ASEAN, Australia thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện

Theo Tuyên bố Chủ tịch được công bố sau hội nghị cấp cao ASEAN-Australia, hai bên tái khẳng định cam kết tăng cường đối thoại và hợp tác, vạch ra con đường phục hồi hậu đại dịch COVID-19.
Thủ tướng Australia Scott Morrison (giữa) dự Hội nghị cấp cao ASEAN-Australia lần thứ nhất theo hình thức trực tuyến, ngày 27/10/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, tại Hội nghị cấp cao ASEAN-Australia lần thứ nhất diễn ra vào ngày 27/10 theo hình thức trực tuyến dưới sự chủ trì của Brunei, hai bên đã nhất trí thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện có ý nghĩa, thực chất và cùng có lợi.

Để đánh dấu chương mới này trong quan hệ song phương, Australia đã công bố Sáng kiến tương lai ASEAN với ngân sách 124 triệu AUD (hơn 93 triệu USD) nhằm giải quyết các thách thức phức tạp trong khu vực như an ninh y tế, khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, an ninh năng lượng, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn và sức khỏe đại dương, hỗ trợ triển khai các lĩnh vực hợp tác ưu tiên của ASEAN được nêu trong Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP).

Theo Tuyên bố Chủ tịch được công bố sau hội nghị, hai bên tái khẳng định cam kết tăng cường đối thoại và hợp tác, vạch ra con đường phục hồi hậu đại dịch COVID-19, và duy trì hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực.

[Nhiều nước ASEAN ủng hộ nâng cấp quan hệ với Australia]

ASEAN hoan nghênh việc Australia dành 500 triệu AUD cho các biện pháp phát triển kinh tế và an ninh mới tại Đông Nam Á, phù hợp với các lĩnh vực hợp tác ưu tiên của ASEAN được xác định trong AOIP và 83 triệu AUD cho các sáng kiến “'Đối tác phục hồi ASEAN-Australia."

ASEAN đánh giá cao cam kết của Australia trong việc hỗ trợ tiếp cận công bằng vaccine và an ninh y tế trong khu vực, thông qua Sáng kiến tiếp cận vaccine và an ninh y tế trị giá 523,2 triệu AUD; ghi nhận việc Australia trực tiếp hỗ trợ 4 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho các nước thành viên ASEAN và hỗ trợ gián tiếp hơn 20 triệu liều vaccine cho Đông Nam Á thông qua Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), cũng như cam kết hỗ trợ thêm ít nhất 10 triệu liều vaccine từ nguồn cung trong nước trong khoảng thời gian từ cuối năm 2021 đến giữa năm 2022.

Hai bên tái khẳng định cam kết làm sâu sắc hơn nữa hợp tác chính trị-an ninh, liên quan đến các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống, trong đó có việc tăng cường hợp tác an ninh hàng hải.

ASEAN hoan nghênh cam kết của Australia tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh nhằm giải quyết các thách thức truyền thống và phi truyền thống chung thông qua các cơ chế do ASEAN dẫn dắt.

Hai bên hoan nghênh các tiến bộ đạt được trong việc nâng cấp Khu vực thương mại tự do ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA), dự kiến sẽ hoàn tất vào năm 2022.

ASEAN đánh giá cao cam kết của Australia trong việc hỗ trợ các nỗ lực của ASEAN nhằm tăng cường hội nhập kinh tế khu vực và đẩy nhanh quá trình phục hồi toàn diện hậu đại dịch COVID-19.

ASEAN hoan nghênh sự đóng góp của Australia vào hội nhập kinh tế khu vực trong khuôn khổ Kế hoạch tổng thể năm 2025 của Cộng đồng Kinh tế ASEAN và hỗ trợ thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN.

ASEAN cũng hoan nghênh cam kết của Australia trong việc hỗ trợ phục hồi kinh tế khu vực thông qua hỗ trợ kỹ thuật và phát triển các cơ sở hạ tầng chất lượng cao.

Hai bên mong muốn tiếp tục hợp tác trong các lĩnh vực như khởi nghiệp kỹ thuật số, thương mại điện tử, số hóa các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME), khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang phát triển nhanh chóng.

Hai bên tái khẳng định cam kết thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý thiên tai, rác thải đại dương và các mô hình kinh tế tuần hoàn.

Về vấn đề Biển Đông, hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, thịnh vượng, an toàn, tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông và theo đuổi giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, phù hợp với các nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục