Anh siết chặt các thương vụ có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia

Dự luật mới cho phép các bộ trưởng Anh can thiệp vào những thương vụ đầu tư nước ngoài "đáng ngờ," giải quyết các mối quan ngại về các thỏa thuận có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh và hạ tầng thiết yếu.
Bộ trưởng Kinh doanh Anh Alok Sharma phát biểu tại cuộc họp báo ở London ngày 1/4/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Bộ trưởng Kinh doanh Anh Alok Sharma phát biểu tại cuộc họp báo ở London ngày 1/4/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 11/11, Chính phủ Anh tuyên bố nước này sẽ can thiệp để chặn các thỏa thuận mua lại và các thỏa thuận doanh nghiệp khác có thể đe dọa đến an ninh quốc gia, đồng thời công bố chi tiết các điều luật mới bao trùm các lĩnh vực nhạy cảm như quốc phòng và năng lượng.

Dự luật An ninh và Đầu tư Quốc gia sẽ cho phép các bộ trưởng Anh xem xét và can thiệp vào những thương vụ đầu tư nước ngoài "đáng ngờ," giải quyết các mối quan ngại về một số thỏa thuận có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh và hạ tầng thiết yếu.

Bộ trưởng Kinh doanh Anh Alok Sharma nhấn mạnh dự luật này động nghĩa rằng chính phủ có thể tiếp tục hoan nghênh các khoản đầu tư tạo thêm việc làm tại nước này, đồng thời ngăn chặn những thương vụ có nguy cơ đe dọa đến an toàn của người dân Anh.

[2/3 doanh nghiệp Anh đối mặt với làn sóng vỡ nợ trong những tháng tới]

Dự luật mới sẽ yêu cầu các thỏa thuận của các công ty phải được chính phủ phê chuẩn, từ thỏa thuận mua lại cho đến kinh doanh tài sản sở hữu trí tuệ, trong loạt lĩnh vực như năng lượng quốc phòng, giao thông hay trí tuệ nhân tạo và mã hóa.

Chính phủ Anh nêu rõ phần lớn các giao dịch này sẽ được thông qua mà không cần can thiệp. Nhà chức trách cũng sẽ hướng tới giảm bớt quan ngại về việc tạo ra rào cản với đầu tư, thông qua cam kết đưa ra quyết định trong vòng 30 ngày.

Các điều luật cũng chỉ rõ rằng an ninh quốc gia là cơ sở duy nhất để chính phủ can thiệp.

Những doanh nghiệp vi phạm sẽ bị phạt và lãnh đạo công ty sẽ đối mặt với án tù. Bất kỳ giao dịch nào thuộc diện phải xin phép sẽ bị tuyên bố vô hiệu về mặt pháp lý nếu các bên không tuân thủ đúng quy trình.

Sau khi Mỹ lên tiếng cảnh báo về an ninh, đầu tháng Bảy vừa qua, Vương quốc Anh đã cấm Huawei của Trung Quốc tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng 5G của nước này, theo đó yêu cầu các công ty trong nước ngừng mua thiết bị 5G mới của Huawei từ năm 2021 và loại bỏ các thiết bị Huawei hiện đang được sử dụng vào cuối năm 2027.

Năm 2016, Anh cũng đã hoãn một dự án nhà máy điện hạt nhân do quan ngại về nguồn vốn liên quan tới Chính phủ Trung Quốc.

Thời gian qua, Mỹ và Australia cũng tăng quyền giám sát của chính phủ đối với những thương vụ có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục