An ninh lương thực đang thách thức nhiều quốc gia

Hầu hết các quốc gia ở Nam Á và cận sa mạc Sahara đang phải đối mặt với nguy cơ bị thiếu hụt lương thực ở mức độ "cao".
Hầu hết các quốc gia ở khu vực Nam Á và cận sa mạc Sahara thuộc châu Phi đang phải đối mặt với nguy cơ bị thiếu hụt lương thực ở mức độ "cao" hoặc "cực cao" dựa trên những tiêu chí đánh giá chỉ số rủi ro về an ninh lương thực (FSRI).

Chỉ số trên được tính toán trên cơ sở hàng chục biến số xác định khả năng cung cấp lương thực cho người dân tại một nước. Trong khi đó, những nước có nguy cơ thấp nhất là Mỹ, Pháp, Canada, Đức và Cộng hòa Séc.

Tình trạng căng thẳng về lương thực- được đưa lên vị trí hàng đầu trong chương trình nghị sự toàn cầu sau làn sóng tăng giá hàng hóa hồi năm 2007 và 2008- đã châm ngòi cho hàng loạt vụ bạo động tại 30 nước. Hiện nhiều nước trong số này đang bên bờ vực bị thiếu hụt lương thực nghiêm trọng hoặc phải đối diện với nạn đói trên diện rộng.

Ngân hàng thế giới (WB) ước tính tình trạng lạm phát giá lương thực trong giai đoạn này có thể khiến "đội quân" đói nghèo của thế giới (với thu nhập chưa đầy 1 USD/ngày/người) tăng thêm 100 triệu lên trên 1 tỷ người.

Theo công ty nghiên cứu Maplecroft (có trụ sở tại Anh, chuyên cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp), đói nghèo là nguyên nhân chính, nhưng không phải là duy nhất, dẫn tới tình trạng bất ổn lương thực.

Phát biểu với hãng tin Pháp AFP, bà Asyson Warhurst, Giáo sư tại Trường kinh doanh Warwick (Anh), đồng Giám đốc công ty Maplecroft, nhận định rằng an ninh lương thực cũng bị ảnh hưởng bởi hoạt động nông nghiệp, các luồng thương mại, viện trợ nước ngoài, cũng như các chính sách về dinh dưỡng của chính phủ. Ngoài ra, tăng trưởng dân số và biến đổi khí hậu cũng tác động không nhỏ tới an ninh lương thực.

Nhóm 5 nước có rủi ro cao nhất về an ninh lương thực gồm Angola, Haiti, Mozambique, Burundi và Cộng hòa Dân chủ Congo. Gần 3 thập kỷ nội chiến đã cướp đi hàng triệu sinh mạng và tàn phá cơ sở hạ tầng nông nghiệp của Angola. Trong khi đó, Cộng hòa Dân chủ Congo và Burundi cũng điêu đứng vì xung đột, tham nhũng và hệ thống quản lý yếu kém. Còn Mozambique liên tiếp hứng chịu những thảm họa thiên nhiên, trong khi Haiiti, với tình hình chính trị bất ổn, phải phụ thuộc vào việc trợ nước ngoài để đáp ứng gần một nửa nhu cầu lương thực quốc gia.

Ba quốc gia đông dân nhất tại Nam Á cũng đang phải đối mặt với tình trạng bấp bênh về lương thực. Cụ thể, theo chỉ số FSRI, Pakistan xếp thứ 11, ở mức "cực rủi ro", trong khi Bangladesh và Ấn Độ đều bị xếp ở mức "rủi ro cao", đứng ở vị trí lần lượt là 20 và 25.

Báo cáo của Maplecroft kết luận mặc dù là một trong những nền kinh tế mới nổi chủ chốt trên thế giới, Ấn Độ đang chịu sức ép ngày càng lớn của vấn đề an ninh lương thực. 2/3 trong tổng số 1,1 tỷ dân Ấn Độ phụ thuộc vào nông nghiệp như một nguồn thu nhập chủ chốt, trong khi diện tích đất trồng tại nước này đã giảm hơn 1/5 kể từ tháng 8/2008, do các nguồn nước ngày một khô cạn, nạn phá rừng tràn lan và mùa mưa năm nay khá bất thường.

Chính phủ Ấn Độ dự kiến sẽ sớm ban bố đạo luật an ninh lương thực quốc gia để đảm bảo phân phối đầy đủ thực phẩm cho người dân. Chuyên gia phân tích Fiona Place thuộc công ty Maplecroft dự báo Chính phủ Ấn Độ cần vượt qua những thách thức trong việc phân phối cũng như trợ cấp lương thực.

Trong khi đó, Trung Quốc, Nga và Brazil -thuộc nhóm các nền kinh tế lớn mới nổi- được đánh giá là phải đối mặt với những rủi ro ở mức độ trung bình, và được xếp ở vị trí từ 100-114 theo chỉ số FSRI. Tại Trung Quốc, vấn đề tự cung cấp lương thực, cũng như phòng tránh những cú sốc về giá cả và nguồn cung vốn từ lâu đã được đưa vào chính sách quốc gia.

Ngoài ra, trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã đổ tiền để có được các khu đất nông nghiệp rộng lớn tại châu Phi nhằm trồng cấy các loại cây chủ lực phục vụ nhu cầu quốc gia.

Còn Mỹ và Pháp được xếp ở vị trí cao nhất về an ninh lương thực do đây là hai nhà xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục