Trước thực trạng tiếp tục ghi nhận các ca ngộ độc rượu tại một số bệnh viện, ngày 27/1, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết khi nói đến tác hại của rượu bia, mọi người thường nghĩ ngay đến hậu quả gây rối loạn tâm thần, xơ gan và tai nạn giao thông. Tuy nhiên trong thực tế, hậu quả của việc uống rượu bia đa dạng và phức tạp hơn rất nhiều.
Ngộc độc rượu gia tăng
Cục Y tế dự phòng nêu rõ: Rượu, bia là đồ uống không thể thiếu trong mỗi dịp liên hoan, cưới hỏi, ma chay đặc biệt trong dịp lễ Tết. Thường trong những ngày này lượng rượu bia tiêu thụ tăng lên đáng kể, cùng với đó là số người nhập viện do say rượu, bia, thậm chí bị ngộ độc rượu cũng gia tăng.
Ngộ độc rượu được biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau, từ nhẹ (là không kiềm chế kiểm soát được cảm xúc, dễ tức giận, nổi nóng, đi đứng không vững..) đến ngộ độc nặng (bị nôn nhiều, vã mồ hôi, hôn mê, mạch nhanh, thở nông, hạ huyết áp, có thể tử vong nếu không được cấp cứu). Ngộ độc rượu xảy ra khi uống quá mức đáp ứng của cơ thể, kể cả với những sản phẩm đã được xác nhận an toàn thực phẩm.
Nguy cơ ngộ độc càng tăng cùng với hậu quả khó lường đối với sức khỏe nếu dùng phải rượu giả, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, rượu có chứa nhiều methanol có thể gây mù mắt và tử vong cao; đặc biệt khi sử dụng rượu ngâm lá, rễ cây, động vật có chứa độc tố tự nhiên.
Uống rượu thời gian dài sẽ dẫn đến nghiện rượu, sút cân, chán ăn, rối loại tiêu hóa do tổn thương gan và ruột; đặc biệt gây thoái hóa gan, xơ gan dẫn tới ung thư gan. Đối với hệ tim mạch uống rượu gây nhồi máu cơ tim, đột quy ở những người có huyết áp cao. Ngoài ra uống rượu còn gây mất trí nhớ, run, rối loạn tinh thần.
Phụ nữ mang thai uống nhiều rượu có nhiều tác hại như gây sinh non, ảnh hưởng đến phát triển thể chất, tinh thần, trí tuệ của đứa trẻ, gây ngộ độc cho thai nhi.
Nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh
Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh rượu bia chính là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh và nguyên nhân gián tiếp của 200 loại bệnh tật, chấn thương.Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số ca tử vong do hậu quả của rượu bia, các bệnh không lây nhiễm như: bệnh tim mạch, đái tháo đường và ung thư chiếm tới 46%, tiếp theo là chấn thương (chủ yếu là tai nạn giao thông) và bệnh đường tiêu hóa (xơ gan).
Tác hại của rượu bia chính là do chất cồn (ethanol) gây ra thông qua ba cơ chế trực tiếp. Thứ nhất với liều nhỏ và từ từ, chất cồn gây độc mạn tính cho các cơ quan và mô trong cơ thể, làm tổn thương tế bào và dẫn đến hậu quả là mắc các bệnh mạn tính (ung thư, bệnh lý tim mạch, đái tháo đường...). Thứ hai khi uống nhiều, chất cồn gây nhiễm độc cấp tính, tác động lên cấu trúc và dẫn truyền của thần kinh trung ương, làm rối loạn phối hợp động tác, giảm tỉnh táo, rối loạn nhận biết, ảnh hưởng đến hành vi, từ đó gây ra các hậu quả cho người uống và người xung quanh (tai nạn, bạo lực, hành vi nguy cơ...). Thứ ba, chất cồn là chất hướng thần gây nghiện làm cho người uống phải gia tăng liều dùng và tái sử dụng. Việc uống rượu bia thường xuyên dẫn đến thích nghi thần kinh khiến cho việc giảm liều lượng hoặc ngừng uống sẽ dẫn đến hội chứng “cai rượu.” Lệ thuộc rượu bia sẽ gây ra loạn thần do rượu và dẫn đến mắc các bệnh mạn tính cũng như gây ra các hậu quả trước mắt và gánh nặng lâu dài cho xã hội.
Cục Y tế dự phòng khẳng định trong thực tế không thể có được một tiêu chuẩn chung uống bao nhiêu là có hại bởi vì nguy cơ do uống rượu bia khác nhau phụ thuộc vào tuổi, giới tính và các đặc tính sinh học khác của từng người, cũng như hoàn cảnh và cách thức uống rượu bia khác nhau. Nói một cách khác, không có mức độ uống rượu bia nào là an toàn. Các bằng chứng khoa học cho thấy uống một lượng rất nhỏ rượu bia cũng có thể gây ra các nguy cơ và hậu quả đối với sức khỏe nhất định.
Dựa vào các bằng chứng khoa học, trong năm 2016, Cơ quan y tế của Vương quốc Anh đã ban hành Khuyến nghị mới về sử dụng đồ uống có cồn, cảnh báo rằng uống rượu bia với bất kỳ mức độ nào cũng làm tăng nguy cơ gây các bệnh ung thư, đồng thời khuyến cáo nam giới không nên uống quá 14 đơn vị trong 1 tuần (1 đơn vị cồn của Anh tương đương với 8 gam cồn nguyên chất). Các nghiên cứu công bố trong “Báo cáo về sử dụng rượu bia tại Cộng đồng Châu Âu năm 2012” cũng khẳng định nguy cơ tử vong do bệnh tật và tai nạn thương tích sẽ tăng lên đáng kể nếu một người uống nhiều hơn 2 đơn vị cồn trong một ngày và nguy cơ tử vong tăng tương quan với mức độ uống.
Hiện nay cũng có một số ý kiến cho rằng nếu uống bia thì ít gây hại cho sức khỏe hơn so với uống rượu. Đây là quan niệm không đúng bởi vì tác hại chủ yếu là do chất cồn (ethanol) trong đồ uống gây ra, không phụ thuộc vào loại đồ uống (là bia hay rượu) mà phụ thuộc vào lượng uống (tiêu thụ bao nhiêu gam cồn) và cách thức uống (tần suất sử dụng).
Kiểm soát lượng uống ở mức nguy cơ thấp nhất
Bộ Y tế khuyến cáo nhằm bảo vệ sức khỏe người dân, phòng chống những nguy cơ bệnh tật và tai nạn nguy hiểm, người dân không lạm dụng rượu bia, tức là không nên uống quá hai đơn vị cồn/ngày với nam, một đơn vị cồn/ngày đối với nữ và không uống quá 5 ngày/tuần. Một đơn vị cồn tương đương 10 gram cồn nguyên chất chứa trong dung dịch uống. Như vậy 1 đơn vị cồn tương đương với 3/4 chai (lon) bia 330 ml; 1 cốc bia hơi 330 ml; 1 ly rượu vang 100 ml; hoặc 1 chén rượu mạnh 30 ml.
Không để cho trẻ em và vị thành niên uống rượu bia. Đặc biệt, không sử dụng rượu bia trong các trường hợp: điều khiển phương tiện cơ giới, vận hành máy móc, có thai hoặc đang cho con bú, đang điều trị thuốc có phản ứng với cồn, có các tình trạng bệnh lý mà rượu bia làm cho bệnh nặng lên.
Đối với người có uống rượu bia trong dịp Tết cổ truyền hoặc dịp lễ hội cần cố gắng kiểm soát lượng uống ở mức nguy cơ thấp nhất trong một lần uống; nên uống từ từ, kết hợp vừa ăn vừa uống, uống xen kẽ với nước lọc; phải uống rượu, bia rõ nguồn gốc, đảm bảo chất lượng. Người đã sử dụng rượu bia tuyệt đối không điều khiển phương tiện cơ giới; không nên tham gia vào các hoạt động ngoài trời hoặc ở những nơi nguy hiểm, không an toàn (dễ bị ngã, va chạm, chấn thương…)./.