ASEAN và EU trao đổi chính sách về tiếp cận vaccine COVID-19 an toàn

ASEAN và EU có chung lợi ích trong việc theo đuổi cách tiếp cận đa phương nhằm tiếp cận vắcxin COVID-19 an toàn và hiệu quả, với giá cả phải chăng, công bằng và bình đẳng.
ASEAN và EU trao đổi chính sách về tiếp cận vaccine COVID-19 an toàn ảnh 1Sáng kiến Covax giúp các nước nghèo tiếp cận bình đẳng về vaccine ngừa COVID-19. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 8/12, các chuyên gia thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Liên minh châu Âu (EU) đã trao đổi các thực tiễn tốt nhất về chính sách và các cơ hội hợp tác về vắcxin ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Trong thông cáo, Phái đoàn EU tại ASEAN cho rằng với tư cách là hai tổ chức khu vực hàng đầu thế giới, ASEAN và EU có chung lợi ích trong việc theo đuổi cách tiếp cận đa phương nhằm tiếp cận vắcxin COVID-19 an toàn và hiệu quả, với giá cả phải chăng, công bằng và bình đẳng.

Thông cáo cho biết Hội nghị Bộ trưởng ASEAN - EU lần thứ 23 diễn ra vào ngày 1/12 vừa qua đã khẳng định cam kết tiếp tục ủng hộ chủ nghĩa đa phương trong ứng phó với đại dịch COVID-19 và việc cung ứng vắcxin COVID-19 như một loại hàng hóa công cộng toàn cầu.

[UAE chính thức đăng ký vắcxin phòng ngừa COVID-19 của Trung Quốc]

EU đã đóng góp 500 triệu euro (hơn 605 triệu USD) viện trợ không hoàn lại và các khoản vay được đảm bảo cho Cơ chế tiếp cận vắcxin toàn cầu (COVAX). COVAX đặt mục tiêu đẩy nhanh việc phát triển và sản xuất vắcxin ngừa COVID-19, cũng như đảm bảo quyền tiếp cận bình đẳng, miễn phí và công bằng cho mọi quốc gia trên thế giới. Tính đến nay, cơ chế này đã thu hút sự tham gia của 189 nền kinh tế.

Hợp tác song phương về vắcxin được xây dựng dựa trên sự hỗ trợ rộng rãi của EU dành cho Đông Nam Á, đáng chú ý nhất là gói hỗ trợ “Nhóm châu Âu” trị giá 800 triệu euro nhằm giảm thiểu các tác động của đại dịch COVID-19 trong khu vực. Tuần trước, EU đã công bố chương trình hỗ trợ mới mang tên “Chuẩn bị và ứng phó với đại dịch y tế ở Đông Nam Á” trị giá 20 triệu euro. 

Cuộc đối thoại trực tuyến ngày 8/12 đã cung cấp nền tảng cho các nhà thực thi chính sách hàng đầu của ASEAN và EU, cũng như các chuyên gia y tế nhằm trao đổi về các chiến lược và khía cạnh thực tế của việc cấp phép, sản xuất và phân phối vắcxin.

Phát biểu tại cuộc đối thoại, Phó Tổng Thư ký ASEAN phụ trách cộng đồng văn hóa - xã hội Kung Phoak cho biết ASEAN và EU đã phối hợp và hợp tác ở nhiều cấp độ và thông qua các bên liên quan khác nhau nhằm ứng phó hiệu quả với đại dịch COVID-19. 

Phó Tổng Thư ký ASEAN cho rằng cuộc đối thoại về vắcxin này tiếp tục làm sâu sắc hơn và tạo điều kiện thuận lợi đổi mới hợp tác y tế giữa ASEAN và EU, đồng thời thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ bền chặt trong việc trao đổi các chính sách hướng tới việc tiếp cận vắcxin COVID-19 an toàn và hiệu quả.

Về phần mình, Giáo sư Peter Piot - Cố vấn đặc biệt của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) về COVID-19 và là Hiệu trưởng Trường Y học nhiệt đới và vệ sinh dịch tễ London khẳng định rằng vắcxin an toàn và hiệu quả đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng COVID-19. 

Tuy nhiên, Giáo sư Peter Piot cho rằng không có quốc gia nào được an toàn cho đến khi tất cả các quốc gia đều an toàn, đồng thời nhấn mạnh rằng sự hợp tác và sự dẫn dắt của EU - ASEAN quan trọng hơn bao giờ hết trong việc đảm bảo rằng tất cả mọi người đều được hưởng lợi từ vắcxin./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục