AU nỗ lực phá thế bế tắc trong đàm phán chuyển giao quyền lực ở Sudan

AU cử nhóm chuyên gia tới Sudan để hỗ trợ đàm phán giữa các bên liên quan tại quốc gia này nhằm tạo điều kiện cho việc đạt được thỏa thuận hướng tới lập chính quyền chuyển tiếp dựa trên đồng thuận.
AU nỗ lực phá thế bế tắc trong đàm phán chuyển giao quyền lực ở Sudan ảnh 1Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi (AU) Moussa Faki Mahamat. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Liên minh châu Phi (AU) ngày 2/5 đã cử một nhóm chuyên gia tới Sudan để hỗ trợ đàm phán giữa các bên liên quan tại quốc gia này nhằm tạo điều kiện cho việc đạt được thỏa thuận hướng tới thành lập chính quyền chuyển tiếp dựa trên đồng thuận và do lực lượng dân sự dẫn dắt.

Trong một tuyên bố, AU cho biết phái bộ của tổ chức này, do Chủ tịch Ủy ban AU Moussa Faki Mahamat bổ nhiệm, đã bắt đầu các cuộc tham vấn.

Phái bộ này, do cố vấn chiến lược chính của Chủ tịch Ủy ban AU Mohamed Hacen Lebatt dẫn đầu, còn bao gồm nhiều chuyên gia thuộc AU.

Cũng theo tuyên bố trên, Chủ tịch Ủy ban AU đã kêu gọi các bên tại Sudan hợp tác đầy đủ với phái bộ của tổ chức này, cũng như đề nghị các đối tác quốc tế ủng hộ hoàn toàn nhiệm vụ của phái bộ.

Ông cũng hy vọng các nỗ lực hiện nay sẽ giúp sớm đạt được một thỏa thuận phù hợp với nguyện vọng của người dân Sudan, cũng như giúp đặt nền tảng vững chắc cho việc thay đổi dân chủ của Sudan.

[Sudan: Cựu Tổng thống Bashir bị cáo buộc tài trợ cho khủng bố]

Việc AU triển khai phái bộ đặc biệt tới Sudan diễn ra một ngày sau khi Hội đồng An ninh và Hòa bình AU hối thúc lực lượng quân đội đang cầm quyền ở Sudan chuyển giao quyền lực cho một chính quyền dân sự trong vòng 60 ngày.

Ba tuần sau khi Tổng thống Omar al-Bashir bị lật đổ, ngày 2/5, đám đông người biểu tình vẫn tập trung xung quanh các sở chỉ huy quân đội, kêu gọi tổ chức cuộc tuần hành "triệu người tham gia" nhằm gây sức ép buộc quân đội chuyển giao quyền lực cho chính quyền dân sự.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán giữa lực lượng biểu tình với Hội đồng Quân sự chuyển tiếp (TMC) rơi vào bế tắc. Mặc dù hai bên đã nhất trí thành lập Hội đồng cầm quyền chung, song vẫn  bất đồng về vai trò của các tướng lĩnh trong giai đoạn chuyển tiếp.

Trước đó, cùng ngày, Tổng công tố viên Sudan Al-Waleed Sayyed Ahmed đã ra lệnh thẩm vấn Tổng thống bị phế truất al-Bashir về các tội danh rửa tiền và tài trợ cho khủng bố./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục