyên bố Biển Đông là lợi ích quốc gia cốt lõi, đặt nó lên ngang hàng với Tây Tạng, Bắc Kinh đã khơi mào một yêu sách lãnh thổ khác. Nếu không gặp trở ngại, Trung Quốc sẽ dần dần khiến vấn đề được cộng đồng quốc tế công nhận trên thực tế."

Thực ra, Trung Quốc cũng đã có những tuyên bố định kỳ về Tawang trên các phương tiện truyền thông của nước này. Vào năm 2009, tờ Thời báo Toàn cầu (The Global Times) đã đánh giá chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh tới Arunachal Pradesh là "động thái khiêu khích và nguy hiểm," cảnh báo rằng Ấn Độ sẽ "phạm phải một sai lầm chết người nếu nhầm lẫn rằng cách tiếp cận của Trung Quốc là mềm yếu."

Thậm chí, tờ thời báo này còn cho rằng Ấn Độ sẽ "chỉ" phải từ bỏ Cao nguyên Aksai Chin ở Ladakh và Tawang, và sau đó vấn đề biên giới sẽ được giải quyết.

Giống như vậy, Biển Đông là "lợi ích quốc gia cốt lõi" của Việt Nam, Philippines và những nước tranh chấp khác, nơi khu vực là trung tâm của phát triển kinh tế và tính toán địa chiến lược.

Ví dụ, việc Trung Quốc điều 40 tàu hải quân để quấy rối hoạt động thăm dò dầu khí hợp pháp của Việt Nam.

Biển Đông cũng tạo cho Hà Nội sức mạnh chiến lược, đồng thời nâng cao vị thế của Việt Nam trong đàm phán với các cường quốc có lợi ích liên quan tại khu vực.

Lát cắt Salami

Các hành động gây hấn của Trung Quốc tại Biển Đông trong gần hai thập kỷ vừa qua và chiến thuật "lát cắt salami," chiến thuật mà dần dần đạt được mục đích "thông qua các hành động nhỏ nhưng dai dẳng kéo dài" để "có sự hiện diện lâu dài tại nơi tuyên bố chủ quyền" là rất đáng chú ý.

Tại Biển Đông, Trung Quốc tỏ ra thờ ơ và xem thường Phán quyết năm 2016 của Toà Trọng tài Thường trực (PCA) tại Hague trong vụ kiện của Philippines; thách thức các quyền kinh tế theo Công ước về Luật biển của Liên hợp quốc (UNCLOS) 1982 của các nước tranh chấp khác; cảnh cáo quyền quá cảnh của tàu biển và máy bay; trì hoãn việc hoàn thiện Bộ quy tắc ứng xử (COC).

Đây là những diễn biến trên địa và Trung Quốc hy vọng sẽ "thiết lập sự công nhận trên thực tế và về mặt pháp lý đối với các yêu sách của mình."

Ở Ấn Độ, có một niềm tin mãnh liệt cho rằng Trung Quốc đang theo đuổi chiến lược "lát cắt salami" tại dãy Himalaya. Năm 1951, Trung Quốc sáp nhập Tây Tạng và đóng quân vĩnh viên trên biên giới với Ấn Độ.

Năm 1962, Trung Quốc gây chiến với Ấn Độ, chiếm Aksai Chin, đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với gần 90.000km­­2 tại Arunachal Pradesh; chiếm đóng gần 43.000km2 lãnh thổ của Ấn Độ tại Jammu và Kashmir; chiếm đóng 5.000 km2 lãnh thổ tại Kashmir do Pakistan kiểm soát (POK) vào năm 1963 thông qua một "thoả thuận nhượng bộ" với Pakistan để đổi lấy việc xây dựng Xa lộ Hữu nghị Karakoram.

Hợp tác kinh tế nhưng thái độ gây hấn

Một khía cạnh khác trong chiến lược của Trung Quốc nhằm đối phó với các đối thủ là khuyến khích hợp tác kinh tế song song với việc trì hoãn giải quyết các vấn đề gây tranh cãi như tranh chấp biên giới/tuyên bố chủ quyền, đồng thời đưa ra sự đảm bảo giả tạo về hoà bình, ổn định.

Trung Quốc đã ký kết Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ASEAN (TAC). Nội dung cốt lõi của TAC là không sử dụng vũ lực trong giải quyết các xung đột có thể xảy ra giữa các bên ký kết. Việc Trung Quốc ký kết TAC hồi năm 2003 được coi là cam kết của nước này trong duy trì nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, tuy nhiên cam kết này đang bị đe doạ.

Trung Quốc đã gây ra sự hoài nghi do chính các hành động của nước này liên quan đến vấn đề tranh chấp chủ quyền với các nước tranh chấp khác.

Về phía Ấn Độ, Ấn Độ và Trung Quốc đã ký Thoả thuận duy trì hoà bình và sự tĩnh lặng dọc biên giới (BPTA) vào năm 1993 và Thoả thuận về các biện pháp xây dựng lòng tin trong lĩnh vực quân sự vào năm 1996 để hạ nhiệt căng thẳng.

Mặc dù quân đội cả hai nước đã rút khỏi tiền tuyến, nhưng việc PLA liên tục xâm nhập biên giới, đồng thời xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự, bao gồm việc triển khai tên lửa chiến lược để hỗ trợ hoạt động quân sự đã góp phần làm xói mòn lòng tin bên phía Ấn Độ; Ấn Độ ngày càng lo ngại về các dự định chiến lược của Bắc Kinh, nhất là sự phát triển quân sự của Trung Quốc trên dãy Himalaya.

Cuối cùng, Trung Quốc đã khéo léo trì hoãn giải quyết tranh chấp biên giới với Ấn Độ và COC với ASEAN, đồng thời củng cố vị thế chính trị, kinh tế và quân sự của mình. Ý tưởng "Tầm nhìn chung thế kỷ 21" với Ấn Độ và ASEAN do Trung Quốc khởi xướng sẽ vẫn là một ẩn số và tiếp tục là dấu hỏi cho cộng đồng quốc tế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục