Với trên 1.000 lễ, hội, chủ yếu tập trung vào mùa Xuân thu hút lượng lớn du khách, vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm được các ngành chức năng của thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm.
Mặc dù đã có nhiều chuyển biến nhưng với kết quả kiểm tra từ đầu mùa lễ hội đến nay cho thấy vẫn còn những tồn tại đáng lo ngại như rau, quả dương tính với dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật, thịt dương tính với chất tạo nạc, thực phẩm trôi nổi, bát đũa bẩn, nhân viên chưa được tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm…
Đã chuyển biến
Chùa Hương và Phủ Tây Hồ là hai địa danh nổi tiếng của Thủ đô thu hút người dân đi lễ và tham quan rất đông vào mùa lễ hội.
Dịch vụ ăn uống phục vụ du khách ở nơi này phát triển với hàng trăm cơ sở kinh doanh từ bún miến, cơm phở, đặc sản… mỗi ngày phục vụ hàng ngàn thực khách.
Nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ rất cao nếu không kiểm soát tốt vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ngay từ trước lễ hội Chùa Hương 2017, công tác an toàn vệ sinh thực phẩm đã được huyện Mỹ Đức và các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát và tổ chức ra quân ngay từ ngày mùng 2 Tết Đinh Dậu.
Ban tổ chức lễ hội đã tổ chức ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm với 318 kiốt bán hàng và yêu cầu 100% cửa hàng chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống phải có tủ bảo quản thực phẩm hợp vệ sinh, không treo thịt tươi sống dọc đường, gây phản cảm.
Theo quan sát của phóng viên có thể thấy sự tiến bộ rõ rệt ở khu dịch vụ ẩm thực này, các cửa hàng khang trang, sạch sẽ hơn. Hàng quán được sắp xếp thông thoáng, đúng sơ đồ, vị trí của Ban tổ chức. Thực phẩm được cho vào tủ bảo quản, không còn cảnh treo lủng lẳng như trước.
Tại buổi kiểm tra của liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm thành phố mới đây, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung nhận xét quy hoạch các cơ sở dịch vụ ăn uống rõ ràng với khu ăn uống, sản xuất và phục vụ riêng biệt là nét mới của mùa lễ hội năm nay.
Đây là kết quả của sự vào cuộc và triển khai quyết liệt của Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm huyện Mỹ Đức với việc ban hành kế hoạch triển khai, thành lập đội kiểm tra liên ngành huyện, xã túc trực kiểm tra thường xuyên.
Qua kiểm tra, cơ quan chức năng đã kịp thời phát hiện những cơ sở còn tồn tại vi phạm, nhắc nhở, xử phạt kịp thời, tạo chuyển biến trong chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tuy nhiên, qua các lần kiểm tra tại khu vực Chùa Hương, lễ hội Đền Và, Phủ Tây Hồ từ đầu năm đến nay cho thấy vẫn còn những tồn tại cần khắc phục, chấn chỉnh.
Tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết 1/3 trong số các cơ sở được kiểm tra vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm đã bị xử phạt, với tổng số tiền trên 6 tỷ đồng đã phản ánh thực trạng an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịp Tết và Lễ hội tại Hà Nội năm nay còn nhiều tồn tại cần chấn chỉnh.
Toàn thành phố đã tổ chức 700 đoàn kiểm tra chất lượng dịch vụ ăn uống cũng như thực phẩm tại các cửa hàng kinh doanh, dịch vụ ăn uống khu vực lễ hội, tập trung kiểm tra hồ sơ pháp lý liên quan đến chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm; đồng thời lấy mẫu thực phẩm, kiểm nghiệm tại chỗ với xe kiểm tra thực phẩm nhanh để phát hiện xử lý vi phạm.
Tại lễ hội Đền Và (thị xã Sơn Tây), thời điểm kiểm tra của đoàn liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm có 23 quán hàng đang kinh doanh thực phẩm.
Mặc dù đã ký cam kết bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng hơn quá nửa số bát đựng bún, phở đều không bảo đảm vệ sinh.
Lần kiểm tra gần đây nhất của đoàn kiểm tra liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm tại khu vực lễ hội Chùa Hương, xe xét nghiệm thực phẩm lưu động của Sở Y tế Hà Nội sau gần 2 tiếng xét nghiệm đã phát hiện 11 mẫu rau, 6 mẫu quả dương tính với dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật; 3 mẫu thịt dương tính với chất tạo nạc… Số thực phẩm này đã được tiến hành tiêu hủy ngay tại chỗ.
Cuộc kiểm tra ngày 15/2 vừa qua tại khu vực dịch vụ ăn uống Phủ Tây Hồ, qua xét nghiệm nhanh phát hiện cửa hàng bún ốc, bánh tôm Anh Tú,Thanh Mai có một số mẫu bát rửa chưa sạch.
Cửa hàng Thanh Mai có 4 người phục vụ nhưng ngoài chủ hàng ra cả 3 nhân viên còn lại đều không có giấy khám sức khỏe và chỉ một nhân viên có giấy tập huấn an toàn thực phẩm theo quy định.
Không chỉ ở các khu vực lễ hội tập trung đông người mà ngày nay để phục vụ nhu cầu của người dân, dịch vụ thức ăn đường phố mọc lên khắp nơi trên địa bàn Hà Nội, trong các ngõ hẻm, khu vực dân cư, những hàng quán bán ngay sát đường… nhưng vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm rất khó kiểm soát.
Có thể dễ dàng bắt gặp ở bất cứ một quán ăn nào, hàng chồng bát đĩa, thìa đũa bẩn quăng trên nền sàn, giấy ăn vứt bừa bãi dưới nền quán…
Đó là chưa kể đến những thực trạng khuất mắt trông coi, như rau cỏ còn tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật; lợn có chất tạo nạc; thủy sản nhiễm độc… mà không thể phát hiện bằng mắt thường đang là nỗi lo thường trực đe dọa sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng.
Để đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ người dân, đặc biệt trong mùa lễ hội, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền yêu cầu, các đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm từ thành phố đến cơ sở tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm những cơ sở không tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm nhằm bảo đảm sức khỏe cho người dân.
“Việc đưa xe kiểm nghiệm lưu động an toàn thực phẩm đến nhiều lễ hội lớn và tổ chức lấy mẫu, làm các xét nghiệm nhanh cùng lúc nhiều loại thực phẩm khác nhau ngay tại chỗ với thời gian xét nghiệm trung bình cho mẫu thực phẩm từ 30 phút đến 2 giờ đồng hồ, sẽ nhanh hơn rất nhiều việc lấy mẫu mang đi kiểm nghiệm ở nơi khác,” ông Hiền nói.
Cùng với việc tăng cường, đẩy mạnh kiểm tra kịp thời chấn chỉnh, xử lý vi phạm trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn, nêu cao vai trò người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo bảo đảm an toàn thực phẩm; phát huy mạnh mẽ vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân các cấp và các phương tiện truyền thông để bảo đảm an toàn thực phẩm tất cả các khâu từ sản xuất, kinh doanh, chế biến đến tiêu dùng….
Thành phố cũng yêu cầu xử lý nghiêm minh theo pháp luật những tổ chức, cá nhân đưa tin sai sự thật, không chính xác về an toàn thực phẩm, tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh và niềm tin của người dân về thực phẩm an toàn./.