Ngày 19/10, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường kêu gọi các nước châu Á và châu Âu thúc đẩy kết nối, đồng thời duy trì vai trò chủ đạo của chủ nghĩa đa phương cũng như cam kết xây dựng một nền kinh tế toàn cầu cởi mở.
Phát biểu tại Hội nghị Cấp cao Á-Âu lần thứ 12 (ASEM 12) tại Brussels (Bỉ), Thủ tướng Lý Khắc Cường kêu gọi thúc đẩy "kết nối cứng" cơ sở hạ tầng để xây dựng các mạng lưới giao thông, công nghiệp và logistics trên khắp châu Á và châu Âu.
Ông nhấn mạnh các nước liên quan cũng cần tăng cường "kết nối mềm" các hệ thống, chính sách, quy tắc và tiêu chuẩn nhằm tận dụng tối đa các nhân tố như vốn, công nghệ, dịch vụ và dữ liệu.
Đề cập tới chủ nghĩa đa phương, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho rằng các nước phải tăng cường hợp tác và thực thi chủ nghĩa đa phương để có thể đương đầu với những thách thức toàn cầu.
Theo ông, các nước châu Á và châu Âu cần đẩy mạnh tham vấn và hợp tác, kiên quyết ủng hộ trật tự quốc tế dựa trên các nguyên tắc, thẩm quyền của Liên hợp quốc, cũng như các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc.
[Trung Quốc sử dụng chiến lược gì để tìm kiếm đối tác thương mại mới?]
Nhấn mạnh rằng châu Á và châu Âu là hai lực lượng đảm bảo ổn định toàn cầu và cũng là hai khối kinh tế lớn của thế giới, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho rằng các nước thuộc hai châu lục này, vốn phải đối mặt với những thách thức và hoàn cảnh mới, cần nâng cao trách nhiệm của mình trong việc duy trì hòa bình thế giới, đồng thời thúc đẩy phát triển và thịnh vượng.
Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng hối thúc các nước châu Á và châu Âu giữ vững cam kết xây dựng một nền kinh tế thế giới cởi mở.
Ông cho rằng đà phục hồi của nền kinh tế thế giới vẫn đòi hỏi phải gắn chặt với định hướng phát triển cởi mở và thúc đẩy sự phân công lao động toàn cầu ngày một toàn diện và cân bằng hơn.
Hai châu lục cũng cần kiên quyết bảo vệ hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, cũng như củng cố nền tảng thúc đẩy toàn cầu hóa kinh tế và thương mại tự do.
Thủ tướng Trung Quốc cũng nhấn mạnh các nỗ lực cần được thực hiện không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng toàn cầu, mà còn nhằm thu hẹp khoảng cách Bắc-Nam./.