Dịch vụ xe Uber, Grab sẽ được hợp pháp hóa tại Malaysia

Hạ viện Malaysia​ thông qua việc sửa đổi Luật giao thông công cộng 2010 và Đạo luật cấp phép xe thương mại 1987 để hợp thức hóa các dịch vụ đặt xe điện tử như Uber (Mỹ) và Grab (Singapore).
Dịch vụ xe Uber, Grab sẽ được hợp pháp hóa tại Malaysia ảnh 1Biểu tượng Uber tại trụ sở của hãng này ở San Francisco, California, Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Hạ viện Malaysia​ ngày 27/7 thông qua việc sửa đổi Luật giao thông công cộng 2010 và Đạo luật cấp phép xe thương mại 1987 để hợp thức hóa các dịch vụ đặt xe điện tử như Uber (Mỹ) và Grab (Singapore).

Việc sửa đổi này sẽ phải được Thượng viện thông qua và nhận được sự đồng ý của Nhà vua trước khi được công bố có hiệu lực.

Theo sửa đổi, các nhà khai thác sẽ phải có giấy phép kinh doanh trung gian do cơ quan quản lý cấp.

Giấy phép kinh doanh trung gian có thể được cấp mới nhưng các nhà khai thác sẽ không được phép chuyển nhượng hoặc chỉ định lại chúng.

[Grab trở thành startup có giá trị lớn nhất Đông Nam Á]

Tiếp tục chiến lược phát triển thị trường, hãng cung cấp dịch vụ đặt xe Uber mới đây công bố đầu tư thêm 6,85 tỷ peso (340 triệu USD) để đưa số xe hoạt động ở Mexico lên 500.000 chiếc vào cuối năm 2018, tăng hơn hai lần so với con số hiện tại 230.000 chiếc.

Về phần mình, nhà cung cấp dịch vụ đặt xe Grab cách đây ít ngày cho biết dự kiến huy động số tiền lên tới 2,5 tỷ USD, chủ yếu từ Didi Chuxing của Trung Quốc và Softbank của Nhật Bản, để củng cố vị thế dẫn đầu trước đối thủ Uber.

Didi, công ty đứng đầu về dịch vụ đặt xe ở Trung Quốc, và "người khổng lồ" về công nghệ viễn thông SoftBank sẽ đầu tư 2 tỷ USD, trong khi 500 triệu USD sẽ đến từ các nhà đầu tư hiện thời và các nhà đầu tư mới. Didi và SoftBank đều đã là các nhà đầu tư của Grab.

Thị phần dịch vụ gọi xe riêng ở Đông Nam Á hiện đang nghiêng về phía Grab (71%), vượt xa đối thủ chính là Uber./.

 
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục