An toàn thực phẩm: Vẫn là chuyện xa xôi

An toàn thực phẩm đang là một trong những mối quan tâm hàng đầu của nhân loại, nhất là sau vụ "khủng hoảng sữa" khởi nguồn từ Trung Quốc. Tuy thế, ở Việt Nam, nhận thức về vấn đề này còn rất mơ hồ.

An toàn thực phẩm đang là một trong những mối quan tâm hàng đầu của nhân loại, nhất là sau vụ "khủng hoảng sữa" khởi nguồn từ Trung Quốc. Tuy thế, ở Việt Nam, nhận thức về vấn đề này còn rất mơ hồ.

Một cuộc giám sát chuyên đề về quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm do Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang tiến hành tại 10 tỉnh trên địa bàn cả nước.

Sau khi làm việc với 4/10 tỉnh trong diện được giám sát, ông Nguyễn Đăng Vang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và môi trường của Quốc hội, kiêm Phó trưởng đoàn giám sát, cho biết trong cùng một địa phương không hiếm trường hợp văn bản pháp luật quy định về lĩnh vực này do Sở Nông nghiệp ban hành không hề được Sở Y tế biết đến và ngược lại.

Muốn sạch cũng khó

Theo ông Nguyễn Đăng Vang, kinh phí phục vụ cho công tác vệ sinh an toàn thực phẩm trung bình ở 4 tỉnh phía Bắc vừa được khảo sát (gồm Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và Lạng Sơn) chỉ dao động ở mức… 600-850 đồng/người dân; bao gồm tất cả các loại, từ kinh phí cho quản lý, tuyên truyền, in ấn tài liệu tuyên truyền chính sách pháp luật cho đến trang thiết bị phục vụ việc nghiên cứu, phân tích đánh giá chất lượng hàng hóa...

Trong số 4 tỉnh nêu trên, chỉ Hà Nội là có cơ quan quản lý Vệ sinh An toàn Thực phẩm đang hoạt động, Quảng Ninh thì mới thành lập, còn Hải Phòng và Lạng Sơn chưa có. Về phía cộng đồng, “nhìn chung ở các thành phố lớn, người dân có xu hướng lo ngại về vệ sinh an toàn thực phẩm hơn so với các tỉnh thành khác - ông Vang nói, nhưng rồi như chợt nhớ ra - trừ vụ cướp gà không rõ nguồn gốc xảy ra hồi đầu tháng 2 tại huyện Thường Tín (Hà Nội)”. Tuy thế, cho dù ý thức của người dân có được nâng lên thì họ cũng khó mà trở thành “người tiêu dùng thông minh” như khuyến cáo.

Tại Hà Nội, theo Chi cục Bảo vệ Thực vật Hà Nội, toàn thành phố này hiện có 2.172 vùng sản xuất rau với tổng diện tích 11.821ha; bao gồm 2.057 vùng phân tán và 115 vùng tập trung. Gần một nửa tổng số vùng trồng rau (947 vùng, kể cả tập trung và phân tán) là không đảm bảo sản xuất rau an toàn. Rõ ràng là không thể có đủ rau an toàn để cung cấp cho người dân thủ đô.

Trong khi đó, khảo sát một số cơ sở sản xuất và vùng trồng rau an toàn, đoàn giám sát nhận xét, công tác thanh kiểm tra, cấp giấy phép của các cơ quan chức năng còn rườm rà, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rau an toàn phải tốn thời gian, tiền bạc để thực hiện việc xây dựng vùng nguyên liệu, quản lý chất lượng nguyên liệu đầu vào, đăng ký chất lượng sản phẩm… nên cũng không mấy mặn mà với lĩnh vực này.

Tại Hải Phòng và Lạng Sơn lại xuất hiện một vấn đề khác. Theo quy định hiện hành, cơ quan kiểm dịch thực phẩm nhập khẩu - nhất là hàng hóa trung chuyển lưu giữ tại các kho ngoại quan - phải tiến hành cả khâu “tiền kiểm” và “hậu kiểm”, trong đó hậu kiểm là khâu khó vì phải tiến hành nhiều xét nghiệm phức tạp. Vì cứ chờ từng cơ quan thực hiện từng xét nghiệm trong khi các điều kiện lưu giữ, bảo quản không đáp ứng được yêu cầu nên chất lượng hàng hóa bị ảnh hưởng rõ rệt. Bên cạnh đó, khi phát hiện vi phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm thì quan điểm xử lý nhiều khi lại không thống nhất, mức xử phạt chưa đủ sức răn đe nên các doanh nghiệp sẵn sàng nộp phạt để tiếp tục nhập khẩu hàng hóa không hợp chuẩn!

Nâng Pháp lệnh lên thành Luật: Cần, nhưng chưa đủ!

Sau 5 năm thực hiện, Pháp lệnh về vệ sinh an toàn thực phẩm dường như đã không còn bao quát được nhiều vấn đề phát sinh trong thực tế. Một luật riêng cho vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm với tính pháp lý cao hơn, nội dung đầy đủ hơn Pháp lệnh là đòi hỏi thực tế. Tuy nhiên, nếu mọi việc suôn sẻ thì sớm nhất cũng phải 2 năm nữa Luật này mới có thể đi vào cuộc sống.

Theo chương trình xây dựng pháp luật thì tháng 7-2009, Chính phủ sẽ trình Quốc hội dự thảo Luật vệ sinh an toàn thực phẩm. Kỳ họp lần thứ 6, Quốc hội Khóa XII sẽ cho ý kiến về dự luật này và dự kiến kỳ họp lần thứ 7 (dự kiến tháng 6 - 2010), Luật sẽ được thông qua và có hiệu lực vào năm 2011.

Vấn đề quan trọng đặt ra là từ luật này, các địa phương sẽ phải ban hành tiếp các văn bản quy định việc thực hiện cụ thể để đảm bảo tính khả thi.

Một ví dụ rất đáng lưu ý là quyết định mới đây của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội (QĐ 51/2009) - đã khiến công luận tốn không ít giấy mực - liên quan đến hoạt động giết mổ, vận chuyển, chế biến, buôn bán gia súc, gia cầm. Đây là một chủ trương đúng, nhưng như rất nhiều chuyên gia đã chỉ rõ, thành phố này ra lệnh cấm khi chưa chuẩn bị các giải pháp thay thế cho cách làm hiện nay (không đảm bảo Vệ sinh An toàn Thực phẩm).

Cụ thể, thành phố mới chỉ có vài cơ sở giết mổ gia súc gia cầm đảm bảo các điều kiện về vệ sinh thú y, tiêu độc, khử trùng với tổng công suất khoảng 40 tấn/ ngày (mà còn đang hoạt động cầm chừng vì chi phí lớn), trong khi nhu cầu tiêu thụ thịt của người dân lên tới hàng trăm tấn mỗi ngày.

Khi được hỏi phương tiện vận chuyển nào sẽ là thích hợp cho các hộ kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ trong hàng trăm chợ trên toàn địa bàn (gồm cả 63 chợ cóc, chợ tạm), ông Giám đốc Sở Công Thương Thành phố đã… không thể trả lời! Chính ông này cũng thừa nhận chưa có những chế tài xử lý vi phạm của Quyết định, nên việc vận chuyển gia súc gia cầm không đảm bảo vệ sinh sẽ được lực lượng… công an giao thông xử lý theo Luật Giao thông đường bộ!

Ngoài ra, ông Vang bình luận: “Cần đầu tư một số loại trang thiết bị kiểm tra trọng tâm cho lực lượng chức năng. Mặt khác, cần thống nhất các lực lượng kiểm tra, kiểm dịch vào một cơ quan đầu mối để giảm các bước triển khai, tiết kiệm ngân sách, đảm bảo chi đủ, chi đúng chỗ”.

(Doanh nhân/Vietnam+)

Bài này được sử dụng theo thỏa thuận bằng văn bản với Doanh Nhân thuộc VCCI.

Tin cùng chuyên mục