Anh và EU xây dựng mối quan hệ 'bình thường mới' hậu Brexit

Việc hai bên chính thức phê chuẩn Hiệp định Thương mại và Hợp tác báo hiệu sự khởi đầu của trạng thái “bình thường mới” trong mối quan hệ giữa EU và Vương quốc Anh.
Anh và EU xây dựng mối quan hệ 'bình thường mới' hậu Brexit ảnh 1Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen (phải) và Thủ tướng Anh Boris Johnson trong cuộc gặp tại Brussels, Bỉ, ngày 9/12/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Trang mạng của Viện Nghiên cứu Hoàng gia Anh về các vấn đề quốc tế (Chatham House) mới đây đăng bài viết của Giáo sư Richard G Whitman, trong đó phân tích về mối quan hệ “bình thường mới” giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU) thời hậu Brexit.

Dưới đây là nội dung bài viết:

Việc Anh và EU đạt được các điều khoản và hoàn tất các thủ tục để thông qua Hiệp định Thương mại và Hợp tác Anh-EU khi Anh rời khỏi EU cuối cùng đã khép lại vấn đề từng khiến 2 bên bận tâm suốt từ tháng 6/2016.

Mặc dù Brexit là vấn đề chủ yếu mang tính quốc gia giữa Vương quốc Anh và EU, nhưng các cuộc đàm phán về Brexit và mối quan hệ tương lai giữa hai bên đã tạo ra mối quan tâm thực sự đối với việc duy trì sự thống nhất giữa 27 quốc gia thành viên khi cả EU và Vương quốc Anh không đàm phán về việc chia sẻ những thách thức chung về địa chính trị và địa kinh tế.

[Thủ tướng Anh chuẩn bị tái khởi động “Nước Anh toàn cầu” hậu Brexit]

Giờ đây, đàm phán Brexit đã kết thúc, nhưng EU và các nước thành viên vẫn chưa cùng nhau thảo luận, xem xét lại cách thức họ muốn hợp tác với Anh, với tư cách là quốc gia thứ ba, trong các vấn đề quốc tế quan trọng.

Cho đến nay, tham vọng của "EU 27" chỉ giới hạn ở việc cung cấp các thỏa thuận an ninh quốc gia tiêu chuẩn với nước thứ ba, nghĩa là không có tham vấn hoặc hành động chung về chính sách đối ngoại và an ninh.

Về phần mình, Anh đã bị cản trở trong việc xây dựng một chiến lược hợp tác chặt chẽ của châu Âu thời kỳ hậu Brexit vì vị trí của nước này trong nền kinh tế, chính trị của châu Âu vẫn còn bất ổn bởi các điều khoản của mối quan hệ thương mại trong tương lai lúc đó vẫn chưa được xác định.

Các chi phí và lợi ích đối với nền kinh tế Anh do các điều khoản thương mại mới mang lại sẽ vẫn còn gây tranh cãi trong thời gian tới, và việc đánh giá đầy đủ các tác động kinh tế có thể phải mất một thập kỷ, nhưng những hậu quả chính trị của Hiệp định Brexit còn dễ dàng nhận thấy hơn.

EU đã mất một quốc gia thành viên, và một tiền lệ được đặt ra là làm thế nào để dỡ bỏ các bổn phận của tư cách thành viên khi mà một kiểu quan hệ thương mại mới của EU với một quốc gia láng giềng được thiết lập, một kiểu quan hệ không dựa trên tham vọng hội nhập chặt chẽ với khuôn khổ pháp lý của thị trường chung EU.

Mối quan hệ theo “kiểu của Anh” có thể được thêm vào danh sách các mô hình thay thế cho tư cách thành viên EU, cùng với mối quan hệ kiểu Na Uy/ thuộc khu vực kinh tế châu Âu EEA, kiểu Thụy Sĩ và Ukraine.

Đối với Vương quốc Anh, Brexit đã gây ra những rạn nứt mới khi các phong trào dân tộc chủ nghĩa ở Scotland, xứ Wales và Bắc Ireland cũng được thúc đẩy mạnh mẽ bằng chính sự thành công của Vương Anh khi rời khỏi EU, tạo điều kiện cho họ giành lại tư cách thành viên EU.

Và Chính phủ Vương quốc Anh do Thủ tướng Boris Johnson lãnh đạo đã buộc phải chấp nhận thị trường nội địa của Vương quốc Anh không thể hoạt động một cách thống nhất trên toàn lãnh thổ của mình.

Khi Bắc Ireland bắt đầu mối quan hệ của riêng mình với thị trường chung của EU (áp dụng các quy định quản lý thị trường khác nhau so với phần còn lại của Vương quốc Anh, được phân định bằng 1 biên giới “thủ tục giấy tờ” ở Biển Ireland), vị thế của Ireland, vốn đã đặc biệt trong Vương quốc Anh nhờ Thỏa thuận Thứ Sáu Tốt lành, thì nay sẽ càng sâu sắc hơn.

Trong khi đó, sự thúc đẩy độc lập ở Scotland dường như sẽ trở thành cuộc tranh luận chính trị gay gắt về tương lai của Liên hiệp Vương quốc Anh nếu Đảng Quốc gia Scotland (SNP) sử dụng cuộc bầu cử quốc hội Scotland vào tháng 5/2021 để tiến hành cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai về ly khai ra khỏi Liên hiệp Vương quốc Anh.

Tuy nhiên, ít nhất thì việc cùng phản đối vấn đề đòi độc lập của Scotland có thể thống nhất Quốc hội Westminster mà trước đây bị chia rẽ gay gắt, cả giữa các đảng phái chính trị lẫn trong nội bộ mỗi đảng, vì Brexit.

Hiện tại, cuộc tranh luận chính trị giữa các đảng phái có thể tập trung vào việc liệu có làm sâu sắc thêm hay làm suy yếu hơn nữa mối quan hệ với EU, hơn là thúc đẩy tái gia nhập EU.

Việc hai bên chính thức phê chuẩn Hiệp định Thương mại và Hợp tác báo hiệu sự khởi đầu của trạng thái “bình thường mới” trong mối quan hệ giữa EU và Vương quốc Anh.

Tính biểu tượng của việc đạt được một thỏa thuận chính thức sau tất cả những bất ổn chính trị có thể là cơ sở cho sự hợp tác thực chất hữu hình ngoài vấn đề thương mại.

Tuy nhiên, cần phải xem xét rộng hơn và sâu hơn những tính toán của London, Brussels và các thủ đô của các quốc gia thành viên EU về những kỳ vọng cho mối quan hệ tương lai của họ.

Vương quốc Anh vẫn gắn bó với an ninh châu Âu và có vai trò quan trọng trong sự ổn định và phát triển liên tục của Khối thị trường chung EU và đồng Euro.

EU có lợi ích lớn trong sự thành công về kinh tế, sự toàn vẹn chính trị và gắn kết xã hội của “nước láng giềng mới” là Anh.

Tuy nhiên, trong tương lai gần, Brussels hoặc các thủ đô của các quốc gia thành viên không cần phải thúc đẩy đàm phán thêm các thỏa thuận chính thức về các vấn đề không có trong thỏa thuận hợp tác và thương mại, chẳng hạn như chính sách đối ngoại hoặc quốc phòng.

Hiện tại, Vương quốc Anh cũng tỏ ra không muốn các cuộc đàm phán mới diễn ra, trong bối cảnh các vấn đề chính trị cấp thiết trong nước cho thấy tiến trình Brexit đã kết thúc.

Tuy nhiên, mối quan tâm chung về an ninh và ổn định của hai bên thể hiện rõ trong các thách thức quốc tế cùng phải đối mặt, chẳng hạn như Trung Quốc, biến đổi khí hậu, cam kết của Mỹ đối với trật tự quốc tế đa phương, sự ổn định của khu vực cận châu Âu, và đặc biệt là các mối quan hệ trong tương lai với Nga.

Hiện tại, có lẽ giải pháp chung EU-Vương quốc Anh trong năm mới là hướng tới các vấn đề quốc tế cùng chung lợi ích và nhất trí rằng việc xây dựng lại mối quan hệ gắn kết tự nhiên vẫn sẽ phục vụ tốt nhất lợi ích của cả EU và Vương quốc Anh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục