Anh phản đối gia hạn áp thuế với giày Việt Nam

Bộ trưởng Thương mại nói gia hạn thuế chống bán phá giá giày dép nhập khẩu từ Việt Nam và Trung Quốc tạo ra nhiều rủi ro cho châu Âu.
Bộ trưởng Thương mại Anh Peter Mandelson ngày 9/11 cho rằng việc gia hạn thuế chống bán phá giá giày dép nhập khẩu từ Việt Nam và Trung Quốc tạo ra nhiều rủi ro đối với tương lai dài hạn các mối quan hệ thương mại của châu Âu với hai quốc gia châu Á này.

Tờ Thời báo Tài chính (Anh) dẫn lời ông Mandelson, nói rằng hiện không còn lý do để biện hộ cho các loại thuế trên, dù ông từng là người khởi xướng hồi năm 2006 khi còn là Ủy viên Thương mại Liên minh châu Âu (EU).

Ông Mandelson nhấn mạnh không có một bằng chứng nào cho thấy việc bán phá giá giày dép mà Ủy ban châu Âu (EC) vẫn cáo buộc đối với Việt Nam và Trung Quốc gây tác động tiêu cực tới các nhà sản xuất châu Âu, bởi thị phần của họ đã và đang hồi phục.

Theo ông, việc áp dụng các loại thuế kể trên chỉ khiến cho người tiêu dùng châu Âu bị thiệt thòi, đồng thời sẽ không giúp thúc đẩy lợi ích thương mại dài hạn của EU với cả Trung Quốc và Việt Nam.

Những loại thuế chống bán phá giá giày dép đã tạo ra một sự chia rẽ mạnh mẽ trong lòng EU kể từ khi nó được áp dụng để "hạn chế các sản phẩm giày dép giá rẻ từ Trung Quốc và Việt Nam chiếm lĩnh thêm thị phần của các nhà sản xuất nhỏ ở châu Âu", đặc biệt là tại Italy và Tây Ban Nha.

Mức thuế mà EC áp đặt với giày dép từ Trung Quốc là 16,5% và Việt Nam là 10%. Tuy nhiên, nhiều quốc gia thành viên EU, như Anh và Hà Lan, đã mô tả loại thuế này là "theo chủ nghĩa bảo hộ". Nhiều nhà bán lẻ giày dép lớn khác như Clarks và Adidas cũng đã phản đối các biện pháp này của EC.

EC và các quốc gia thành viên hy vọng sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về vấn đề gia hạn thuế kể trên vào ngày 19/11./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục