Ba ngôi đình tiêu biểu của Nghệ thuật Kiến trúc Đình làng Bắc Bộ

Không chỉ nổi tiếng với làng nghề làm chum vại nức tiếng một thời, Hương Canh còn được biết đến bởi Di tích Kiến trúc Nghệ thuật Cụm đình Hương Canh bao gồm: Hương Canh, Tiên Canh và Ngọc Canh.
Ba ngôi đình tiêu biểu của Nghệ thuật Kiến trúc Đình làng Bắc Bộ ảnh 1Cụm đình Hương Canh thờ chung 6 vị thành hoàng. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

Di tích Kiến trúc Nghệ thuật Cụm đình Hương Canh, thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc được công nhận là Di tích Quốc gia Đặc biệt theo Quyết định số 1649/QĐ-TTg, ngày 29/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Hương Canh vốn gốc là tên một xã của huyện An Lãng, trấn Sơn Tây đời Hậu Lê, rồi được lấy làm tên tổng thời Nguyễn và tên của thị trấn ngày nay, nhưng theo cách hiểu của người địa phương, Hương Canh cũng là tên chung của ba làng Hương Canh, Ngọc Canh, Tiên Canh, còn gọi là Tam Canh.

Mảnh đất Hương Canh vốn nổi tiếng với câu ca được lưu truyền: “Ai về mua vại Hương Canh/Ai lên mình gửi cho anh với nàng."

Theo chiết tự, “hương” nghĩa là “mùi thơm," "canh” nghĩa là “lúa tám thơm." Hương Canh có nghĩa là "mùi thơm của hương lúa."

Không chỉ nổi tiếng với làng nghề làm chum vại nức tiếng một thời, Hương Canh còn được biết đến bởi Di tích Kiến trúc Nghệ thuật Cụm đình Hương Canh bao gồm đình Hương Canh, đình Tiên Canh và đình Ngọc Canh, được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18.

Cụm đình Hương Canh là nơi thờ Lục vị thời Ngô Vương gồm Thiên Sách Hoàng Đế (tức Ngô Xương Ngập), Quốc Vương Thiên Tử (tức Ngô Xương Văn), là 2 con trai của Ngô Quyền; Linh Quang Thái hậu tôn thần, Khả lã nương nương (2 người vợ của Ngô Quyền); Đông Nhạc Đại thần và Thị Tùng phu nhân.

Các đình ở Hương Canh đều có kiến trúc rất độc đáo theo kiểu chữ Vương, đạt đến đỉnh cao về nghệ thuật điêu khắc gỗ cổ dân gian với kỹ thuật chạm trổ tinh vi, điêu luyện, phác họa bức tranh đời sống sinh hoạt của người dân trong xã hội phong kiến xưa.

Đình Hương Canh bố cục hướng Tây, về phía ao đình. Có nhiều truyền thuyết về thời gian xây dựng đình Hương Canh, trong đó có thuyết rằng thời nhà Mạc (1527-1593), một vị hoàng gia nhà Hậu Lê đã chạy loạn, tị nạn tại làng Hương Canh. Sau khi hồi cung, ngài đã ban đặc ân cho làng được xây dựng ngôi đình mới khang trang từ ngôi đình cũ.

Đình Hương Canh trải qua nhiều lần trùng tu, vào năm 1888; năm 1925-1928 được nâng cao lên tới 1,5m chống lụt và sửa tòa Tiền đường thành Phương đình; năm 2007-2010 được cải tạo và phục dựng lại tòa Hậu cung đã bị dỡ bỏ vào năm 1964, xây mới Nghi môn.

[Vĩnh Phúc: Đình Hương Canh được xếp hạng Di tích Quốc gia Đặc biệt]

Đình Hương Canh có mặt bằng tương tự như đình Ngọc Canh, đình Tiên Canh, bao gồm các hạng mục công trình: Nghi môn, Sân đình và Đại đình.

Đình Ngọc Canh có bố cục hướng Nam, ra phía sông Phan, nằm tại phía Bắc của đình Hương Canh, cách khoảng 170m. Đình bao quanh bởi khu dân cư.

Đình được xây dựng vào cuối thế kỷ 18 trên nền một ngôi đình cũ; Tòa Tiền đường dựng năm 1769; Tòa Bái dường dựng năm 1813-1814, năm 1820 tô vẽ sơn son thếp vàng; năm 1903, làm mới tòa Hậu cung; năm 2009 được trùng tu.

Ba ngôi đình tiêu biểu của Nghệ thuật Kiến trúc Đình làng Bắc Bộ ảnh 2Tổng thể kiến trúc Đình Hương Canh. (Nguồn: Báo Vĩnh Phúc)

Đình Tiên Canh có bố cục hướng Tây Nam, ra phía sông Hồng, nằm tại phía Tây Nam của đình Hương Canh, cách khoảng 450m. Phía Tây của đình là một ao rộng.

Đình Tiên Canh được dựng vào năm 1776. Năm 1799 trùng tu, xây mới tòa Tiền đường và Trung đường.

Ngày nay, Cụm đình Hương Canh là trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng, nơi tổ chức lễ hội cùng các trò diễn dân gian địa phương. Hằng năm, dân làng thường tổ chức lễ hội để tưởng niệm các vị tướng tài trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, bảo vệ giang sơn Đại Việt.

Tại Lễ công bố và đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia Đặc biệt Cụm đình Hương Canh, diễn ra ngày 5/3, ông Nguyễn Minh Trung, Bí thư Huyện ủy Bình Xuyên, cho biết Bình Xuyên có 203 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 12 Di tích Lịch sử cấp Quốc gia, 46 di tích cấp tỉnh được xếp hạng, nổi bật là Di tích Kiến trúc Nghệ thuật Cụm đình Hương Canh.

Việc Di tích Kiến trúc Nghệ thuật Cụm đình Hương Canh được công nhận là Di tích Quốc gia Đặc biệt là niềm tự hào, vinh dự lớn, đồng thời cũng là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc nói chung, huyện Bình Xuyên và thị trấn Hương Canh nói riêng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của di tích./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục