Ấn Độ tìm cách thoát khỏi 'một châu Á do Trung Quốc dẫn dắt'

Theo trang mạng foreignpolicy.com, mặc dù Ấn Độ không thể giảm bớt sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc ngay lập tức, nhưng nước này chắc chắn có thể hội nhập kinh tế sâu rộng với phương Tây.
Ấn Độ tìm cách thoát khỏi 'một châu Á do Trung Quốc dẫn dắt' ảnh 1Cảng hàng hóa Mundra, Ấn Độ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng foreignpolicy.com, việc Ấn Độ và Vương quốc Anh khởi động các cuộc đàm phán thương mại chính thức với tham vọng là đạt một thỏa thuận nhỏ hơn trong vài tháng tới và một thỏa thuận toàn diện vào cuối năm 2022 không khiến nhiều người ngạc nhiên.

Rốt cuộc, Anh không hề giấu giếm mong muốn tìm kiếm bất kỳ đối tác nào để duy trì hoạt động thương mại sau khi rời Liên minh châu Âu (EU).

Tuy nhiên, nếu chuyển sang tập trung vào Ấn Độ và lý do khiến nước này theo đuổi thỏa thuận với Anh, mọi chuyện bỗng chốc sẽ trở nên thú vị hơn. Ngay cả khi Anh không nằm trong số các đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ, việc khởi động các cuộc đàm phán đánh dấu một số thay đổi lớn trong các chính sách kinh tế và đối ngoại của Ấn Độ.

Nếu Anh đang tìm kiếm một tương lai kinh tế vượt ra ngoài châu Âu, thì Ấn Độ đang hướng về phía Tây để thoát khỏi viễn cảnh ngày càng rõ rệt về một châu Á do Trung Quốc dẫn dắt.

Mặc dù Ấn Độ đã chấp nhận toàn cầu hóa vào đầu những năm 1990, song có rất ít sự ủng hộ trong nước đối với tự do hóa thương mại.

Các hiệp định thương mại tự do đối lập đã khiến phe cánh tả và cánh hữu đoàn kết với nhau; thậm chí biểu hiện mạnh mẽ hơn là sự phản kháng từ giai cấp tư bản Ấn Độ, vốn miễn cưỡng với việc mở cửa thị trường cho các nhà sản xuất nước ngoài.

Do đó, trong không gian chính trị chật hẹp, đến năm 2014, các chính phủ liên minh yếu kém cầm quyền ở Ấn Độ chỉ đàm phán được một số ít các hiệp định thương mại tự do - chủ yếu là với các đối tác châu Á, chẳng hạn như Nhật Bản, Hàn Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi lãnh đạo Đảng Bharatiya Janata lên nắm quyền vào năm 2014, với đa số trong quốc hội, chính phủ của ông đã ra lệnh xem xét lại tất cả các thỏa thuận thương mại tự do mà Ấn Độ đã ký kết.

Mặc dù người dân trên khắp Ấn Độ có quan điểm rằng các thỏa thuận này gây bất lợi cho ngành công nghiệp trong nước, ông Modi vẫn tiếp tục tham gia các cuộc đàm phán thương mại tự do trên toàn châu Á mà cuối cùng dẫn đến Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), nhưng ông lại rút lui ngay trong giai đoạn đàm phán cuối cùng vào năm 2019.

Nếu quyết định của New Delhi khiến các đối tác châu Á thất vọng sâu sắc thì cũng có những ý kiến chỉ trích gay gắt ở trong nước về việc để Ấn Độ bị cô lập trong lĩnh vực thương mại toàn cầu - một thay đổi lớn so với cuộc tranh luận trong những thập kỷ trước.

Năm 2021, ông Modi đã chấm dứt sự phản đối rộng rãi của Ấn Độ đối với các hiệp định thương mại tự do và quay trở lại các cuộc đàm phán thương mại tự do song phương với một số khối, trong đó có EU và Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh. Sự thay đổi không chỉ hướng tới một thái độ mới về thương mại mà còn hướng tới một nhóm quốc gia mới: các đối tác kinh tế tự nhiên của Ấn Độ, đặc biệt là những đối tác trong Nhóm các nước nói tiếng Anh (Anglosphere) và phương Tây.

Theo truyền thống, Anh không nằm trong danh sách các quốc gia khiến Ấn Độ thoải mái. Trong suốt Chiến tranh Lạnh và giai đoạn sau đó, việc Anh được cho là nghiêng về phía Pakistan đã làm ảnh hưởng đến thiện chí của New Delhi đối với London.

Tuy nhiên, chính quyền Modi đã vượt qua những do dự và đầu tư nguồn vốn chính trị vào việc mở rộng quan hệ đối tác bằng cách tập trung vào các khu vực hội tụ tiềm năng. Tự do hóa thương mại đã trở thành một ưu tiên lớn của Anh.

Khi rút khỏi RCEP vào năm 2019, Ấn Độ đã báo hiệu sự miễn cưỡng của nước này đối với quá trình hội nhập kinh tế châu Á do Trung Quốc dẫn đầu. Xung đột biên giới ngày càng gay gắt với Bắc Kinh cùng nỗi lo ngành sản xuất của Ấn Độ bị “xóa sổ” trước hàng nhập khẩu giá rẻ của Trung Quốc đã góp phần dẫn đến quyết định này. Mùa Xuân năm 2020, việc Trung Quốc xâm lược Đông Ladakh đã củng cố cho quyết định của Ấn Độ.

Khi quay lưng lại với phương Đông, New Delhi bắt đầu hướng về phương Tây để tìm kiếm các mối quan hệ đối tác thương mại, và Anglosphere dường như là nơi đáp ứng tốt nhất.

Không chỉ nước Anh thời hậu Brexit mới bắt đầu có cái nhìn mới mẻ về Ấn Độ. Australia, vốn đang vật lộn với sự cưỡng ép kinh tế của Trung Quốc, cũng tìm cách khôi phục các cuộc đàm phán thương mại mờ nhạt với Ấn Độ.

Vài tuần gần đây, New Delhi cũng tăng cường các cuộc đàm phán về tự do hóa thương mại với một số quốc gia bao gồm Canada và Israel. Ấn Độ cũng được cho là đã sẵn sàng ký kết một thỏa thuận thương mại với Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Tất cả các đối tác này quá nhỏ bé so với tầm quan trọng của EU và Mỹ. Brussels và Washington đóng góp hơn 10% thương mại hàng hóa toàn cầu hàng năm của Ấn Độ, với tổng giá trị gần 1.000 tỷ USD.

Cho đến năm 2020, Brussels thậm chí còn không quan tâm đến việc mời New Delhi tham gia các cuộc đàm phán thương mại, quyết định đó xuất phát từ một nỗ lực thất bại trong việc đàm phán thỏa thuận thương mại với Ấn Độ từ năm 2007-2013.

Một nỗ lực chính trị lớn nhằm phục hồi quan hệ đối tác Ấn Độ-EU trong 2 năm qua đã dẫn đến quyết định chính thức vào tháng 5/2021 về việc gia hạn các cuộc đàm phán. Khi hai bên chuẩn bị cho các cuộc đàm phán, sẽ có nhiều rào cản cần vượt qua, và không ai phủ nhận sự khó khăn trong việc đạt được một thỏa thuận.

Mặt khác, Mỹ không đàm phán các hiệp định thương mại tự do với bất kỳ ai trong giai đoạn này nhưng đang cùng Ấn Độ vượt qua các cuộc tranh chấp thương mại lên đến đỉnh điểm dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump. Bất chấp những khó khăn này, kim ngạch thương mại song phương tiếp tục tăng trưởng, đạt gần 110 tỷ USD vào năm 2021.

Mặc dù một hiệp định thương mại tự do Ấn-Mỹ khó có thể thành hiện thực, song các quan chức chính trị cấp cao nhất của cả hai nước đều thừa nhận rằng họ cần khẩn trương tăng cường quan hệ đối tác an ninh đang ngày càng lớn mạnh bằng “một tầm nhìn chung đầy tham vọng cho tương lai của quan hệ thương mại," như tuyên bố của Nhà Trắng hồi tháng 9/2021. Chính quyền Modi và Biden đã hồi sinh diễn đàn chính sách thương mại chung, đồng thời có một nỗ lực mới để giải quyết các tranh chấp.

Thái độ nhiệt tình gần đây của Ấn Độ trong việc giao thương với phương Tây không tránh khỏi sự chú ý của Bắc Kinh.

Đánh giá hoạt động thương mại mới của Ấn Độ, Thời báo Hoàn Cầu cho biết New Delhi không thể quay lưng với cam kết thương mại cùng Bắc Kinh.

Tờ báo này chỉ ra rằng kim ngạch thương mại song phương ngày càng tăng, đạt 126 tỷ USD vào năm 2021 - tăng gần 44% so với năm 2020, bất chấp căng thẳng quân sự kéo dài cũng như các chính sách của New Delhi nhằm giảm tương tác kinh tế với Bắc Kinh.

[Mỹ tiếp tục trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ]

Tuy nhiên, Ấn Độ không thể bỏ qua thực tế là thương mại của nước này vẫn rất mất cân bằng. Thặng dư thương mại song phương trị giá 70 tỷ USD của Trung Quốc vào năm 2021 bắt nguồn từ thực tế là Ấn Độ chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu thô sang Trung Quốc và nhập khẩu hàng hóa sản xuất.

Mặc dù Ấn Độ không thể giảm bớt sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc ngay lập tức, nhưng nước này chắc chắn có thể hội nhập kinh tế sâu rộng với phương Tây.

Trên sân nhà, Ấn Độ cũng có thể vực dậy lĩnh vực sản xuất để giảm nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong năm 2021, New Delhi đã vạch ra một loạt sáng kiến thúc đẩy năng lực sản xuất trong nước, trong khi việc tiếp cận máy móc, công cụ và công nghệ sản xuất của phương Tây sẽ đóng một vai trò quan trọng. Các chính sách này được đánh giá ban đầu là tích cực, nhưng tác động đầy đủ sẽ chỉ được kiểm chứng trong vài năm tới.

Sự “hướng nội” về kinh tế của New Delhi sau độc lập, chính sách thay thế nhập khẩu và những ảo tưởng về sự chuyên quyền đã khiến quan hệ thương mại và đầu tư của Ấn Độ với phương Tây bị xói mòn. Các động lực chính trị của Ấn Độ mâu thuẫn với các nguyên tắc ban đầu của phương Tây, theo đó tìm cách xác định lại chủ nghĩa đa phương và thách thức vai trò lãnh đạo của nước này đối với hệ thống thương mại toàn cầu.

Thay vì xây dựng dựa trên sự hợp tác kinh tế với phương Tây, New Delhi đã hướng đến các nền kinh tế tương tự ở phía Đông và cạnh tranh với nền kinh tế Ấn Độ.

Ấn Độ đang cố gắng đảo ngược xu hướng này bằng cách hội nhập với các đối tác phương Tây thông qua các hiệp định thương mại tự do. Họ cũng quan tâm đến việc xây dựng chuỗi cung ứng linh hoạt giữa các đối tác chính trị đáng tin cậy. Suy thoái kinh tế do căng thẳng chính trị Trung Quốc-phương Tây đã tạo ra bối cảnh địa chính trị mới cho việc tái cơ cấu kinh tế của Ấn Độ. Tất nhiên, New Delhi nhận thức được rằng phương Tây không thể dễ dàng đảo ngược sự phụ thuộc sâu sắc giữa Ấn Độ với Trung Quốc, vốn đã có từ 4 thập kỷ qua.

Hiện chưa rõ Ấn Độ và phương Tây sẽ chuyển hóa sự hợp tác địa kinh tế mới của họ thành những kết quả cụ thể như thế nào. Các nhà đàm phán thương mại của Ấn Độ nổi tiếng là ngoan cố.

Trong khi đó, ở phương Tây, các cơ quan quản lý thương mại đã gắn liền với “câu thần chú” về thị trường mở rộng toàn cầu: Chúng tôi vẫn chưa biết liệu họ có thể chuyển sang “toàn cầu hóa có chọn lọc” với các nước có cùng chí hướng và đưa ra cách tiếp cận chiến lược nhằm giao thương với Ấn Độ hay không. Đàm phán thương mại Ấn-Anh sẽ mang đến một số giải đáp ban đầu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục