Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, ngày 23/8, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo về tác động của làn sóng dịch tả mới bùng phát ở Sudan do các yếu tố như lũ lụt, ô nhiễm nguồn nước và vệ sinh kém ở các trại tị nạn trong nước (IDP) và cộng đồng địa phương.
Trong cuộc họp báo ở Geneva, Tiến sỹ Shible Sahbani, Đại diện và Trưởng phái bộ WHO tại Sudan, cho biết rằng trong vòng một tháng kể từ khi các trường hợp nghi ngờ đầu tiên được báo cáo, 658 trường hợp nhiễm trùng và 28 trường hợp tử vong đã được ghi nhận trên khắp năm tiểu bang, với tỷ lệ tử vong tăng 4,3%.
Ông nhấn mạnh trong số năm tiểu bang, Kassala ghi nhận số ca nhiễm cao nhất, với 473 ca nhiễm, tiếp theo là Al Qadarif với 110 ca và Gezira với 51 ca. Trong khi đó, Khartoum và các tiểu bang sông Nile báo cáo số ca ít hơn.
Hiện, WHO đang hợp tác chặt chẽ với các cơ quan y tế liên bang và tiểu bang để phối hợp ứng phó với đợt bùng phát dịch tả, bao gồm việc chuẩn bị sẵn bộ dụng cụ xét nghiệm dịch tả và các vật tư y tế thiết yếu khác tại những nơi có nguy cơ cao để ứng phó hiệu quả với các rủi ro liên quan đến mùa mưa.
Tiến sỹ Sahbani nhấn mạnh nhu cầu của tổ chức và các đối tác là phải có quyền tiếp cận an toàn và không bị cản trở đến tất cả các khu vực bị ảnh hưởng, qua đó giúp ứng phó hiệu quả với đợt bùng phát dịch tả, cùng với hỗ trợ tài chính bền vững để giải quyết các nhu cầu y tế ngày càng tăng do dịch bệnh, suy dinh dưỡng, thiên tai như mưa lớn và lũ lụt, và các mối đe dọa trực tiếp của chiến tranh./.
Dịch tả nguy hiểm nhất trong hơn 10 năm qua hoành hành ở miền Nam châu Phi
Báo cáo mới nhất của Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại châu Phi (AFRO) cho biết dịch tả bùng phát ở châu lục đã ảnh hưởng đến 18 quốc gia trong hai năm qua.