Ảnh hưởng của việc cấm các dịch vụ chia sẻ xe đối với thói quen đi lại

Các chuyên gia đã chỉ ra rằng nếu không có dịch vụ chia sẻ xe, khả năng một người quyết định mua xe riêng sẽ cao gấp 5 lần so với khi có dịch vụ này.
Ảnh hưởng của việc cấm các dịch vụ chia sẻ xe đối với thói quen đi lại ảnh 1Biểu tượng của tập đoàn Uber trên màn hình điện thoại ở Đài Bắc, Đài Loan, Trung Quốc ngày 10/8/2016. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Khi đã có dịch vụ chia sẻ xe Uber hay Lyft thì nhiều người có thể sẽ không chọn mua ôtô cá nhân.

Bằng chứng là trong một khảo sát gần đây, các chuyên gia đến từ Viện nghiên cứu giao thông thuộc Đại học Michigan, Viện giao thông Texas (A&M) và Đại học Columbia đã chỉ ra rằng nếu không có dịch vụ chia sẻ xe, khả năng một người quyết định mua xe riêng sẽ cao gấp 5 lần so với khi có dịch vụ này.

  

Để đưa ra kết luận trên, các tác giả tiến hành khảo sát ý kiến của 1.200 người tại Austin (bang Texas) sau khi chính quyền địa phương cấm các dịch vụ chia sẻ xe hoạt động tại đây.

Những người yêu thích dịch vụ này cảm thấy bất tiện khi không còn được chia sẻ xe mà thay vào đó lại phải lựa chọn xe riêng hoặc đi bằng các phương tiện công cộng hay các công ty cung cấp dịch vụ xe nhỏ lẻ.

[Các tài xế taxi tức giận với quyết định đình chỉ của Grab]

Theo đó, 41% số người được hỏi cho biết họ đã quay lại dùng xe riêng để đi lại sau khi Uber và Lyft ngừng phục vụ trong khu vực, 9% lựa chọn mua thêm xe riêng.

Chỉ có 3% quay sang sử dụng các phương tiện công cộng và 42% chọn các mạng chở thuê nhỏ lẻ khác. Nhìn chung, nhu cầu đi lại cũng giảm sau khi các dịch vụ Uber và Lyft bị đình chỉ. Cụ thể lượt di chuyển trung bình hàng tháng giảm tới 68%.

Đây là nghiên cứu đầu tiên đánh giá ảnh hưởng của việc cấm sử dụng các dịch vụ chia sẻ xe đối với hành vi giao thông của con người và có thể giúp các nhà lập pháp nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục