ASEAN-Trung Quốc: "Bánh kinh tế" bên trong, "đanh giọng" bên ngoài

Mặc dù ông Tập Cận Bình nhấn mạnh mối quan hệ thân thiện ở Đông Nam Á, song Trung Quốc và một số quốc gia thành viên ASEAN vẫn bất bình về vấn đề Biển Đông.
ASEAN-Trung Quốc: "Bánh kinh tế" bên trong, "đanh giọng" bên ngoài ảnh 1Chủ Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Trung Quốc diễn ra theo hình thức trực tuyến, tại Bắc Kinh, ngày 22/11/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo Reuters/Kyodo/Sputnik/Tân Hoa xã/Trang mạng Foxnews.com, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 22/11 tuyên bố Trung Quốc sẽ không tìm kiếm vị thế thống trị ở Đông Nam Á hoặc bắt nạt những nước láng giềng nhỏ bé hơn, trong bối cảnh rạn nứt quan hệ giữa Trung Quốc và một số quốc gia khu vực liên quan đến tranh chấp Biển Đông vẫn tiếp diễn.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc đưa ra tuyên bố trên tại cuộc họp trực tuyến với thành viên các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) để kỷ niệm 30 năm quan hệ đối tác đối thoại ASEAN-Trung Quốc.

Hai nguồn tin ngoại giao chia sẻ với foxnews rằng Myanmar đã không tham dự cuộc họp này sau khi chính quyền quân sự Myanmar từ chối cho phép đặc phái viên ASEAN gặp nhà lãnh đạo bị lật đổ Aung San Suu Kyi và những chính trị gia khác đang bị giam giữ.

Thống tướng Min Aung Hlaing cũng không được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN diễn ra hồi tháng 10/2021. Theo hai nguồn tin ngoại giao, Bắc Kinh mong muốn tất cả 10 nước thành viên ASEAN đều tham dự hội nghị ASEAN-Trung Quốc, song Brunei - nước hiện nắm giữ vai trò chủ tịch luân phiên của khối - đã bác bỏ sự tham dự của Myanmar.

Trung Quốc lâu nay không ngừng xoa dịu những quan ngại về sức mạnh và tầm ảnh hưởng ngày càng gia tăng của nước này trong khu vực, nhất là tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với toàn bộ khu vực rộng lớn ở Biển Đông, vốn trùng với tuyên bố chủ quyền của một số thành viên ASEAN.

Tân Hoa xã dẫn lời ông Tập Cận Bình khẳng định: "Trung Quốc kiên quyết phản đối chủ nghĩa bá quyền và chính trị quyền lực, mong muốn duy trì quan hệ thân thiện với các nước láng giềng và cùng vun đắp hòa bình lâu dài trong khu vực cũng như nhất định không tìm kiếm vị thế bá quyền hoặc bắt nạt nước nhỏ."

Thông điệp của Chủ tịch Tập Cận Bình được đưa ra nhiều ngày sau khi tàu hải cảnh Trung Quốc ngăn chặn và phun vòi rồng vào 2 tàu tiếp tế của Philippines ở Biển Đông.

Vấn đề Biển Đông: Trung Quốc vẫn "cứng giọng" ngoài hội nghị

Theo Kyodo, mặc dù ông Tập Cận Bình nhấn mạnh mối quan hệ thân thiện với láng giềng ở Đông Nam Á, song Trung Quốc và các quốc gia thành viên ASEAN vẫn bất bình về vấn đề tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã nhấn mạnh vụ việc nói trên tại hội nghị trực tuyến. Thông báo của văn phòng Tổng thống Duterte nêu rõ: "Chúng tôi bất bình trước sự việc gần đây ở bãi cạn Ayungin (cách Philippines gọi bãi Cỏ Mây) và quan ngại sâu sắc đối với những sự việc tương tự. Điều này không thể hiện tốt mối quan hệ giữa các nước và quan hệ đối tác của chúng ta."

Ông Duterte cũng kêu gọi Trung Quốc tôn trọng Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và phán quyết mà Tòa Trọng tài Thường trực ở La Haye (Hà Lan) đưa ra hồi năm 2016, trong đó bác bỏ yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh đối với phần lớn Biển Đông.

[Bước nhảy vọt trong quan hệ ASEAN-Trung Quốc sau 30 năm]

Thủ tướng Malaysia Ismail SabriYaakob cũng đề cập đến vấn đề Biển Đông khi phát biểu tại hội nghị, khẳng định những vấn đề liên quan đến Biển Đông cần phải được giải quyết một cách hòa bình và mang tính xây dựng, phù hợp với những nguyên tắc của luật quốc tế được thừa nhận rộng rãi.

Tuyên bố của văn phòng Thủ tướng Malaysia nêu rõ: "Tất cả các bên cần tự kiềm chế và tránh những hành động có thể bị coi là mang tính gây hấn mà có thể làm phức tạp thêm tình hình và leo thang căng thẳng trong khu vực."

Mặc dù Chủ tịch Tập Cận Bình đã phát đi thông điệu xoa dịu về vấn đề Biển Đông nói trên song quan chức Trung Quốc vẫn "cứng giọng" về vấn đề này khi phát biểu tại một sự kiện bên ngoài hội nghị.

Tại một cuộc họp báo thường kỳ hôm 22/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã tái khẳng định quan điểm của Trung Quốc bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài, đồng thời tuyên bố rằng chủ quyền lãnh thổ cũng như quyền và lợi ích hàng hải của nước này ở Biển Đông dựa trên căn cứ pháp lý và lịch sử đầy đủ.

Ông Triệu Lập Kiên tuyên bố: "Bất kỳ nỗ lực nào nhằm thách thức chủ quyền và lợi ích của Trung Quốc sẽ không thành công."

Theo hãng tin Reuters, Trung Quốc lâu nay vẫn chỉ trích Mỹ có "tư duy chiến tranh lạnh" khi Washington tập hợp những đồng minh khu vực để đẩy lùi tầm ảnh hưởng kinh tế và sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng của Bắc Kinh.

Tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN diễn ra theo hình thức trực tuyến hồi tháng 10/2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tham dự và cam kết sẽ can dự lớn hơn với khu vực.

Trong nhiều năm qua, Trung Quốc và ASEAN đã tiến hành đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) song không đạt được nhiều tiến triển đáng kể. Kyodo dẫn nhận định giới chuyên gia cho rằng Trung Quốc, vốn đang cạnh tranh với Mỹ về tầm ảnh hưởng ở Đông Nam Á, muốn đưa vào COC một điều khoản nhằm ngăn chặn sự can dự của Mỹ đối với vấn đề Biển Đông.

"Chiếc bánh kinh tế thương mại" tại hội nghị

Trong khi đó, Trung Quốc vẫn là một thị trường quan trọng và là nguồn đầu tư đối với các nước Đông Nam Á, vì vậy, ASEAN lâu nay vẫn tìm cách tránh xung đột với Bắc Kinh.

Về quan hệ kinh tế-thương mại, Tân Hoa xã cho biết ASEAN và Trung Quốc lần đầu tiên trong năm 2020 đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của nhau. Tại hội nghị, ông Tập Cận Bình kêu gọi tăng cường hơn nữa vai trò của Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), xúc tiến công tác tiến tới vòng đàm phán mới về việc sớm nâng cấp hiệp định thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc, tăng cường mức độ tự do hóa và thúc đẩy thương mại cũng như đầu tư.

Ngoài ra, ông Tập Cận Bình kêu gọi ASEAN và Trung Quốc mở rộng hợp tác trong những lĩnh vực mới như kinh tế số và kinh tế xanh, đồng thời xây dựng những khu vực chung để phát triển những hoạt động kinh tế sáng tạo.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục hoành hành trên thế giới, Tập Cận Bình tuyên bố Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với ASEAN để cùng xây dựng tấm "lá chắn y tế" bảo vệ cho toàn khu vực.

Trung Quốc sẽ trao tặng thêm 150 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho các nước ASEAN nhằm nâng cao tỷ lệ tiêm chủng của các nước. Ngoài ra, Bắc Kinh sẽ hỗ trợ thêm 5 triệu USD cho quỹ ứng phó COVID-19 của ASEAN, thúc đẩy hoạt động cùng sản xuất vaccine và chuyển giao công nghệ chế tạo vaccine.

Đánh giá về động thái này, chuyên gia Artem Garin - làm việc tại Trung tâm Đông Nam Á, Australia và châu Đại Dương thuộc Viện Nghiên cứu phương Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga - chia sẻ với Sputnik: "Nếu các nước lớn khác chứng tỏ quan hệ hợp tác của họ với ASEAN thì đương nhiên Trung Quốc cũng cần thực hiện các động thái để thể hiện sự ủng hộ đối với ASEAN. Trong bối cảnh các quốc gia ASEAN áp dụng nhiều biện pháp khác nhau để khôi phục kinh tế sau đại dịch, việc phát triển hợp tác kinh tế và thương mại với Trung Quốc sẽ mở ra thêm dư địa linh hoạt cho các nước ASEAN."

Trở thành đối tác chiến lược toàn diện

Theo Tân Hoa xã, Trung Quốc và ASEAN đã nhất trí nâng cấp quan hệ lên thành đối tác chiến lược toàn diện. Tập Cận Bình cho rằng đây là cột mốc mới trong lịch sử quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN đồng thời tạo động lực mới cho hòa bình, ổn định, thịnh vượng và phát triển của khu vực cũng như thế giới.

Kyodo lưu ý rằng những bình luận của Tập Cận Bình về quan hệ đối tác chiến lược toàn diện nói trên được đưa ra trong bối cảnh nước Anh ngày 22/11 cho biết Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), gồm Mỹ và Nhật Bản, sẽ mời các nước ASEAN tham dự hội nghị ngoại trưởng G7 theo hình thức trực tiếp tại Liverpool vào đầu tháng 12 tới.

Chuyên gia Xu Liping, làm việc Viện châu Á-Thái Bình Dương và sự ổn định toàn cầu, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc, bình luận: "Trung Quốc cảnh báo một số cường quốc và chống lại những hành động phiêu lưu ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương."

Tại hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Trung Quốc, Tập Cận Bình đã đưa ra đề xuất 5 điểm nhằm phát triển quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN trong tương lai, trong đó có việc cùng nhau xây dựng một khu vực hòa bình, an toàn, phồn thịnh và thân thiện.

Chuyên gia chính trị Lee Pei May thuộc trường Đại học Hồi giáo Quốc tế Malaysia cho rằng có nhiều lĩnh vực mà Trung Quốc và ASEAN có thể hợp tác với nhau, chẳng hạn như hợp tác trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Giáo sư quan hệ quốc tế Khin Ma Ma Myo thuộc trường Đại học Yangon cho rằng hai bên đã duy trì quan hệ đối thoại tích cực và sống động trong 30 năm qua và giờ đây cần tăng cường hợp tác trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 nhằm giảm thiểu tác động của đại dịch và xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho khu vực./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục