Áp lực giá đầu vào: Doanh nghiệp tối ưu chi phí, giữ chân khách hàng

Trước biến động của giá đầu vào, nhiều doanh nghiệp đã tối ưu mọi chi phí, ổn định lao động, chuẩn bị cho kế hoạch sản xuất đến cuối năm và giữ chân khách hàng.
Áp lực giá đầu vào: Doanh nghiệp tối ưu chi phí, giữ chân khách hàng ảnh 1Sản xuất các đơn hàng dệt may phục vụ xuất khẩu. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Việc giá đầu vào nhất là nhiên liệu liên tục biến động trong thời gian qua đã gây áp lực không nhỏ tới hoạt động sản xuất-kinh doanh của nhiều doanh nghiệp.

Song, để giữ vững thị trường và khách hàng, việc đổi mới công nghệ, tối ưu hóa các chi phí đang là giải pháp được các doanh nghiệp lựa chọn và đẩy mạnh.

Thêm gánh nặng chi phí

Vừa trải qua thời kỳ khó khăn nhất của giai đoạn giãn cách xã hội và các biện pháp thắt chặt phòng chống dịch bệnh COVID-19, công ty Xuân Hùng chuyên sản xuất hàng tiêu dùng của ông Nguyễn Minh Tâm đóng trên địa bàn Hà Nội lại đối mặt với nhiều khó khăn khác.

Theo ông, từ đầu năm 2022, giá xăng, dầu liên tục biến động khiến việc nhập khẩu nguyên liệu đứng trước sức ép tăng giá rất lớn, trong đó nhiều chi phí tăng từ 10-25%.

“Dù không trực tiếp tiêu thụ xăng dầu, song các dịch vụ liên quan như vận chuyển, thuê kho bãi tăng kéo theo chi phí của doanh nghiệp cũng tăng theo,” ông Tâm nói.

[Bộ Công Thương: Linh hoạt công cụ thuế để bình ổn thị trường xăng dầu]

Trong 6 lần điều chỉnh tăng liên tiếp kể từ đầu năm 2022, mỗi lít xăng RON95-III tăng khoảng 6.500 đồng/lít, còn dầu diesel cũng cộng thêm gần 7.700 đồng/lít.

Việc giá xăng dầu tăng cao đã tác động trực tiếp đến nhóm giao thông vận tải như vận tải hành khách bằng đường sắt, hàng không, đường bộ, đường thủy, xe buýt, taxi… và vận chuyển hàng hóa.

Ngoài ra, xăng dầu tăng còn làm tăng chi phí sản xuất các mặt hàng sử dụng xăng dầu làm đầu vào cho sản xuất, cũng như tác động tới giá cả các mặt hàng khác trong nhóm hàng hóa…

Ông Nguyễn Minh Châu, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn cơ khí chính xác Hà Nội CNC (đóng trên địa bàn huyện Mê Linh, Hà Nội) chia sẻ, trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn không ngừng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp thì giá xăng dầu leo thang là một "cú bồi" tiếp theo.

Về xăng dầu tăng giá, kéo theo chi phí nhiên liệu tăng, cước vận chuyển đi lên, các chế phẩm dầu mỡ phục vụ sản xuất điều chỉnh giá chóng mặt... Còn tác động gián tiếp, chi phí nguyên vật liệu tăng do nhà cung cấp điều chỉnh giá bán, cũng như tâm lý người lao động dao động do chi phí sinh hoạt leo thang.

Chia sẻ tối đa với khách hàng

Mặc dù vừa trải qua khó khăn do tác động của dịch bệnh, song theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội dệt may thêu đan thành phố Hồ Chí Minh, chi phí sản xuất tăng nhưng nhiều doanh nghiệp chấp nhận giảm lợi nhuận, ổn định lao động, chuẩn bị cho kế hoạch sản xuất đến cuối năm và giữ được khách hàng.

Song song với đó, các doanh nghiệp cũng chú trọng đẩy mạnh chăm lo đời sống của người lao động để họ yên tâm gắn bó với công việc.

“Nếu ổn định và tăng trưởng sẽ giúp cho các doanh nghiệp có thể đáp ứng được yêu cầu khách hàng bởi khách hàng và thị trường hiện nay đòi hỏi phải tập trung vấn đề chất lượng và tiến độ giao hàng, điều này cũng khẳng định uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp,” ông Phạm Xuân Hồng nói.

Áp lực giá đầu vào: Doanh nghiệp tối ưu chi phí, giữ chân khách hàng ảnh 2Áp dụng công nghệ, hướng tới các giải pháp sản xuất bền vững. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Trong khi đó, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cơ khí chính xác Hà Nội CNC Nguyễn Minh Châu cũng chia sẻ, doanh nghiệp đã triển khai một số giải pháp như: Kết hợp, ghép xe để giảm tối đa chi phí vận chuyển sản phẩm.

Cùng với đó, công ty đã thúc đẩy các giải pháp công nghệ để nâng cao năng suất lao động, cố gắng không tăng giá bán sản phẩm. Nếu phải tăng, chủ trương cũng cố gắng chia sẻ tối đa với khách hàng để lượng điều chỉnh là thấp nhất.

Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn, lãnh đạo công ty luôn quan tâm và động viên người lao động nhằm ổn định tâm lý thông qua việc đảm bảo công việc hàng ngày, không cắt giảm nhân sự, cam kết duy trì phụ cấp giao thông đang áp dụng hỗ trợ 500.000 đồng/lao động/tháng.

Đại diện doanh nhân này cũng mong muốn Chính phủ có phương án bình ổn giá giá xăng, dầu bằng các công cụ thuế, quỹ bình ổn….

"Doanh nghiệp sản xuất muốn điều chỉnh giá bán sản phẩm phải tổng hợp, đề xuất tới khách hàng các nguyên nhân tăng giá, có trường hợp vừa được khách hàng phê duyệt thay đổi đã thành lỗi thời vì những yếu tố đầu vào thay đổi quá nhanh như giá nguyên vật liệu hay tiêu biểu là giá xăng dầu…," ông Châu nói.

Còn theo ông Nguyễn Minh Tâm, doanh nghiệp cố gắng tận dụng, tiết kiệm nguyên vật liệu tối đa để có thể giảm bớt một phần chi phí. Đồng thời, tận dụng tối đa chi phí vận chuyển hàng hóa đi các đại lý để tiết kiệm chi phí xăng dầu.

Bên cạnh đó, Công ty cũng thương lượng với đơn vị vận chuyển để không tăng phí vận chuyển đột ngột qua đó giảm bớt áp lực lên giá thành sản phẩm.

Song về lâu dài, trước diễn biến phức tạp của giá nhiên liệu trên thế giới, đại diện doanh nghiệp này cũng kiến nghị cơ quan chức năng xem xét bình ổn giá xăng dầu để không làm ảnh hưởng quá nhiều đến hoạt động sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội (Hanoisme), cho biết hiện nay, doanh nghiệp vẫn rất khó khăn trong khi giá cả nhiều mặt hàng ở mức cao, việc xem xét các biện pháp về thuế môi trường là hết sức cần thiết để cân bằng nền kinh tế, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, việc đảm bảo nguồn cung được coi là yếu tố then chốt để giữ ổn định thị trường xăng dầu.

Đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng, với những giải pháp quyết liệt và thực tế, thị trường xăng dầu sẽ được kiểm soát ổn định, tạo đà cho quá trình phục hồi và phát triển giai đoạn tới.

Về phía vĩ mô, chiều 23/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, thông qua Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31/12/2022, nhằm góp phần giảm giá bán, từ đó làm hạn chế sự gia tăng chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, ổn định lạm phát.

Theo đó, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn từ ngày 1/4 đến hết 31/12 đối với xăng giảm 2.000 đồng/lít, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn giảm 1.000 đồng/lít...

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục