Vòng chung kết cuộc thi Ý tưởng xã hội Twenties’ Projects For Social Innovation diễn ra chiều nay, 22/4, với chiến thắng thuộc về ba dự án: “Trường làng trong phố”, “Stand by me” và “Những quãn cam công lý”.
Theo đó, mỗi dự án sẽ được ban tổ chức cuộc thi hỗ trợ 50 triệu đồng để có thể triển khai trong thực tế.
Dự án “Trường làng trong phố” với ý tưởng đem làng nghề lên phố để tới gần hơn những người trẻ nhằm giải quyết bài toán về khoảng cách địa lý, thay vì bị động chờ đợi những người trẻ tiềm năng tìm tới các làng nghề. Cụ thể, dự án đề xuất mô hình workshop học nghề, kết hợp với sự kiện talkshow - đối thoại cùng nghệ nhân và trưng bày sản phẩm.
Khách ghé thăm không chỉ được ngắm nhìn, tìm hiểu về sản phẩm, về những giá trị văn hóa, lịch sử của nó mà còn được thực sự đắm chìm vào quá trình sản xuất, được tự tay ghi dấu ấn cá nhân lên thành phẩm cuối cùng.
Trong năm đầu đi vào hoạt động, dự án dự kiến hợp tác với bốn làng nghề ở vùng ven Hà Nội gồm Chuồn chuồn tre Thạch Xá, Thêu Quất Động, Nón Chuông Chương Mỹ và Quạt Chàng Sơn. Đây đều là những làng nghề với sản phẩm độc đáo, thú vị, giàu giá trị văn hóa nhưng lại chưa được nhiều người biết đến.
Dự án “Những quả cam công lý” hay còn có tên “Chuyện của Bim” là một dự án phi lợi nhuận, lấy chủ đề xoay quanh về bộ phận sinh dục nữ. Dự án mong muốn mở ra một thế giới mới - một thế giới không có những lời phán xét về giá trị và cơ thể. Thông qua việc cung cấp các thông tin hữu ích và những thông điệp tích cực, dự án hướng tới giúp người đọc có đủ kiến thức và nhận thức đúng đắn về bộ phận sinh dục nữ, đồng thời cũng phản biện lại những định kiến, tin đồn tiêu cực sai sự thât. Từ đó tạo nên cơ hội giúp đem tới những chuyển biến về nhận thức và thái độ tích cực hơn về bộ phận sinh dục nữ.
Dự án dự kiến có nhiều hoạt động đa dạng được tổ chức trực tuyến (qua mạng xã hội, websites) và trực tiếp workshop, talkshow).
Dự án thứ ba, “Stand by me”, là một dự án nhằm giáo dục, kêu gọi mọi người về việc hoạt động và sử dụng mạng xã hội, các nền tảng truyền thông một cách văn minh. Từ đó, hạn chế tối đa những hậu quả của các vấn nạn như miệt thị ngoại hình, chỉ trích theo hiệu ứng đám đông... trên không gian mạng.
Dự án dự kiến sẽ có các hoạt động đa dạng như tổ chức các hội thảo ở các trường học về an toàn và văn minh trên không gian mạng; những buổi chia sẻn đến các cá nhân yếu thế như trẻ em mồ côi, lớp học tình thương, gia đình có ba mẹ lao động nghèo, trẻ em khuyết tật..; tổ chức cuộc thi về truyền thông sạch; ra mắt tranh truyền thông truyền tải thông điệp tích cực; các đại sứ truyền cảm hứng…
Ngay sau chung kết, ba dự án sẽ tiếp tục trải qua quá trình tinh giũa ý tưởng, đào tạo kỹ năng cùng hội đồng cố vấn chuyên môn thông qua chuỗi hỗ trợ chuyên sâu kéo dài trong một tháng trước khi chính thức được cấp quỹ và triển khai trong thực tế.
[Vinh danh 22 sáng kiến có ích cho cộng đồng trong năm 2022]
Cuộc thi Ý tưởng dự án xã hội được tổ chức bởi Tôi 20, một tổ chức phi lợi nhuận được điều hành bởi một nhóm sinh viên và du học sinh Việt Nam. Thành lập vào tháng 9/2013, Tôi 20 đặt sứ mệnh tìm kiếm và hiện thực hóa những ý tưởng, dự án xã hội có sức mạnh góp phần thay đổi cộng đồng.
Cuộc thi nhằm khuyến khích, hỗ trợ người trẻ tích cực đưa ra các sáng kiến, giải pháp thiết thực nhằm giải quyết các vấn đề còn tồn đọng trong xã hội. Các dự án mà Tôi 20 tìm kiếm cần đáp ứng ba tiêu chí: tính bền vững, tính khả thi, và có khả năng tác động tích cực tới cộng đồng. Thông qua cuộc thi, ban tổ chức mong muốn bồi dưỡng những đội ngũ nhân tài và ý tưởng đột phá, hứa hẹn tác động tích cực lên cộng đồng trẻ và hiệu quả truyền thông rộng rãi. Cuộc thi cũng là sân chơi thú vị, mang đến những cơ hội giao lưu, gặp gỡ và sẻ chia kinh nghiệm giữa những bạn trẻ có cùng niềm đam mê và mong muốn tạo ra những thay đổi tích cực cho xã hội.
Năm nay, sau hai tháng phát động, ban tổ chức đã nhận được 218 ý tưởng dự án xã hội đăng ký dự thi của các bạn trẻ trẻ trong độ tuổi 17 đến 25. Các thí sinh đến từ nhiều địa phương khác nhau trên cả nước, có chung tinh thần năng động và không ngừng kiến giải vấn đề, sẵn sàng lắng nghe, phát triển tư duy và hành động giúp kiến tạo những giá trị tích cực cho xã hội./.