Azerbaijan ký nhiều thỏa thuận khí đốt với châu Âu

E.ON Global Commodities SE đã ký hợp đồng với tập đoàn Shah Deniz của Azerbaijan về việc cung cấp cho châu Âu gần 40 tỷ m3 khí đốt.
Ngày 19/9, Azerbaijan đã ký nhiều hợp đồng cung cấp khí đốt cho các khách hàng châu Âu, mở ra một nguồn cung ứng khác cho châu lục này ngoài Nga cho đến cuối thập kỷ này.

Đầu năm nay, công ty dầu mỏ nhà nước SOCAR của Azerbaijan và các đối tác, trong đó có BP (Anh) và Statoil (Na Uy), đã lựa chọn Đường ống xuyên biển Adriatic (TAP) làm hệ thống vận chuyển khí đốt tiềm tàng cho châu Âu, sau hơn 10 năm lên kế hoạch, gây ảnh hưởng không nhỏ tới tham vọng của Nga nhằm siết chặt kiểm soát đối với các tuyến vận chuyển khí đốt.

SOCAR cho biết các khách hàng mua khí đốt của Azerbaijan từ dự án Shah Deniz II với thời hạn 25 năm là công ty dầu khí đa quốc gia Shell liên kết giữa Hà Lan và Anh, Bulgargas (Bulgaria), Gas Natural Fenosa (Tây Ban Nha), DEPA (Hy Lạp), E.ON (Đức), GDF Suez (Pháp), Hera Trading và Enel (Italy), và AXPO (Thụy Sĩ).

Giám đốc điều hành mới được bổ nhiệm của E.ON Global Commodities SE, ông Christopher Delbrück, cho biết công ty đã ký hợp đồng với tập đoàn dầu khí Shah Deniz của Azerbaijan về việc cung cấp cho châu Âu gần 40 tỷ m3 khí đốt tự nhiên từ Azerbaijan. Đây được xem là một trong những hợp đồng lớn nhất trong lịch sử ngành công nghiệp dầu khí của Azerbaijan.

Theo ông Delbrück, thỏa thuận này là bước tiến quan trọng trong việc phát triển chiến lược toàn cầu của E.ON và hình thành quan hệ đối tác với Azerbaijan. Ông nhấn mạnh thỏa thuận này cho phép cung cấp khí đốt từ một khu vực mới tới châu Âu trong nhiều thập kỷ theo các điều kiện phù hợp với quan hệ kinh doanh hiện hành trên các thị trường châu Âu.

Trong khi đó, Giám đốc khu vực của tập đoàn dầu khí BP Gordon Birell cho biết việc ký kết các hợp đồng này là "tấm vé" đầu tiên để Azerbaijan bước ra thị trường châu Âu, cho phép cung cấp hơn 10 tỷ m3 khí đốt/năm cho các khách hàng Italy, Hy Lạp và Bulgaria.

Dự án TAP sẽ được khởi công vào cuối năm 2014 và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2018. Công suất của tuyến TAP dài 800km này có thể tăng từ 10 tỷ mét khối/năm lên 20 tỷ m3/năm, sau khi các trạm nén khí tại Hy Lạp và Anbani được xây dựng.

TAP là một phần của dự án Hành lang khí đốt phương Nam mà Liên minh châu Âu (EU) khởi xướng, có thể vận chuyển khối lượng đáng kể khí đốt từ khu vực Caspi tới châu Âu thông qua một mạng lưới các đường ống dẫn không đi qua Nga./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục