Azul từ bỏ thương vụ mua lại hãng hàng không lớn nhất Mỹ Latinh

Theo đại diện của Azul, kế hoạch tái cơ cấu do LATAM Airlines trình bày trước Tòa án New York cho thấy hãng hàng không này được định giá quá cao, khiến thương vụ mua lại trở nên bất khả thi.
Azul từ bỏ thương vụ mua lại hãng hàng không lớn nhất Mỹ Latinh ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: skyscrapercity.com)

Ngày 29/11, tập đoàn hàng không lớn thứ hai Brazil là Azul tuyên bố từ bỏ kế hoạch mua lại LATAM Airlines, với lý do hãng hàng không lớn nhất khu vực Mỹ Latinh này được định giá quá cao.

LATAM Airlines đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 11 ở tòa án tại New York (Mỹ) vào tháng 5/2020, giữa bối cảnh hoạt động du lịch thế giới bị ngưng trệ do đại dịch COVID-19.

Trong bối cảnh đó, hãng Azul vào ngày 11/11 vừa qua đã đề xuất mua lại LATAM với mức vốn hóa dự kiến là 5 tỷ USD trả bằng cổ phiếu sau khi sáp nhập. Phương án này đã được một số chủ nợ của LATAM Airlines ủng hộ.

Tuy nhiên, theo đại diện của Azul, kế hoạch tái cơ cấu do LATAM Airlines trình bày vào ngày 26/11 vừa qua trước Tòa án New York cho thấy hãng hàng không này được định giá quá cao, khiến thương vụ mua lại trở nên bất khả thi.

[Hãng hàng không Philippine Airlines đệ đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ]

Đại diện Azul giải thích, "tại thời điểm này" LATAM đánh giá giá trị doanh nghiệp của mình trong kế hoạch tái cơ cấu "lớn hơn mức mà Azul cho là hợp lý, đặc biệt là khi xem xét đến những bất ổn mà ngành hàng không quốc tế phải đối mặt trong dài hạn.”

Azul ban đầu tính toán đề xuất hợp nhất doanh nghiệp với LATAM sẽ tạo ra tổng giá trị khoảng 4 tỷ USD nhờ vào sự thúc đẩy mạng lưới hàng không quốc tế và mở rộng số lượng điểm đến.

Trong kế hoạch tái cơ cấu trình bày trước Bộ Tư pháp Mỹ vào ngày 26/11 vừa qua, LATAM đề xuất được rót vốn 8,19 tỷ USD nhằm thoát khỏi tình trạng phá sản theo Chương 11 trong luật phá sản của Mỹ.

LATAM cho biết đề xuất tài trợ sẽ bao gồm sự kết hợp giữa vốn chủ sở hữu mới, trái phiếu chuyển đổi và nợ, đồng thời cho biết thêm rằng tập đoàn này dự định tung ra một đợt chào bán quyền sở hữu cổ phần trị giá 800 triệu USD cho các cổ đông, sau khi kế hoạch trên được xác nhận.

Sau khi thoát khỏi nguy cơ phá sản, LATAM dự kiến sẽ mang tổng số nợ lên tới 7,26 tỷ USD và thanh khoản khoảng 2,67 tỷ USD.

Công ty có trụ sở tại Santiago, Chile đã báo cáo khoản lỗ ròng khoảng 692 triệu USD trong quý 3/2021, giữa bối cảnh tập đoàn hàng không này vẫn đang mang khối nợ lớn và phải đối mặt với những thách thức từ đại dịch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục