Áp chuẩn quốc tế đánh giá học sinh từ 2012

Từ năm 2012, Việt Nam có thể tham gia chương trình quốc tế đánh giá kết quả học tập của học sinh (PISA) để đến năm 2020 kịp xây dựng chiến lược giáo dục phù hợp, đáp ứng những tiêu chuẩn tiên tiến của quốc tế.

Từ năm 2012, Việt Nam có thể tham gia chương trình quốc tế đánh giá kết quả học tập của học sinh (PISA) để đến năm 2020 kịp xây dựng chiến lược giáo dục phù hợp, đáp ứng những tiêu chuẩn tiên tiến của quốc tế.
 
Trên đây là ý kiến được đưa ra tại hội thảo Chương trình quốc tế đánh giá kết quả học tập của học sinh (Programme for International Student Assessment - PISA), do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 13/4 ở Hà Nội.
 
Đây là chương trình do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khởi xướng từ năm 1997 nhằm thu thập và cung cấp các dữ liệu có thể so sánh về trình độ đọc, toán học và khoa học của các học sinh từ 15 tuổi 3 tháng tới 16 tuổi 2 tháng, qua đó kiểm tra khả năng đáp ứng thách thức của cuộc sống sau này theo chuẩn quốc tế. Từ đó, chính phủ các nước lựa chọn chính sách giáo dục phổ thông tối ưu nhất.
 
Các lĩnh vực được đánh giá trong PISA là năng lực làm toán phổ thông, đọc hiểu phổ thông và khoa học phổ thông. Đa số ý kiến tham gia hội thảo đều thống nhất việc tham gia vào PISA là cơ hội để giáo dục phổ thông của Việt Nam nhanh chóng hòa với xu thế chung của thế giới.
 
Đây cũng là cơ sở khách quan, khoa học để ngành giáo dục nhận thức "thứ hạng" chất lượng học sinh Việt Nam trong tương quan chung với các quốc gia. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bành Tiến Long khẳng định: tham gia PISA là một cơ hội để ngành giáo dục Việt Nam thấy rõ điểm mạnh, điểm yếu của học sinh và cả quá trình giáo dục, từ đó có những điều chỉnh để nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục.
 
Hiện có 67 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia chương trình PISA và nhiều nước đã điều chỉnh chương trình giáo dục của mình. Do PISA không thực hiện đánh giá theo chương trình giáo dục riêng của từng nước mà đánh giá năng lực của học sinh nên một số nước tuy có nền giáo dục được đánh giá cao là phát triển cao như Đức, Mỹ nhưng khi tham gia chương trình lại không đạt số điểm cao bằng những nước vốn có nền giáo dục ít được chú ý tới.../.
 
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục