Australia, Anh bàn về việc tham gia liên minh quân sự ở Eo biển Hormuz

Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết sẽ hợp tác với cả Mỹ và Anh để tìm hiểu rõ vai trò của Australia trong liên minh này, trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
TCác tàu chở hàng đi qua vùng Vịnh. (Ảnh: AFP/TTXVN)
TCác tàu chở hàng đi qua vùng Vịnh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thủ tướng Australia Scott Morrison đã thảo luận với người đồng cấp Anh Boris Johnson về việc tham gia liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu để bảo vệ tuyến đường giao thông vận chuyển hàng hóa tại Eo biển Hormuz. 

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, phát biểu với truyền thông địa phương, Thủ tướng Australia Morrison cho biết ông đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Anh, trong đó đề cập tới việc Canberra đang cân nhắc kỹ lưỡng có tham gia vào sáng kiến quân sự chung tại vùng Vịnh hay không, trên quan điểm đây là sáng kiến quốc tế, đa quốc gia mà không phải là một sáng kiến đơn phương của bất kỳ nước nào.

Ông Morrison cho biết sẽ hợp tác với cả Mỹ và Anh để tìm hiểu rõ vai trò của Australia trong liên minh này, trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Nhà lãnh đạo Australia khẳng định nhiệm vụ của sáng kiến sẽ hoàn toàn là bảo vệ tuyến đường vận chuyển, mà không phải nhằm vào chương trình hạt nhân của Iran.

[Đức không tham gia liên minh an ninh hàng hải của Mỹ tại Trung Đông]

Ý tưởng tham gia liên minh quân sự hàng hải chung, do Mỹ dẫn đầu, được Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nêu ra tại cuộc hội đàm cấp bộ trưởng 2+2 giữa Australia và Mỹ, tổ chức vào cuối tuần trước.

Ông Pompeo đã lên tiếng yêu cầu Canberra giúp đỡ để bảo đảm an ninh hàng hải ở Eo biển Hormuz chống lại các cuộc tấn công bí hiểm hiện vẫn chưa xác định được thủ phạm.

Đầu tuần này, tân Thủ tướng Anh Boris Johnson đã tuyên bố tham gia nhiệm vụ này sau khi cân nhắc sự việc các tàu của Anh bị Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) bắt giữ hôm 19/7 tại Eo biển Hormuz.

Eo biển Hormuz chỉ rộng 33km nhưng lại là lối vào phía Đông và điểm ra vùng Vịnh, hiện do Iran và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) quản lý.

Tình hình tại đây đang ngày càng trở nên căng thẳng do các vụ tấn công tàu chở dầu, việc Iran và Mỹ bắn rơi máy bay do thám không người lái (UAV) của nhau, cũng như việc Iran bắt giữ tàu chở dầu của Anh.

Mỹ đã mời các nước Australia, Pháp, Đức, Nhật Bản, Na Uy, Bỉ, Anh và Hàn Quốc tham gia liên minh, khẳng định rằng tất cả các bên liên quan sẽ không chỉ bảo vệ lợi ích của họ mà còn để đảm bảo nguyên tắc cơ bản về giao thông hàng hải tự do và mở.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết Đức sẽ không tham gia liên minh hải quân của Mỹ, mà ủng hộ một sứ mệnh của Liên minh châu Âu trong vấn đề này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục